Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Đảng bộ huyện An Lão (Bình Định): Dấu ấn một nhiệm kỳ

PV - 22:27, 23/07/2020

An Lão là huyện miền núi của tỉnh Bình Định, toàn huyện có 8/9 xã có đồng bào DTTS sinh sống. Nhiệm kỳ vừa qua (2015 - 2020), từ nguồn vốn của các chương trình, dự án, huyện đã đầu tư cơ sở hạ tầng thiết yếu, hỗ trợ sản xuất và an sinh xã hội. Nhờ đó, đời sống của người dân từng bước được cải thiện, diện mạo nông thôn miền núi ngày một khởi sắc.

Một góc khu tái định cư hồ Đồng Mít, xã An Dũng.
Một góc khu tái định cư hồ Đồng Mít, xã An Dũng.

Đi lên từ gian khó

An Lão ngày nay đã có nhiều công trình xây dựng cơ bản, các công trình như trường học, bệnh viện, trạm xá, công trình văn hóa, đường bê tông đã trải dài từ các xã trung du đến các xã vùng cao, giúp người dân đi lại thuận tiện và phát triển kinh tế. Những thay đổi về vật chất đã làm chuyển biến nhận thức trong đồng bào các DTTS ở đây. Hiện người dân vùng cao An Lão đã biết làm lúa nước thâm canh, chăn nuôi tập trung, làm kinh tế vườn rừng... Theo ông Phạm Văn Nam, Phó Bí thư, Chủ tịch UBND huyện An Lão, thay đổi cả một tập quán sản xuất như vậy là cả một quá trình cán bộ phải gần dân, bám dân, cùng ăn, cùng ở, cùng làm với Nhân dân.

Nhiệm kỳ qua, Đảng bộ huyện đã tập trung lãnh đạo thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành Nông nghiệp, hằng năm sản xuất ổn định 2.170,52ha lúa nước, 234,66ha ngô, 152,78ha lạc, 265,2ha mỳ. Việc chuyển đổi cơ cấu giống cây trồng, mùa vụ, ứng dụng và chuyển giao các tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất được chú trọng, góp phần tăng năng suất, sản lượng cây trồng. Năng suất cây lúa tăng từ 57,3 tạ/ha (năm 2015) lên 62,5 tạ/ha.Tổng sản lượng lương thực cây có hạt ước đạt 14.989,75 tấn.

Năm 2020 tổng đàn gia súc có khoảng 40.170 con, sản lượng thu hoạch cá nước ngọt hằng năm đạt 65 tấn. Giá trị sản xuất ngành Công nghiệp, xây dựng năm 2020 ước đạt 300,2 tỷ đồng. Hiện nay, toàn huyện có 356 cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thu hút 517 lao động…

Đặc biệt, theo ông Nam, hiện huyện đã đăng ký bảo hộ nhãn hiệu mật ong rừng An Lão, chè Tiến Vua An Toàn được Cục Sở hữu trí tuệ công nhận. Triển khai thực hiện Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), An Lão cũng đã có 3 sản phẩm được xếp hạng 3 sao cấp tỉnh và 7 sản phẩm đạt 2 sao.

Ổn định đời sống đồng bào

Một dấu ấn đậm nét của Đảng bộ và chính quyền huyện An Lão trong nhiệm kỳ qua là, vận động đồng bào DTTS xã An Dũng di dời đến nơi ở mới để nhường đất xây dựng hồ chứa nước Ðồng Mít. Đây là công trình trọng điểm của tỉnh Bình Định, với mục đích điều tiết nguồn nước để cung cấp lượng nước tưới cho 6.742ha đất canh tác, 147ha nuôi trồng thủy sản; tạo nguồn cấp nước sinh hoạt cho 276.000 người, chống xâm nhập mặn và cắt giảm lũ cho hạ du; góp phần vào sự phát triển kinh tế - xã hội 4 huyện An Lão, Hoài Ân, Hoài Nhơn và Phù Mỹ.

Công trình có tổng mức đầu tư 2.142 tỷ đồng, diện tích đất thu hồi lên đến hơn 1.300ha. Toàn bộ 480 hộ đồng bào Hrê với hơn 1.700 nhân khẩu của xã An Dũng di dời đến nơi ở mới tại 2 khu tái định cư An Trung và An Hưng.

Cùng với việc chăm lo nơi ở cho người dân xã An Dũng, ngành chức năng của tỉnh và chính quyền huyện An Lão còn đặc biệt quan tâm đến công tác quy hoạch đất sản xuất, đất lâm nghiệp để cấp cho người dân đầu tư phát triển kinh tế. Để làm được việc này, chính quyền huyện An Lão tiếp tục vận động bà con ở các xã An Trung, An Hưng khi nhường 700ha đất trồng gỗ nguyên liệu để các hộ từ xã An Dũng chuyển đến có đất sản xuất.

Nhìn nhận về Dự án này, ông Trần Châu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định nhấn mạnh, đồng bào Hrê ở xã An Dũng phải di chuyển đến nơi ở mới là một sự hy sinh rất lớn vì sự phát triển chung của địa phương. Lãnh đạo tỉnh quyết tâm xây dựng khu tái định cư mới, thành một khu dân cư vùng DTTS kiểu mẫu của tỉnh Bình Định.

Tin cùng chuyên mục
Khám phá Háng Pò

Khám phá Háng Pò

Vào đầu tháng 4 âm lịch hằng năm, người dân lại nô nức đi trảy hội Háng Pò tại xã Thiện Thuật, huyện Bình Gia, tỉnh Lạng Sơn. Đến đây, du khách sẽ có dịp được hòa mình vào những làn điệu dân ca cổ truyền như hát sli, hát quan lang mượt mà đằm thắm của đồng bào dân tộc Tày, Nùng. Bên cạnh đó còn có các hoạt động múa sư tử, lày cỏ, trưng bày các sản vật của địa phương, được thưởng thức những món ẩm thực độc đáo… mang đậm sắc màu văn hóa của đồng bào các dân tộc Xứ Lạng.