Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Môi trường sống

Đăk Lăk: Đánh thức tiềm năng phát triển năng lượng tái tạo

PV - 14:49, 14/05/2019

Đăk Lăk được đánh giá là địa phương có tiềm năng phát triển nguồn năng lượng tái tạo lớn nhất nhì cả nước và bước đầu đang được khai thác hiệu quả. Đến nay, Đăk Lăk đã có 3 dự án điện mặt trời hòa vào lưới điện quốc gia, với công suất hàng trăm MWP và nhiều dự án điện mặt trời, điện gió đã được phê duyệt.

Một thời gian dài, cứ vào mùa khô, nhiều diện tích đất nông nghiệp ở Đăk Lăk bị bỏ hoang do nắng hạn thiếu nước, không thể sản xuất nông nghiệp, đời sống người dân các vùng hạn quanh quẩn đói nghèo. Nhưng nay, những cánh đồng hoang hóa, khô cằn đã được phủ trắng các tấm pin điện mặt trời, các cột tua bin gió. Các dự án năng lượng tái tạo điện gió, điện mặt trời được triển khai và mang lại hiệu quả bước đầu đang mở ra cánh cửa mới để địa phương này phát triển kinh tế, xã hội.

Trang trại điện gió huyện Ea H’leo. Trang trại điện gió huyện Ea H’leo.

Tại Hội nghị xúc tiến đầu tư tỉnh Đăk Lăk năm 2019 diễn ra ngày 10/3, Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình đã từng đánh giá: Đăk Lăk có những vùng đất khô cằn đầy nắng gió có nguồn bức xạ mặt trời cao gây khó khăn đối với sản xuất nông-lâm nghiệp, nhưng lại là thuận lợi rất lớn để phát triển năng lượng tái tạo, tận dụng đầu tư khai thác sẽ mang lại hiệu quả kinh tế lớn.

Ngày 25/4, giữa cái nắng cao điểm mùa khô, Công ty cổ phần Năng lượng tái tạo BMT đã khánh thành Dự án Trang trại điện mặt trời BMT tại xã Ea Phê, huyện Krông Păk với công suất khoảng 30MWP. Dự án được xây dựng trên diện tích 34,5ha đất nằm dưới chân đập Krông Buk Hạ, với tổng vốn đầu tư 617 tỷ đồng. Dự án hoàn thành sẽ cung cấp khoảng hơn 44MWh/năm cho hệ thống điện lưới quốc gia; đóng góp hàng chục tỷ đồng tiền thuế và giải quyết việc làm cho lao động tại chỗ. Theo chủ đầu tư dự án, ngoài trang trại điện mặt trời này, đơn vị cũng đang khảo sát xây dựng trang trại điện gió tại huyện Cư M’gar, dự kiến vốn đầu từ khoảng 200 triệu USD.

Trước đó, đầu tháng 3 cụm công trình điện mặt trời Sêrêpôk 1-Quang Minh rộng 120ha, công suất 100 MWP tại xã Ea Wen, huyện Buôn Đôn cũng chính thức cắt băng khánh thành sau 6 tháng khởi công. Với công suất đó, mỗi năm cụm điện mặt trời này sẽ cung cấp cho lưới điện quốc gia khoảng 150 triệu kwh, thu ngân sách khoảng 300 tỷ đồng. Như vậy, mỗi ha đất cằn ở huyện biên giới sẽ mang lại doanh thu gần 3 tỷ đồng mỗi năm.

Theo kết quả khảo sát của UBND tỉnh Đăk Lăk, địa phương này có đủ điều kiện để phát triển điện mặt trời lên đến 16.000MWP. Hiện tại, đã có 32 dự án điện mặt trời được lập và xin chủ trương đầu tư, trong đó có 5 dự án đã được Bộ Công thương phê duyệt. Dự kiến năm 2019, sẽ có 4 dự án đi vào hoạt đồng gồm Điện mặt trời Long Thành 1 tại huyện Ea Súp, Điện mặt trời Jang Pông tại huyện Buôn Đôn, Trang trại điện mặt trời BMT huyện Krông Păk, Cụm nhà máy điện mặt trời Xuân Thiện huyện Ea Súp với tổng công suất gần 700MWP.

Cùng với phát triển năng lượng mặt trời, năng lượng gió tại Đăk Lăk cũng bắt đầu được khai mở với dự án đầu tiên là phong điện Tây Nguyên do Công ty cổ phần Giải pháp năng lượng gió HBRE triển khai tại xã Dliê Yang, huyện Ea H’leo với công suất 436MW, vốn đầu tư khoảng 13.000 tỷ đồng. Dự kiến, tháng 6/2019, tất cả 12 tổ máy của giai đoạn 1 sẽ hoàn thành hòa lưới điện quốc gia với công suất 28,8 MW, sản lượng điện 108 triệu kWh/năm.

Có thể thấy, Đăk Lăk có tiềm năng rất lớn để phát triển năng lượng tái tạo, thu hút sự quan tâm của các nhà đầu tư trong nước và quốc tế. Quan điểm của UBND tỉnh Đăk Lăk, các sở, ban ngành địa phương này cũng tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các nhà đầu tư khảo sát, lập dự án, tiến hành thủ tục đầu tư và triển khai dự án.

Điều đó thể hiện rõ, tại Hội nghị xúc tiến đầu tư ngày 10/3 vừa qua, UBND tỉnh và các nhà đầu tư ký kết biên bản ghi nhớ thực hiện 5 dự án điện gió và điện mặt trời, tổng công suất 641MW, tổng vốn đầu tư gần 21.000 nghìn tỷ đồng. Các dự án này đang được khảo sát, lập dự án, lắp đặt cột đo gió để thu thập số liệu lượng gió và bổ sung vào Quy hoạch phát triển điện lực của tỉnh làm cơ sở triển khai trong thời gian tới.

LÊ HƯỜNG

Tin cùng chuyên mục