Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Thời sự

Cứu dân là quan trọng nhất, Thủ tướng chỉ đạo hàng loạt giải pháp

PV - 15:12, 26/10/2020

Thủ tướng nhấn mạnh, chúng ta đang trong tình trạng “bão chồng bão, lũ chồng lũ”, đặc biệt ở khu vực miền Trung, cần triển khai tất cả các giải pháp có thể để cứu người, cứu dân.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: Cứu người là quan trọng nhất - Ảnh: VGP/Nhật Bắc
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: Cứu người là quan trọng nhất - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Sáng nay, 26/10, tại trụ sở Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chủ trì cuộc họp trực tuyến chỉ đạo ứng phó bão.

Cùng dự có Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường, lãnh đạo một số bộ, ngành và địa phương tại các đầu cầu trực tuyến.


Sau khi lắng nghe các ý kiến, kết luận cuộc họp, Thủ tướng nhấn mạnh, chúng ta đang trong tình trạng “bão chồng bão, lũ chồng lũ”, đặc biệt ở khu vực miền Trung.

Thủ tướng yêu cầu các địa phương nghiêm túc triển khai công điện về ứng phó bão số 9 (có tên quốc tế Molave với sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 12, tức 115-135 km/giờ, giật cấp 14). Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai, các cơ quan liên quan phải đôn đốc kiểm tra, bảo đảm thực hiện công điện này một cách tốt nhất.

“Chúng ta không được mất cảnh giác”, Thủ tướng nêu rõ tinh thần chủ động phòng chống tốt nhất để giảm thiểu thiệt hại do cơn bão mạnh gây ra và sau bão là mưa lũ.

Công tác cứu nạn, cứu hộ, hỗ trợ người dân 5 tỉnh miền Trung vẫn tiếp tục triển khai, nhất là tìm kiếm người mất tích, hỗ trợ nhân dân ổn định cuộc sống. Thủ tướng, các Phó Thủ tướng, các cơ quan đã có chủ trương, “các đồng chí bám vào các chủ trương này, đừng để nhân dân rơi vào cảnh “màn trời chiếu đất”, đói rét, khó khăn”.

Đối với cơn bão số 9, dự báo có thể đổ bộ vào nước ta ngày 28/10, Thủ tướng chỉ rõ, phải bảo đảm an toàn cho người dân, cả trên tàu, trên lồng bè. “Cứu người là quan trọng nhất, cho nên, tất cả các giải pháp có thể được, kêu gọi tàu bè, di dời dân cũng như khi tàu vào rồi thì cương quyết đưa ngư dân lên bờ, ngư dân trên lồng bè phải lên bờ”, Thủ tướng nói. Đây là kinh nghiệm khi trước đây, đã vào trú tránh gần bờ những vẫn xảy ra sự cố mất an toàn, “vì những con tôm hùm, lồng bè cá mà người chủ giữ ngư dân lại, không cho lên bờ, trách nhiệm đó phải xử lý nghiêm”.

Cho nên, tàu thuyền phải vào bờ sớm, neo đậu tránh va đập. Thủ tướng nhắc lại trường hợp năm 1986 ở Đà Nẵng, “tàu vào rồi, neo ở bờ, bị va đập nát hết, gây chết người”.

Đi liền với đó, chủ động sơ tán dân ở vùng thấp, ven biển bởi có nhận định, vùng ven biển có sóng lớn. Các địa phương đều phải có phương án di dời dân một cách phù hợp, không để ảnh hưởng đến tính mạng người dân sống ven biển.

Cùng với đó, bão có thể gây lũ lớn trên sông, gây ảnh hưởng rất lớn cho người dân. Thủ tướng cũng cảnh báo hiện tượng sạt lở núi có thể xảy ra bởi khu vực miền Trung có độ dốc lớn, đất ngâm nước lâu ngày mà hay gọi là “mưa thối đất”, như trường hợp 22 cán bộ, chiến sĩ Đoàn kinh tế quốc phòng 337 ở Quảng Trị bị vùi lấp thì vùng sạt lở nằm cách nơi đóng quân tới 1,6 km.

“Do đó, các địa phương phải chủ động di dời dân”, Thủ tướng nhắc lại. Ở vùng đồng bằng, phải chèn chống nhà cửa, bảo đảm an toàn các công trình, cơ sở hạ tầng quan trọng, đặc biệt các hồ đập. Phải có bộ phận chuyên môn theo dõi sát các hồ đập, “lưu lượng, mực nước thế nào để xả tràn lúc nào một cách chặt chẽ”, tránh tình trạng như hồ Kẻ Gỗ vừa qua.

Lưu ý công tác cứu hộ, cứu nạn sau bão, Thủ tướng yêu cầu các lực lượng liên quan, trước hết là Bộ Quốc phòng, Bộ Công an phải có cơ quan thường trực hỗ trợ các địa phương làm công tác này tốt nhất, “các trung đoàn, sư đoàn, lực lượng biên phòng trên địa bàn phải tập trung sức hỗ trợ dân trước bão và cứu dân sau bão”, kể cả dùng các phương tiện như máy bay trực thăng, xe tăng và các phương tiện để cứu dân khi bị mắc kẹt, bị bão lũ đe dọa tính mạng.

Ảnh: VGP/Nhật Bắc
Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Các ngành chức năng cũng phải tích cực vào cuộc như ngành điện phải bảo đảm cho người dân sau bão, “thường gây đổ cột điện nhiều”, ngành giao thông bảo đảm giao thông thông suốt, nỗ lực không để cách trở nhiều ngày.

Các ngành, địa phương liên quan chuẩn bị lực lượng, hàng hóa để hỗ trợ người dân khi cần thiết, không để người dân thiếu thốn, “đói cơm, lạt muối”.

Thủ tướng yêu cầu các địa phương quán triệt tinh thần “4 tại chỗ” từ tỉnh đến huyện, xã, không để bị động; dừng tổ chức các cuộc họp không cần thiết để tập trung phòng chống bão. “Phải đề cao cảnh giác, chủ quan thì hậu quả rất lớn”.

Theo báo cáo của Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai, trong phạm vi 8 tỉnh bị ảnh hưởng của bão, cần đặc biệt quan tâm đến 5 đối tượng có nguy cơ cao, bao gồm:

- Tổng số dân phải sơ tán theo kịch bản ứng phó với bão cấp 12, 13 là 1.279.163 người.

- Tổng số tàu thuyền trong khu vực từ Thừa Thiên-Huế - Khánh Hòa là 25.063; Tổng sức chứa tại 21 khu neo đậu tàu thuyền trong khu vực chỉ đáp ứng khoảng 61% nhu cầu thực tế.

- Nuôi trồng thủy sản: 14.063 ha và 178.938 lồng, bè.

- Hồ chứa thủy điện từ Hà Tĩnh – Phú Yên có 21 hồ đang xả đón lũ.

Hồ chứa thủy lợi: khu vực Nam Trung Bộ có 571 hồ, đã tích 30-90% dung tích; hiện không có hồ xả tràn; hiện có 22 hồ chứa xung yếu và 31 hồ đang thi công.

- Từ Thừa Thiên-Huế - Ninh Thuận có 627km đê biển, đê cửa sông; có 25 vị trí đê biển xung yếu và 10 vị trí đang thi công.

Ngay sau cuộc họp, Thủ tướng đã đến trụ sở Tổng cục Khí tượng Thủy văn để kiểm tra, chỉ đạo công tác phòng chống bão.