Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Giáo dục

Đảm bảo sức khỏe cho học sinh vùng cao trong đợt rét đậm, rét hại

PV - 13:05, 19/01/2018

Những ngày gần đây, trên địa bàn tỉnh Điện Biên đã xảy ra rét đậm, rét hại trên diện rộng với nền nhiệt xuống rất thấp. Đặc biệt tại một số vùng núi cao như Pha Đin, có thời điểm nhiệt độ đã xuống ở mức 1 độ C.

Trước tình hình thời tiết diễn biến phức tạp, các nhà trường ở khu vực vùng núi cao trên địa bàn cũng đã chủ động cho học sinh nghỉ học để tránh rét. Riêng đối với một số trường có học sinh nội trú, giáo viên các trường và chính quyền địa phương cũng đã triển khai nhiều biện pháp vừa tránh rét, vừa học tập, đảm bảo sức khỏe cho học sinh.

Xã Tỏa Tình trên đỉnh đèo Pha Đin, thuộc huyện Tuần Giáo là địa bàn có nền nhiệt xuống thấp nhất tại Điện Biên trong đợt rét đậm, rét hại vừa qua, có thời điểm nhiệt độ đã xuống mức 1 độ C. Nhiệt độ xuống thấp đã gây ảnh hưởng rất nhiều đến công tác giáo dục tại địa phương này. Tuy nhiên vào thời điểm này, tại Trường Tiểu học Tỏa Tình, xã Tỏa Tình, huyện Tuần Giáo, tỉnh Điện Biên vẫn có hơn 240 học sinh đang theo học, bởi hầu hết các em đều là học sinh xa nhà, có em nhà ở cách trường học gần 30km. Do đó, hầu hết các em phải ở lại trường để ôn tập, đảm bảo kế hoạch thi sát hạch chất lượng học kỳ 1.

Học sinh ôn bài quanh đống lửa. Học sinh ôn bài quanh đống lửa.

 

Trao đổi về vấn đề này, cô giáo Đào Kim Oanh, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Tỏa Tình, xã Tỏa Tình, huyện Tuần Giáo, tỉnh Điện Biên cho biết: “Để chống rét cho học sinh, nhà trường đã có biện pháp cho các em tập trung tại một phòng, kín gió, sau đó đốt nhiều đống lửa để cho các em ngồi xung quanh ôn tập. Buổi tối theo thường ngày thì cũng tổ chức cho các em ôn luyện, nhưng riêng với thời tiết lạnh như thế này thì chúng tôi cũng cho học sinh tập trung quanh bếp lửa và cho các em đi ngủ đúng giờ”.

Ngoài việc đảm bảo không gian học tập đủ ấm, nhà trường cũng yêu cầu nhân viên nhà bếp, phụ trách nấu bữa ăn cho học sinh phải chuẩn bị đồ ăn trong 2 giờ đồng hồ, đảm bảo khi đưa thức ăn ra cho học sinh vẫn phải còn ấm, nóng, đủ chất dinh dưỡng cho học sinh đảm bảo sức khỏe. Không tổ chức các hoạt động ngoài trời khi thời tiết quá lạnh. Đối với thời gian buổi tối, các giáo viên cũng phải thường xuyên đi kiểm tra khu nội trú của học sinh, đảm bảo không gian ngủ ấm áp cho các em và không được học sinh nào ngủ thiếu chăn màn.

Giáo viên kiểm tra chăn màn học sinh trước giờ đi ngủ. Giáo viên kiểm tra chăn màn học sinh trước giờ đi ngủ.

Chị Cà Thị Mai, cán bộ Y tế Trường Tiểu học Tỏa Tình, xã Tỏa Tình, huyện Tuần Giáo, tỉnh Điện Biên chia sẻ: “Trước khi học sinh đi ngủ thì giáo viên sẽ qua kiểm tra các phòng xem cửa có bị mở hay không để đóng lại, kiểm tra chăn màn học sinh xem có đủ hay không. Trong mùa lạnh thế này thì có đun nước cho học sinh rửa mặt, rửa chân tay, hướng dẫn các em mặc quần áo, quàng khăn, đội mũ cho đủ ấm. Hằng ngày các thầy cô cũng tuyên truyền nhắc nhở các em nếu ngồi học trong lớp thì đóng kín cửa, khi vui chơi cũng hạn chế ra ngoài sân trường trong thời tiết lạnh”.

Hiện tại xã Tỏa Tình có 3 cấp học là mầm non, tiểu học và trung học cơ sở. Ngay khi đợt rét đậm, rét hại diễn ra, chính quyền địa phương đã chủ động phối hợp với các nhà trường cho học sinh nghỉ học và có các hỗ trợ về các điều kiện cơ sở vật chất để giữ ấm cho học sinh phải ở lại học tại trường. Ông Mùa A Dề, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân xã Tỏa Tình, huyện Tuần Giáo, tỉnh Điện Biên cho biết, đối với học sinh mầm non và học sinh trung học cơ sở đã chính quyền xã đã đề nghị ban giám hiệu 2 cấp học này cho học sinh nghỉ ở nhà để tránh rét. Hiện xã vẫn thường xuyên cập nhật các dự báo mới nhất về tình hình thời tiết để có phương án cụ thể giúp đỡ cho công tác học tập của học sinh trên địa bàn.

Theo dự báo của Đài khí tượng thủy văn tỉnh Điện Biên, tình hình rét đậm, rét hại có thể tiếp tục xảy ra và kéo dài. Vì thế, ngành giáo dục tỉnh Điện Biên cũng đã có văn bản chỉ đạo các phòng giáo dục địa phương, các nhà trường chủ động lên phương án cho học sinh nghỉ học khi xảy ra rét đậm. Đồng thời căn cứ vào tình hình thực tế tại cơ sở, xây dựng các phương án vừa học tập, vừa tránh rét, đảm bảo không để học sinh nào bị ảnh hưởng trong quá trình học tập.

VŨ LỢI

Tin cùng chuyên mục
Đắk Lắk: Đầu tư, đổi mới phương pháp giáo dục phù hợp với điều kiện học tập, bản sắc văn hóa truyền thống

Đắk Lắk: Đầu tư, đổi mới phương pháp giáo dục phù hợp với điều kiện học tập, bản sắc văn hóa truyền thống

Thực hiện Dự án 5 về Phát triển giáo dục đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, Chương trình MTQG phát triển kinh tế -xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi (Chương trình MTQG 1719), tỉnh Đắk Lắk đã phân bổ khoảng 173 tỷ đồng đầu tư cơ sở hạ tầng, trang thiết bị dạy học cho các trường phổ thông dân tộc nội trú, trường phổ thông dân tộc bán trú. Đồng thời, quan tâm đổi mới giáo dục, phương pháp giảng dạy phù hợp với ngôn ngữ, văn hóa của từng dân tộc.