Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Sắc màu 54

Đại ngàn vang mãi tiếng cồng chiêng

PV - 22:16, 07/02/2018

Đối với đồng bào các dân tộc Tây Nguyên, cồng chiêng không chỉ thể hiện tiếng nói, tâm tư, tình cảm mà còn là vật thiêng để con người giao tiếp với thần linh. Hiện nay, cồng chiêng còn trở thành sứ giả văn hóa kết nối du khách trong và ngoài nước đến với vùng đất đỏ bazan huyền thoại. Những nghệ nhân cồng chiêng giỏi đang ra sức bảo tồn, truyền dạy cho thế hệ trẻ giá trị của loại hình nghệ thuật độc đáo này.

Giữ hồn cồng chiêng

Trong căn nhà dài truyền thống, nghệ nhân Y Quyết Liêng (57 tuổi), dân tộc M’nông ở buôn Ja, xã Hòa Sơn, huyện Krông Bông, tỉnh Đăk Lăk đang lau chùi từng chiếc chiêng cổ của gia đình sau một buổi dạy đánh cồng chiêng cho bọn trẻ trong buôn. Nghệ nhân Y Quyết là một trong số ít người M’nông còn giữ được nhiều cồng chiêng và dành nhiều tâm huyết truyền lửa đam mê cồng chiêng cho thế hệ trẻ.

 Nghệ nhân Y Quyết dạy đánh chiêng cho thế hệ trẻ. Nghệ nhân Y Quyết dạy đánh chiêng cho thế hệ trẻ.

 

Hiện nay, nghệ nhân Y Quyết còn giữ được 3 bộ chiêng lớn-nhỏ đủ loại và một chiếc trống da trâu cổ mà ông bà, tổ tiên để lại. Ông luôn coi đó là báu vật, tài sản lớn nhất.

Khi nạn “chảy máu cồng chiêng” diễn ra khắp Tây Nguyên, nhiều lần thương lái đến nhà hỏi mua giá cao, nhưng ông vẫn nhất quyết không bán cho dù cuộc sống nhiều lúc túng quẫn. “Tiếng chiêng đã đi vào máu thịt của đồng bào mình, từ khi lọt lòng đến lúc trưởng thành, dựng vợ gả chồng và cả đến khi khuất núi về với Yàng. Với tôi thà nhịn ăn, nhịn mặc chứ cồng chiêng mà bán đi rồi thì buôn làng, con người sẽ trở nên vô hồn”, nghệ nhân Y Quyết lý giải.

Cũng bằng tình yêu đặc biệt với văn hóa cồng chiêng, mong muốn bảo tồn cồng chiêng trong cuộc sống đời thường, hàng chục năm qua, nghệ nhân A Biu (60 tuổi), dân tộc Ba Na ở xã Ngọc Bay, TP. Kon Tum, tỉnh Kon Tum miệt mài sưu tầm những bộ chiêng cổ, bài chiêng, điệu xoang rất lâu đời, rồi âm thầm đi đến các làng trên xóm dưới, các trường học để truyền dạy cồng chiêng cho thế hệ trẻ.

Nghệ nhân A Biu cho biết: dạy trẻ nhỏ đánh cồng chiêng đúng âm, đúng nhịp vất vả hơn rất nhiều so với dạy người lớn. Người dạy phải chỉnh sửa, uốn nắn từng động tác, từ cách cầm dùi, phong thái biểu diễn đến mỗi bước chân nhún nhảy cho các em nhỏ hòa với âm thanh cồng chiêng một cách nhịp nhàng.

“Cồng chiêng là cội rễ, tiếng nói tâm tình của dân tộc Ba Na. Vui người ta đánh cồng chiêng, buồn cũng lấy ra kể chuyện. Nói thương nhau, giận nhau cũng bằng tiếng cồng chiêng. Còn sức khỏe ngày nào mình sẽ đi truyền dạy cồng chiêng ngày đó, càng nhiều người biết càng tốt”, nghệ nhân A Biu nói.

Để góp công bảo tồn giá trị văn hóa đặc trưng của đồng bào Tây Nguyên, mấy năm trước, nghệ nhân A Biu cùng với gia đình xây dựng ngôi nhà truyền thống ở làng Plei Klech mở cửa để có nhiều cơ hội đón khách giới thiệu về văn hóa Ba Na…

Mang chiêng đi đánh xứ người

Ở tuổi 75 nghệ nhân Y’mip Ayun dân tộc Ê-đê ở buôn Kô Siêr, phường Tân Lập, TP. Buôn Ma Thuột, tỉnh Đăk Lăk vẫn tích cực hoạt động gìn giữ và trao truyền những giai điệu cồng chiêng, làn điệu dân ca dân gian truyền thống của dân tộc mình.

Sớm được học hỏi nghệ thuật diễn tấu và chế tác nhạc cụ dân tộc từ cha và thường xuyên tham gia lễ hội, sinh hoạt văn hóa của buôn, nên mới 8 tuổi Y’mip Ayun đã thuộc nhiều bài chiêng cổ. Đặc biệt, nghệ nhân Y’mip là người có khả năng thẩm âm, chỉnh chiêng giỏi đúng chuẩn mực của âm nhạc truyền thống, dân gian Tây Nguyên. Nhiều bộ chiêng cổ bị lạc tiếng, hư hỏng qua tay ông lại ngân vang tiếng vọng đại ngàn.

Nghệ nhân Y’mip tham gia các chương trình nghệ thuật trong nước và giành nhiều giải thưởng, danh hiệu cao quý như: Nghệ nhân xuất sắc, giải Bông sen Vàng, Huy chương Vàng tại nhiều chương trình Liên hoan Văn hóa cồng chiêng toàn quốc… Không chỉ vậy, ông còn mang cồng chiêng Tây Nguyên ra thế giới, biểu diễn cồng chiêng ở nhiều nước Đông Nam Á, Pháp, Đức, Phần Lan, Ý… Năm 2007, nghệ nhân Y’mip được Nhà nước phong tặng danh hiệu Nghệ nhân dân gian.

Vang mãi tiếng cồng chiêng

Bảo tồn không gian văn hóa cồng chiêng ngày càng được Nhà nước quan tâm hơn. Các nhà quản lý văn hóa cũng thực hiện nhiều cách hay để bảo tồn cồng chiêng và bước đầu đã mang lại hiệu quả.

Điển hình, từ tháng 7/2017 Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Đăk Lăk bắt đầu thực hiện Chương trình biểu diễn cồng chiêng phục vụ du khách thăm quan tại Biệt điện Bảo Đại, TP. Buôn Ma Thuột 2 đêm/tháng. Qua nửa năm thực hiện với 12 đêm diễn, chương trình đã thu hút gần 4.000 lượt người, trong đó khách quốc tế chiếm khoảng 10% đến thưởng thức, bước đầu đáp ứng mục tiêu kích cầu, phát triển du lịch trên địa bàn thông qua hoạt động giới thiệu, trình diễn vốn văn hóa đặc sắc và độc đáo này.

Dự kiến Chương trình sẽ tiếp tục được thực hiện trong năm 2018. Ông Y Chen Niê, Phó trưởng Phòng Quản lý di sản, Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch tỉnh Đăk Lăk cho biết: Những năm qua, chính quyền địa phương dành nhiều sự quan tâm bảo tồn cồng chiêng. Đặc biệt, năm 2017 ngoài thực hiện Chương trình biểu diễn cồng chiêng phục vụ du khách, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch mở 2 lớp dạy cồng chiêng cho thiếu nhi tuổi từ 8-16, với hơn 50 học viên tham gia lớp học.

Ngoài ra, tháng 12/2017, Sở đã đặt mua và cấp 8 bộ chiêng và 56 bộ trang phục cho đội cồng chiêng ở 8 buôn trên địa bàn tỉnh, qua đó, nâng cao ý thức trách nhiệm của đồng bào trong việc gìn giữ di sản văn hóa của dân tộc trước nguy cơ bị mai một.

LÊ HƯỜNG

Tin cùng chuyên mục
Kết nối di sản văn hóa phi vật thể - “Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên”

Kết nối di sản văn hóa phi vật thể - “Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên”

Trong 2 ngày 21, 22/11, Cục Di sản văn hóa, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Đắk Lắk tổ chức Tập huấn triển khai mô hình kết nối di sản văn hóa phi vật thể “Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên” trong hành trình du lịch di sản Buôn Ma Thuột - Đắk Lắk.