Năm 2018, mưa lũ đã từng làm sạt lở hàng trăm nghìn mét khối đất đá gây ách tắc nhiều tuyến đường liên bản, liên xã của huyện Phong Thổ, tổng thiệt hại về giao thông ước tính trên 60 tỷ đồng. Năm nay, mặc dù mới bước vào đầu mùa mưa lũ, nhưng huyện Phong Thổ cũng đã chịu những ảnh hưởng. Cụ thể, trong những ngày cuối tháng 6 vừa qua, mưa lũ đã gây sạt lở khối lượng lớn đất đá làm cô lập 2 bản Lao Chải và Lản Nhì Thàng của xã Sì Lở Lầu, rất may không có thiệt hại về người.
Để chủ động ứng phó và bảo vệ các công trình giao thông trong mùa mưa lũ, huyện Phong Thổ đã chỉ đạo các xã túc trực, thành lập các đội cơ động; huy động các doanh nghiệp đang thi công các công trình trên địa bàn phối hợp cùng với huyện khắc phục sự cố giao thông trong mùa mưa lũ khi huyện yêu cầu.
Ông Trần Hải Quý, Giám đốc Công ty TNHH Một thành viên Hòa Quý, huyện Phong Thổ cho biết: Sau khi huyện có ý kiến, đơn vị đã chủ động tập trung máy móc, phương tiện đang thi công ở các công trình về tiến hành kiểm tra, bảo dưỡng, bảo đảm máy móc lúc nào cũng phải hoạt động tốt. Ngoài ra, đơn vị cũng chuẩn bị sẵn sàng vật tư cần thiết như rọ sắt, xăng dầu cũng như nhân lực..., nhằm bảo đảm khi có bão lũ, sạt lở xảy ra là có thể sử dụng tiến hành khắc phục ngay để thông tuyến.
Theo ông Bùi Văn Sơn, Phó Chủ tịch huyện Phong Thổ, với đặc thù là huyện vùng cao biên giới nên địa hình nơi đây chia cắt rất lớn.
Toàn huyện hiện có khoảng 700km đường giao thông, trong đó đường giao thông liên bản, liên xã khoảng 400km. Các tuyến đường giao thông này chủ yếu nằm ở vùng cao, địa hình dốc; chính vì vậy, vào mùa mưa thường xuyên xảy ra tình trạng sạt lở đất đá. Do đó, việc đảm bảo an toàn giao thông trong mùa mưa bão luôn được huyện đặc biệt quan tâm.
Để giảm thiệt hại về giao thông, đặc biệt là các tuyến đường liên bản, liên xã trong mùa mưa năm nay, UBND huyện đã chỉ đạo các xã đối với những ngày mưa bão, phải bố trí lực lượng, phương tiện túc trực 24/24 giờ để khơi thông dòng chảy, không để dòng chảy làm mất đường. Đồng thời, thông báo yêu cầu các đơn vị thi công trên địa bàn tiến hành thông tuyến ngay sau khi sự cố xảy ra.
Cũng theo ông Sơn, bên cạnh việc chủ động các phương án sẵn sàng ứng phó thiệt hại do mưa lũ gây ra, huyện cũng chỉ đạo các ban ngành, các xã thực hiện tốt phương châm 4 tại chỗ: Chỉ huy tại chỗ, lực lượng tại chỗ, vật tư và phương tiện tại chỗ, hậu cần tại chỗ.
Cùng với đó, có kế hoạch dự phòng vật tư nông nghiệp, vật tư y tế, vật liệu xây dựng, phương tiện, lương thực, thực phẩm và nhu yếu phẩm cần thiết, nhằm bảo đảm ứng cứu, hỗ trợ kịp thời trong và sau thiên tai, sớm ổn định đời sống và sản xuất của Nhân dân.
TRỌNG BẢO