Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Giáo dục

Đại học Nông Lâm Thái Nguyên triển khai Chương trình tiên tiến: Mở ra nhiều cơ hội cho sinh viên dân tộc thiểu số

PV - 16:25, 22/07/2019

Tháng 7, tháng của kỳ nghỉ hè nên trong khuôn viên Trường Đại học Nông Lâm Thái Nguyên (ĐHNLTN) vắng lặng hơn bình thường, nhưng tại các phòng chức năng, các cán bộ của Trường vẫn miệt mài làm việc. Tại đây, chúng tôi được biết về một Chương trình đào tạo có nhiều ưu điểm nổi bật-đó là Chương trình tiên tiến (CTTT). Từ Chương trình này, nhiều sinh viên dân tộc thiểu số (DTTS) đã có thêm cơ hội học tập và trải nghiệm ở môi trường quốc tế.

Hoàng Mỹ Hảo, sinh viên Trường Đại học Nông Lâm Thái Nguyên (thứ hai từ trái sang) và các bạn sinh viên nước ngoài trong chuyến thực tế tại Indonesia. Hoàng Mỹ Hảo, sinh viên Trường Đại học Nông Lâm Thái Nguyên (thứ hai từ trái sang) và các bạn sinh viên nước ngoài trong chuyến thực tế tại Indonesia.

Cô gái trẻ Hoàng Mỹ Hảo, dân tộc Sán Chỉ, xóm Khuổi Tát, xã Quy Kỳ, huyện Định Hóa, tỉnh Thái Nguyên, sinh viên năm cuối ngành Khoa học và Quản lý môi trường tại Trường ĐHNLTN là một trong số những điển hình như thế.

Hảo sinh ra và lớn lên trong gia đình nghèo, bố mẹ làm nông nghiệp, nên cuộc sống và con đường học tập của Hảo rất vất vả. Tham gia học CTTT của trường, Hảo đã được các thầy cô tạo điều kiện cho đi học tại Trường Universitas Gadjah Mada, Indonesia 5 tháng. Trong thời gian này, Hảo đã có thêm cơ hội để khám phá về một đất nước xinh đẹp với nhiều hòn đảo nổi tiếng. Xen kẽ các khóa học, Hảo và các sinh viên khác của Việt Nam đã được tham gia nhiều chuyến tìm hiểu thực tế để bổ sung thêm những kiến thức đã học trên lớp… Không chỉ vậy, ở đây mọi người đều có cơ hội để giao lưu và gặp gỡ bạn bè đến từ các nước khác như: Nhật Bản, Hàn Quốc, Malaysia, Úc, Anh, Đức…

Không chỉ nỗ lực học tập, Hảo còn chủ động, tích cực giới thiệu, quảng bá văn hóa Việt Nam đến bạn bè quốc tế trong quá trình sinh sống và học tập tại Trường Universitas Gadjah Mada, Indonesia như: món ăn, tiếng nói, phong tục tập quán của dân tộc Sán Chỉ, Hảo cũng đã nhận được sự ủng hộ rất lớn từ các bạn quốc tế.

Thạc sĩ Lý Thị Thùy Dương, Phó Giám đốc Trung tâm ươm tạo Công nghệ và Hỗ trợ khởi nghiệp, Trường ĐHNLTN, một trong những giảng viên CTTT chia sẻ: CTTT cho sinh viên DTTS có nhiều cơ hội bình đẳng. Nhiều em sinh viên khi vào Trường không biết tiếng Anh, giao tiếp còn rụt rè, tự ti, nhưng khi theo học CTTT, nhiều bạn sinh viên dân tộc Mông, Sán Dìu, Tày… đã tự tin, trưởng thành hơn, nhất là sau mỗi chuyến học tập tại nước ngoài. Khi ra trường, các bạn đã có trình độ tiếng Anh, có kỹ năng, kinh nghiệm quốc tế, giúp ích rất tốt cho công việc của các em sau này.

GS.TS Nguyễn Thế Hùng, Phó Hiệu trưởng Trường ĐHNLTN cho biết: CTTT là Chương trình đào tạo hướng tới hội nhập quốc tế. Ở chương trình này, yếu tố quốc tế, trải nghiệm quốc tế và môi trường đa văn hóa là quan trọng nhất. CTTT của nhà trường được Bộ Giáo dục và Đào tạo đánh giá là 1 trong 5 chương trình thành công nhất trong số 35 CTTT được triển khai ở Việt Nam. Khi mới bắt đầu, Trường ĐHNLTN được hỗ trợ đào tạo một chuyên ngành Khoa học và Quản lý môi trường, liên kết với một trường đại học tại Hoa Kỳ. Sau đó, nhận thấy Chương trình có nhiều ưu việt, trường tự bỏ kinh phí liên kết với các trường tại một số quốc gia khác, mở thêm nhiều chuyên ngành đào tạo, nhằm nâng cao chất lượng đào tạo theo chuẩn quốc tế.

Hiện nay, nhà trường đã hợp tác với Trường Đại học California, Hoa Kỳ và Trường Đại học New England, Úc triển khai CTTT ở 3 chuyên ngành: Khoa học và Quản lý Môi trường; Công nghệ Thực phẩm; Kinh tế Nông nghiệp. Các môn học của CTTT được giảng dạy hoàn toàn bằng tiếng Anh. Sinh viên CTTT có thêm cơ hội học tập tại nhiều quốc gia như: Pháp, Úc, Indonesia, Philippines…

Theo TS. Hoàng Hải Thanh, Cán bộ Văn phòng CTTT, Trường ĐHNLTN, sinh viên CTTT sau khi ra trường, ngoài kiến thức chuyên môn còn có trình độ ngoại ngữ vượt trội so với sinh viên đại trà. Sinh viên CTTT được đánh giá rất cao về kỹ năng mềm, khả năng hội nhập quốc tế, đây là tiêu chí mà các nhà tuyển dụng đặc biệt quan tâm trong thời đại đào tạo công dân toàn cầu. Học theo CTTT là sự lựa chọn đúng đắn và mở ra rất nhiều cơ hội về nghề nghiệp và học tập sau đại học cho sinh viên nói chung và sinh viên DTTS nói riêng.

THANH HUYỀN