Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Giáo dục

Đăk Nông: Khắc phục tình trạng thiếu giáo viên

PV - 19:18, 17/09/2019

Trước thềm năm học mới, nhiều trường học tại huyện Đăk G’long, tỉnh Đăk Nông đứng trước thực trạng thiếu giáo viên, thậm chí có những nơi, không dám gọi trẻ đến trường dù đã trong độ tuổi đi học. Để giải quyết khẩn cấp tình trạng trên, tỉnh đang nỗ lực thực hiện một số giải pháp.

Theo báo cáo của Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) tỉnh Đăk Nông, toàn tỉnh hiện có 10.188 cán bộ, giáo viên và nhân viên trong biên chế ở các trường công lập; trong đó có 8.178 biên chế giáo viên. Để bảo đảm nhu cầu dạy và học, toàn tỉnh hiện còn thiếu 1.062 giáo viên theo quy định, trong đó bậc học thiếu nhiều nhất là mầm non, thiếu 723 giáo viên.

Nhiều trường học ở Đăk Nông thiếu giáo viên. Nhiều trường học ở Đăk Nông thiếu giáo viên.

Đăk G’long là địa phương có số lượng học sinh tăng hằng năm cao nhất cả tỉnh nên thiếu nhiều giáo viên, đặc biệt, trong vùng đồng bào DTTS. Theo thống kê của Phòng GD&ĐT huyện, năm học 2019-2020, toàn huyện có khoảng 20.605 học sinh các cấp, tăng 2.806 em so với năm học trước. Trong đó, trẻ trong độ tuổi học Mầm non là 5.832, tăng 1.400 trẻ. Tuy nhiên, vì thiếu giáo viên, nên huyện chỉ huy động được khoảng 4.000 trẻ đến trường.

Trường Mầm non Hoa Lan (xã Đăk R’Măng) là một trong những đơn vị thiếu giáo viên nhiều nhất huyện. Năm học này, trường có 12 lớp học, mỗi cô phải đảm nhận 4 lớp với khoảng 100 cháu, chia thành 4 phân hiệu. Theo quy định, mỗi lớp có 2 giáo viên thì trường cần đến 24 cô giáo, nhưng hiện trường chỉ có 3 biên chế giáo viên. Vì thiếu giáo viên, trường đã phải huy động hết nhân lực, cán bộ quản lý, nhân viên đều phải đứng lớp.

Trường Tiểu học bán trú Vừ A Dính (xã Đăk Som) cũng thiếu giáo viên trầm trọng. Năm học, 2019-2020, trường có gần 1.300 học sinh, gồm 38 lớp học, theo tính toán trường còn thiếu 17-18 giáo viên. Thầy Vũ Tiến Hiệp, Hiệu trưởng nhà Trường cho biết: 90% học sinh của trường là người đồng bào DTTS, chủ yếu là người Mông, phần lớn các cháu lại chưa được phổ cập giáo dục mầm non. Ngoài số học sinh trên địa bàn xã Đăk Som, trường còn tiếp nhận cả các cháu thuộc các cụm dân cư nằm sâu trong rừng của xã Đăk R’Măng. Vì các cháu chưa được học mầm non, nói tiếng Kinh chưa rành, nhà trường tập trung giáo viên cho khối lớp 1 nên thiếu giáo viên ở các khối khác. Năm học trước, ban giáo hiệu cũng phải đứng lớp 4 buổi/ngày.

Hiện nay, Bộ Nội vụ đã bổ sung cho tỉnh thêm 634 biên chế giáo viên cho bậc học mầm non. UBND tỉnh đã rà soát, phân bổ hợp lý cho các huyện, thị xã nhằm giảm áp lực thiếu giáo viên bậc mầm non. Theo đó, các huyện, thị xã trên địa bàn tỉnh cũng đang thực hiện kế hoạch tuyển dụng để tuyển hết số giáo viên theo biên chế được giao trong năm 2019. Triển khai nhiều giải pháp phù hợp để khắc phục, bảo đảm cơ bản nhu cầu học tập của học sinh trên địa bàn.

Ông Nguyễn Văn Toàn, Giám đốc Sở GD&ĐT Đăk Nông cho biết: Sở đã chỉ đạo các Phòng GD&ĐT tham mưu UBND huyện, thị xã thực hiện các giải pháp khắc phục tình trạng thiếu thừa giáo viên. Sở yêu cầu, các trường tinh gọn bộ phận nhân viên hành chính, chuyển đổi biên chế nhân viên sang biên chế giáo viên để giải quyết tại chỗ việc thiếu giáo viên; chỉ đạo Phòng GD&ĐT cân đối thừa thiếu giáo viên giữa các trường, nhất là trường tiểu học và THCS. Những trường thừa giáo viên bộ môn sẽ điều chuyển sang những trường thiếu trên địa bàn các huyện, thị và tiếp theo sẽ cân đối giáo viên thừa thiếu, điều chuyển trong khu vực toàn tỉnh.

Các đơn vị cũng đang khuyến khích những vị trí có thể tinh giảm, học thêm văn bằng hai sư phạm mầm non. Trên cơ sở đó, các huyện, thị xã tổ chức sát hạch, chuyển những người đã có bằng thành giáo viên mầm non. Đến nay, toàn tỉnh đã chuyển đổi được 51 biên chế nhân viên sang bổ sung cho biên chế giáo viên mầm non. Tuy nhiên, tỉnh mới giải quyết được một phần tình trạng thiếu giáo viên bằng việc cân đối giáo viên thừa, thiếu trong phạm vi nội bộ huyện, thị xã, các đơn vị trực thuộc Sở.

Giải pháp căn cơ và lâu dài, là phải giải quyết được trong toàn tỉnh, tức là có thể điều chuyển giáo viên thừa, thiếu giữa các huyện, thị xã với nhau sao cho cân đối. Đây là vấn đề có tính chất lâu dài, vì việc điều chuyển đòi hỏi phải bảo đảm ổn định cho đội ngũ.

QUỐC PHONG - LÊ HƯỜNG

Tin cùng chuyên mục
Đắk Lắk: Đầu tư, đổi mới phương pháp giáo dục phù hợp với điều kiện học tập, bản sắc văn hóa truyền thống

Đắk Lắk: Đầu tư, đổi mới phương pháp giáo dục phù hợp với điều kiện học tập, bản sắc văn hóa truyền thống

Thực hiện Dự án 5 về Phát triển giáo dục đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, Chương trình MTQG phát triển kinh tế -xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi (Chương trình MTQG 1719), tỉnh Đắk Lắk đã phân bổ khoảng 173 tỷ đồng đầu tư cơ sở hạ tầng, trang thiết bị dạy học cho các trường phổ thông dân tộc nội trú, trường phổ thông dân tộc bán trú. Đồng thời, quan tâm đổi mới giáo dục, phương pháp giảng dạy phù hợp với ngôn ngữ, văn hóa của từng dân tộc.