Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Sự kiện - Bình luận

Đại biểu Quốc hội kiến nghị tăng cường các giải pháp phòng chống dịch Covid-19

Minh Thu - 12:01, 29/07/2021

Kỳ họp đầu tiên của Quốc hội Khóa XV – kỳ họp thứ Nhất diễn ra trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp. Tại nghị trường, các đại biểu Quốc hội đã thảo luận, kiến nghị một số giải pháp tăng cường phòng chống dịch Covid-19 trong thời gian tới.


Chiều 28/7, Quốc hội khoá XV sẽ kết thúc kỳ họp thứ nhất sau 9 ngày làm việc liên tục
Kỳ họp thứ Nhất, Quốc hội khoá XV bế mạc vào chiều 28/7 sau 9 ngày làm việc liên tục

Kỳ họp đầu tiên của Quốc hội Khóa XV – kỳ họp thứ Nhất, diễn ra trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp. Tại nghị trường, các đại biểu Quốc hội đã thảo luận, kiến nghị một số giải pháp tăng cường phòng chống dịch Covid-19. Phóng viên Báo Dân tộc và Phát triển lược ghi một số ý kiến của đại biểu Quốc hội.

Đại biểu Nguyễn Thị Thủy (Bắc Kạn): Dịch bệnh Covid-19 là phép thử đối với tinh thần kỷ luật, ý thức, trách nhiệm công dân.

Đại biểu Nguyễn Thị Thủy
Đại biểu Nguyễn Thị Thủy

Chúng ta quyết liệt trong công tác phòng chống dịch, đảm bảo “mục tiêu kép” nhưng không thái quá, cực đoan, gây khó khăn cho người dân và doanh nghiệp. Vấn đề đặt ra là, làm sao để cách ly mà không tách rời, không làm đứt gãy nền kinh tế. Phải coi dịch bệnh Covid-19 là phép thử đối với tinh thần kỷ luật, ý thức, trách nhiệm công dân.

Quyết định của Đảng, Nhà nước tiếp tục triển khai gói hỗ trợ an sinh, mới thực sự là một quyết sách rất kịp thời và hợp lòng dân. Kiến nghị Chính phủ giao các bộ hữu quan, triển khai phần mềm thống kê liên thông để giúp cho việc rà soát chính xác, nhanh chóng đưa gói hỗ trợ đến với đối tượng thụ hưởng theo Nghị quyết 68/NQ-CP về một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19, tránh việc bỏ sót, trùng lắp hoặc tiêu cực có thể xảy ra. 

Đồng thời, Chính phủ giao các bộ hữu quan rà soát, đánh giá sức chống chịu của các doanh nghiệp trong bối cảnh dịch bệnh hiện nay, để chúng ta có những giải pháp căn cơ trong thời gian tới.

Đại biểu Nguyễn Minh Tâm (Quảng Bình): Cần giải pháp lâu dài trong phòng chống dịch. 

Đại biểu Nguyễn Minh Tâm
Đại biểu Nguyễn Minh Tâm

Chúng ta cần phải có các giải pháp lâu dài khi Covid-19 có thể sẽ không bao giờ biến mất và phải xây dựng được chiến lược sống chung với dịch bệnh này, hướng tới trạng thái bình thường mới. Bên cạnh các giải pháp về vaccine, xét nghiệm, điều trị bệnh, nâng cao trách nhiệm xã hội, cần có các kịch bản cụ thể, để đảm bảo hiệu quả hoạt động của các cơ quan nhà nước trong điều kiện dịch bệnh. 

Cùng với các vấn đề về hỗ trợ doanh nghiệp, hỗ trợ người lao động, bảo đảm chuỗi cung ứng sản xuất không bị đứt gãy, trong trường hợp dịch bệnh xảy ra tại các khu công nghiệp, cần quan tâm đến quyền của người lao động trong khu công nghiệp bị cách ly để họ được bảo đảm quyền lợi về ăn nghỉ, vui chơi, giải trí, đời sống gia đình.

Cần đảm bảo nguồn lực lâu dài cho công tác phòng, chống đại dịch, khi nguồn ngân sách nhà nước còn khó khăn, phải huy động các nguồn đóng góp của Nhân dân, doanh nghiệp vào quỹ vaccine. Cần khẩn trương hoàn thiện hệ thống pháp luật để phục vụ cho phòng, chống dịch bệnh Covid-19 và đảm bảo quyền con người, quyền công dân. 

Một số văn bản pháp luật cần quan tâm sửa đổi, như các quy định của pháp luật về chống bệnh truyền nhiễm đã lạc hậu, một số quy định không áp dụng được trong thời gian dịch bệnh Covid-19 vừa qua.

Đại biểu Tô Văn Tám (Đoàn Kon Tum): Vaccine chính là giải pháp quan trọng.

Đại biểu Tô Văn Tám
Đại biểu Tô Văn Tám

Thống nhất cao với việc Quốc hội cần xem xét, quyết định một số giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, tạo cơ sở pháp lý cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong lĩnh vực chỉ đạo, điều hành công tác phòng, chống dịch, thể hiện trong nghị quyết của Quốc hội với nội dung cốt lõi là “cho phép Chính phủ áp dụng một số biện pháp đặc biệt khác với quy định của luật hoặc chưa có trong luật”.

Vaccine chính là giải pháp quan trọng, mấu chốt, là cứu cánh trong thời điểm hiện tại, đảm bảo thành công trong công cuộc phòng, chống dịch. Tuy nhiên, tỉ lệ người dân được tiêm vaccine còn thấp. 

Người dân cả nước luôn mong Chiến lược vaccine của Chính phủ sẽ thành công, và tin tưởng mục tiêu 150 triệu liều vaccine để tiêm cho người dân, nhằm đạt miễn dịch cộng đồng và việc sản xuất vaccine trong nước sẽ trở thành hiện thực trong thời gian gần nhất.

Đại biểu Nguyễn Cao Sơn (Hòa Bình): Chính phủ tiếp tục thực hiện linh hoạt, chủ động các biện pháp, kế hoạch kiểm soát tốt dịch Covid-19.

Đại biểu Nguyễn Cao Sơn
Đại biểu Nguyễn Cao Sơn

Tập trung nguồn lực hỗ trợ các đối tượng gặp khó khăn do ảnh hưởng dịch Covid-19, nhanh chóng tìm nguồn và triển khai vaccine phòng, chống Covid-19; nghiên cứu để chủ động được nguồn vaccine trong dài hạn. 

Đề nghị Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước đẩy nhanh chỉ đạo tiến độ các Ngân hàng thương mại có chính sách miễn, giảm lãi suất, phí cho doanh nghiệp; đồng thời gia hạn trả nợ gốc vay và cơ cấu lại thời gian trả nợ, hỗ trợ cho doanh nghiệp do chịu ảnh hưởng của dịch Covid-19. 

Chính phủ chỉ đạo các cơ quan chức năng, có giải pháp đồng bộ hỗ trợ cho doanh nghiệp, như miễn giảm các loại thuế, đặc biệt thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế giá trị gia tăng, phí, thuế đất và gia hạn thời gian nộp thuế. Kiên định mục tiêu kép vừa chống dịch, vừa phát triển kinh tế - xã hội trong 6 tháng cuối năm 2021; quan tâm chỉ đạo các dự án giao thông đầu tư công có tính kết nối liên vùng, các dự án nước sạch, thủy lợi, trọng điểm cấp bách phục vụ tưới tiêu, sản xuất nông nghiệp. 

Tin cùng chuyên mục
Cập nhật dữ liệu thực trạng kinh tế - xã hội sau thiên tai để tránh sai số: Quỹ đất tiếp tục bị thu hẹp (Bài 2)

Cập nhật dữ liệu thực trạng kinh tế - xã hội sau thiên tai để tránh sai số: Quỹ đất tiếp tục bị thu hẹp (Bài 2)

Ảnh hưởng của bão số 3 và mưa lũ đã khiến qũy đất (đất ở, đất sản xuất) ở nhiều địa phương khu vực miền núi phía Bắc tiếp tục bị thu hẹp do sạt lở, bồi lấp. Dữ liệu về quỹ đất đã bố trí cho người dân được thu thập cách đây hơn một tháng nay không còn chính xác, cần thiết được cập nhật để thực hiện hiệu quả chính sách hỗ trợ đất ở, đất sản xuất cho đồng bào DTTS.