Cán bộ Phòng Giao dịch NHCSXH Đắk Mil tiếp người dân tại điểm giao dịchÔng Nguyễn Thành Lâm, Phó Giám đốc Phòng Giao dịch (PGD) NHCSXH Đắk Mil cho biết: “Chúng tôi đã chủ động xây dựng phương án vận hành phù hợp ngay sau khi thực hiện việc sáp nhập địa giới hành chính và thực hiện chính quyền địa phương hai cấp. PGD vẫn tiếp tục duy trì 11 điểm giao dịch tại các trụ sở UBND của 4 xã sau sáp nhập. Các phiên giao dịch được tổ chức vào những ngày cố định hằng tháng như trước đây, duy trì hoạt động của 268 tổ tiết kiệm và vay vốn. Điều này giúp người dân không phải đi lại xa, tránh phát sinh chi phí và thời gian di chuyển không cần thiết”.
Không chỉ giữ nguyên mạng lưới giao dịch, hệ thống dữ liệu của ngân hàng còn tự động cập nhật thông tin địa chỉ của người dân theo đơn vị hành chính mới. Người dân không cần thực hiện thêm bất kỳ thủ tục khai báo hay bổ sung giấy tờ nào, góp phần giảm tải đáng kể áp lực hành chính trong giai đoạn chuyển tiếp.
PGD NHCSXH Đắk Mil cũng tăng cường phối hợp với chính quyền địa phương và các tổ chức chính trị - xã hội nhận ủy thác, thường xuyên thông báo công khai về địa điểm, thời gian giao dịch, danh sách thôn, bon thuộc từng điểm giao dịch. Qua đó, các tổ tiết kiệm và vay vốn cũng như bà con dễ dàng nắm bắt thông tin, chủ động sắp xếp thời gian đến giao dịch đúng lịch.
Ông Y Thoa, Phó Chủ tịch UBND xã Đắk Sắk, tỉnh Lâm Đồng chia sẻ: “Chính quyền địa phương luôn đồng hành, tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất để NHCSXH hoạt động hiệu quả. Chúng tôi hỗ trợ về cơ sở vật chất, hội trường, bố trí địa điểm giao dịch phù hợp để bà con không phải đi xa, việc giải quyết hồ sơ vay vốn cũng được phối hợp chặt chẽ, nhanh chóng”.
Một buổi giao dịch xã trên địa bàn Đắk MilNhờ sự vào cuộc đồng bộ, tích cực từ cả hệ thống, kết quả hoạt động tín dụng chính sách trên địa bàn huyện Đắk Mil vẫn duy trì ổn định và tăng trưởng tích cực. Tính đến hết tháng 6/2025, tổng dư nợ đạt hơn 668,9 tỷ đồng với 10.587 hộ vay vốn. Tỷ lệ nợ quá hạn chỉ chiếm 0,05% tổng dư nợ – con số thể hiện rõ nét chất lượng tín dụng và hiệu quả công tác quản lý vốn.
Không chỉ chú trọng đến quy trình nghiệp vụ, PGD còn đặc biệt coi trọng yếu tố phục vụ. Với phương châm “Thấu hiểu lòng dân, tận tâm phục vụ”, các cán bộ tín dụng luôn sẵn sàng bám địa bàn, tổ chức giao dịch xã thường xuyên, đưa dịch vụ ngân hàng chính sách đến tận thôn, bon. Hình ảnh cán bộ tín dụng mang theo sổ sách, hồ sơ, thiết bị đến từng điểm giao dịch đã trở thành quen thuộc với người dân địa phương - những người nông dân chân chất, nhiều người lần đầu được tiếp cận với một dịch vụ ngân hàng.
“Việc duy trì các điểm giao dịch lưu động không chỉ là nhiệm vụ chuyên môn mà còn thể hiện sự đồng hành, sẻ chia của ngân hàng với từng hộ dân. Chúng tôi hiểu rằng, với bà con vùng sâu, vùng xa, một chuyến đi đến trung tâm huyện để giao dịch là điều không hề đơn giản. Vì thế, đưa ngân hàng đến tận nơi là cách tốt nhất để phục vụ người dân một cách hiệu quả và công bằng”, ông Nguyễn Thành Lâm nhấn mạnh.
Trong bối cảnh sáp nhập đơn vị hành chính, nhiều nơi gặp khó khăn trong duy trì hoạt động ổn định, nhưng tại Đắk Mil, tín dụng chính sách vẫn giữ được sự thông suốt và linh hoạt. Nhờ sự chuẩn bị chủ động, sát sao cùng tinh thần phục vụ tận tâm, PGD NHCSXH Đắk Mil đang tiếp tục đóng vai trò quan trọng trong việc hỗ trợ người dân phát triển sản xuất, tạo sinh kế và ổn định đời sống đúng với phương châm “ngân hàng của dân, do dân và vì dân”.
Từ đầu năm đến nay, PGD NHCSXH Đắk Mil đã giải ngân cho 2.219 lượt khách hàng. Trong đó có 71 hộ nghèo được vay tổng cộng 5,92 tỷ đồng; 372 hộ cận nghèo vay 32,81 tỷ đồng; 929 hộ vay chương trình nước sạch và vệ sinh môi trường với số tiền 43,9 tỷ đồng; 425 hộ vay vốn giải quyết việc làm với tổng số tiền 32,1 tỷ đồng.