Vân Hồ là huyện vùng cao ĐBKK của tỉnh Sơn La, với dân số trên 55.797 người, trong đó chủ yếu là đồng bào DTTS (chiếm đến 80% là dân tộc Mông và Thái). Những năm qua, nhờ đẩy mạnh tuyên truyền nên địa bàn không còn tình trạng hôn nhân cận huyết thống, nhưng tình trạng tảo hôn vẫn đang rất đáng báo động.
Theo số liệu của Ban Dân tộc tỉnh Sơn La, năm 2016 toàn huyện có 125 trường hợp tảo hôn; thì năm 2017 tăng lên 147 trường hợp, năm 2018 là 114 trường hợp. Số cặp kết hôn cận huyết thống có chiều hướng giảm, năm 2016 là 62 cặp thì năm 2018 không còn có trường hợp nào kết hôn cận huyết. Tuy nhiên tỷ lệ kết hôn chưa đăng ký tăng cao, năm 2018 là 114 cặp.
Điển hình như trường hợp của em Hờ Thị Chư (sinh năm 2000) và chồng là Giàng A Việt (sinh năm 1998) thuộc hộ nghèo nhất nhì tại bản Co Lóng, xã Lóng Luông, huyện Vân Hồ. Hai vợ chồng lấy nhau năm 2015, khi cả hai chưa đủ tuổi kết hôn theo quy định, đến nay vẫn chưa làm thủ tục đăng ký kết hôn, các con chưa làm được giấy khai sinh, lúc ốm đau không có bảo hiểm y tế để khám chữa bệnh, không có điều kiện để chăm sóc sức khỏe.
Tình trạng tảo hôn không chỉ diễn biến theo chiều hướng gia tăng ở riêng huyện Vân Hồ mà còn xảy ra ở nhiều địa phương khác của tỉnh Sơn La. Thống kê của Ban Dân tộc tỉnh cho thấy, năm 2017 toàn tỉnh có 1.712 cặp tảo hôn, năm 2018 là 1.176 cặp. Nhưng đây chỉ là bề nổi bởi ở nhiều địa bàn vùng sâu, đi lại khó khăn rất khó để cập nhật số liệu. Hơn nữa, theo đánh giá của Ban Dân tộc tỉnh, nhiều hộ vì sợ bị xử lý khi có con em tảo hôn nên không khai báo.
Để giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết trên địa bàn, UBND tỉnh Sơn La đã ban hành Kế hoạch 108/KH-UBND ngày 30/9/2015 triển khai thực hiện Đề án “Giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng đồng bào DTTS trên địa bàn tỉnh Sơn La giai đoạn I (2015-2020)”. Triển khai thực hiện Đề án toàn tỉnh đã xây dựng, triển khai mô hình về can thiệp giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết ở 35 xã và 12 trường học; tổ chức được 40 hội nghị với 3.407 người tham gia; in ấn được 20.400 tờ rơi, pa nô, áp phích tuyên truyền về tác hại của tảo hôn và hôn nhân cận huyết. Mặc dù sau gần 4 năm thực hiện kế hoạch, số cặp tảo hôn và hôn nhân cận huyết đã có chuyển biến nhưng vẫn còn chậm. Tỷ lệ tảo hôn vẫn còn ở mức cao, chiếm 12,22% dân số.
Lý giải về tỷ lệ tảo hôn và hôn nhân cận huyết còn cao, ông Lường Bun Tỉnh, Phó trưởng Ban Dân tộc tỉnh Sơn La cho biết: Một phần là do những tập tục và nhận thức lạc hậu của đồng bào DTTS. Ngoài ra, do hoàn cảnh kinh tế khó khăn, các gia đình muốn con gái mình lấy chồng sớm để có thêm lao động trong nhà. Bên cạnh đó là do nguồn kinh phí để triển khai thực hiện Đề án còn ít, “chỉ như muối bỏ biển” nên vẫn chưa thực sự triển khai tuyên truyền sâu rộng về tác hại của việc tảo hôn và hôn nhân cận huyết cho người dân trên địa bàn; Chế tài xử phạt các trường hợp vi phạm chưa đủ mạnh, nên chưa đủ sức răn đe.
Cũng theo ông Lường Bun Tỉnh, để giảm thiểu tình trạng này đòi hỏi cần có sự vào cuộc của nhiều cơ quan, ban, ngành và địa phương để triển khai nhân rộng các mô hình thí điểm thực hiện Đề án tảo hôn, tiếp tục truyền thông, giáo dục chuyển đổi hành vi theo kiểu “mưa dầm thấm lâu” đến từng người dân để họ nhận biết được tác hại của việc tảo hôn và hôn nhân cận huyết, từng bước giảm thiểu tình trạng này.