Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Thời sự

Đảm bảo sự lãnh đạo toàn diện của Đảng đi đôi với phát huy dân chủ trong công tác hiệp thương của Mặt trận

PV - 14:56, 22/01/2021

Sáng 22/1, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tổ chức Hội nghị trực tuyến tập huấn công tác bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV, đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026.

Đồng chí Trần Thanh Mẫn, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Ảnh: Phương Hoa/TTXVN
Đồng chí Trần Thanh Mẫn, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Ảnh: Phương Hoa/TTXVN

Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Phó Chủ tịch Hội đồng bầu cử quốc gia, Trưởng ban Chỉ đạo bầu cử Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Trần Thanh Mẫn chủ trì Hội nghị. Cùng dự có Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch - Tổng Thư ký Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Hầu A Lềnh, các Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cùng hơn 8.500 đại biểu tại 64 điểm cầu trên cả nước.

Phát biểu tại Hội nghị, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Trần Thanh Mẫn nhấn mạnh, bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân là hình thức dân chủ trực tiếp, là phương thức thể hiện ý chí, nguyện vọng, quyền làm chủ của nhân dân trong việc xây dựng Nhà nước nói chung và cơ quan đại diện - cơ quan quyền lực Nhà nước từ Trung ương đến địa phương ở nước ta. Cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 là sự kiện chính trị quan trọng của đất nước, diễn ra sau thành công của Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, gắn liền với công tác cán bộ, liên quan đến trách nhiệm của các cấp, các ngành; là dịp để cử tri phát huy quyền, nghĩa vụ của công dân, lựa chọn, bầu ra những người tiêu biểu, xứng đáng trong cơ quan quyền lực Nhà nước ở Trung ương, địa phương.

Từ nội dung các chuyên đề được trình bày tại Hội nghị, ông Trần Thanh Mẫn đề nghị đại biểu tham dự tập trung nghiên cứu kỹ tài liệu, trao đổi, thảo luận về những vấn đề liên quan như việc thành lập các tổ chức phụ trách bầu cử, quy trình hiệp thương, tổ chức hội nghị cử tri, công tác tuyên truyền, tiếp công dân, xử lý đơn thư…

Tại Hội nghị, Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Trương Thị Ngọc Ánh đã quán triệt các văn bản lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam triển khai công tác bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026. Theo đó, đến thời điểm này, đã có 17 văn bản chỉ đạo của Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam ban hành liên quan đến công tác bầu cử. Đây là hệ thống văn bản hết sức cơ bản, quan trọng, xuyên suốt trong quá trình bầu cử. Vai trò, quyền, trách nhiệm của Mặt trận các cấp thể hiện rất rõ trong từng văn bản.

Từ các văn bản liên quan, Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các tỉnh, thành phố tập trung chỉ đạo, hướng dẫn, xây dựng các kế hoạch công tác bầu cử cụ thể, chi tiết; rà soát kỹ các công việc, nhất là các công việc liên quan đến vai trò, quyền, trách nhiệm của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, bám sát hướng dẫn, tiến độ, phân công trách nhiệm tập thể, cá nhân, từng người, từng việc, bảo đảm sự chính xác, kịp thời, chủ động trước mọi tình huống; tổ chức tốt các hội nghị tập huấn để cán bộ Mặt trận nắm vững pháp luật bầu cử và các văn bản hướng dẫn của các cơ quan trung ương, nhất là những nội dung trong công tác hiệp thương lựa chọn, giới thiệu người ứng cử.

Bà Trương Thị Ngọc Ánh cho rằng, quá trình triển khai nhiệm vụ cần coi trọng sự phối hợp chặt chẽ giữa Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam với Hội đồng bầu cử quốc gia, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ, các tổ chức thành viên của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam ở Trung ương và các cơ quan, tổ chức có liên quan; giữa Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp với Ủy ban bầu cử, Thường trực Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân và các tổ chức thành viên của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cùng cấp, đảm bảo cho Mặt trận hoàn thành trách nhiệm của mình trong cuộc bầu cử.

Bên cạnh đó, các bước quy trình hiệp thương lựa chọn, giới thiệu người ứng cử cần được chuẩn bị chu đáo và thực hiện tốt, đảm bảo về cơ cấu, thành phần, số lượng người ứng cử trên cơ sở dự kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Thường trực Hội đồng nhân dân. Quá trình thực hiện phải đảm bảo sự lãnh đạo toàn diện của Đảng đi đôi với phát huy dân chủ trong công tác hiệp thương của Mặt trận; phát huy vai trò của các chức sắc tôn giáo, người tiêu biểu, già làng, trưởng bản, người có uy tín trong cộng đồng dân cư tham gia cuộc bầu cử…

Nhấn mạnh việc tham gia công tác bầu cử là nhiệm vụ trọng tâm số một hiện nay của hệ thống Mặt trận từ Trung ương đến địa phương, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Trần Thanh Mẫn yêu cầu Mặt trận các cấp tập trung đẩy mạnh tuyên truyền, vận động, thực hiện kiểm tra giám sát trong khoảng thời gian cao điểm này.

“Hy vọng, tin tưởng với kinh nghiệm, sự nhiệt tình trách nhiệm cao của của đội ngũ cán bộ các địa phương, Mặt trận sẽ tiếp tục hoàn thành các nhiệm vụ mới, nhiệm vụ khó, nhiệm vụ đột xuất. Mặt trận quyết tâm hoàn thành tốt nhiệm vụ, đảm bảo đúng tiến độ, góp phần vào thành công của cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026”, ông Trần Thanh Mẫn nói.

Cùng với việc tham gia chỉ đạo công tác bầu cử, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cũng lưu ý Mặt trận các địa phương phải tiếp tục tập trung triển khai tốt các chương trình công tác đã đề ra trong năm; phối hợp với các tổ chức thành viên tham gia vào công tác phòng, chống dịch COVID-19; quan tâm chăm lo cho các gia đình chính sách, hộ nghèo nhân dịp Tết Nguyên đán Tân Sửu năm 2021.

Ông Trần Thanh Mẫn hy vọng, với tinh thần quyết tâm, nỗ lực vì công việc, nhiệm vụ chung được Đảng, Nhà nước giao, Mặt trận các cấp sẽ hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ tham gia công tác bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026.

Tin cùng chuyên mục
“Đắk Lắk đã chuyển mình, vươn lên mạnh mẽ, kinh tế - xã hội phát triển, đời sống vật chất và tinh thần của đồng bào các dân tộc được nâng lên”

“Đắk Lắk đã chuyển mình, vươn lên mạnh mẽ, kinh tế - xã hội phát triển, đời sống vật chất và tinh thần của đồng bào các dân tộc được nâng lên”

Đó là phát biểu của Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình tại Lễ kỷ niệm 120 năm Ngày thành lập tỉnh Đắk Lắk (22/11/1904 - 22/11/2024), diễn ra tối 22/11. Tham dự Lễ kỷ niệm có Mẹ Việt Nam Anh hùng Thái Thị Tài; Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Y Vinh Tơr và lãnh đạo các bộ, ngành, các tỉnh bạn, lãnh đạo tỉnh qua các thời kỳ.