Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Kinh tế

Đánh thức “đệ nhất chè” trên Cao nguyên đá

PV - 15:37, 18/09/2018

Với độ cao trên 1.400m so với mực nước biển, xã Lũng Phìn, huyện Đồng Văn, tỉnh Hà Giang có khí hậu mát mẻ quanh năm, được ví như “Đà Lạt” của Hà Giang. Điều kiện thời tiết, thổ nhưỡng nơi đây rất thích hợp với cây chè Shan tuyết-được coi là “đệ nhất” chè Hà Giang.

Toàn xã Lũng Phìn hiện còn khoảng 3.000 gốc chè Shan tuyết cổ thụ khoảng trên 200 năm tuổi. Giống chè Shan tuyết ở đây là giống chè lá nhỏ, rất đặc hữu. Chè Shan Lũng Phìn có hương vị không giống với bất kỳ loại chè nào. Theo Trung tâm nghiên cứu và phát triển chè, Viện Khoa học Kỹ thuật Nông, lâm nghiệp miền núi phía Bắc, chè Shan tuyết Lũng Phìn là giống chè quý hiếm, có hàm lượng axitamin cao hơn từ 3-4 % so với các chè khác và cao nhất so với các vùng chè trên cả nước. Chính điều này đã làm nên danh tiếng chè Lũng Phìn.

Những gốc chè Shan tuyết trên 200 năm tuổi mang lại thu nhập ổn định mỗi năm cho gia đình ông Sùng Su Sá. Những gốc chè Shan tuyết trên 200 năm tuổi mang lại thu nhập ổn định mỗi năm cho gia đình ông Sùng Su Sá.

Mặc dù có lợi thế với giống chè đặc hữu, nhưng một thời gian dài trước đây chè Lũng Phìn bị lãng quên. Để khôi phục giống chè quý này, thời gian qua huyện Đồng Văn, đã có những chính sách khuyến khích, xây dựng đề án hỗ trợ người dân nhân giống và trồng mới giống chè Shan tuyết Lũng Phìn để mở rộng diện tích; hỗ trợ bà con trồng mỗi héc ta 2 tấn ngô ăn; hỗ trợ một số hộ về máy chế biến chè. Bên cạnh đó, Viện Khoa học kỹ thuật Nông - lâm nghiệp miền núi phía Bắc đã trực tiếp hướng dẫn người dân kỹ thuật, cách sao chè để chè có chất lượng, hương vị tốt nhất. Ngoài ra, huyện cũng kêu gọi các đơn vị doanh nghiệp, hưởng ứng chung tay hỗ trợ và bảo đảm đầu ra cho các sản phẩm mang thương hiệu chè Lũng Phìn.

Nhờ nỗ lực của các cấp, đến nay toàn xã Lũng Phìn có trên 15 hộ trồng chè Shan tuyết Lũng Phìn với diện tích gần 100ha, tập trung chủ yếu tại các thôn Cán Pẩy Hở A, Cán Pẩy Hở B và rải rác ở một số thôn khác. Diện tích chè đang cho thu hoạch của cả xã khoảng 90ha với sản lượng thu hoạch trên 100 tấn chè búp tươi/năm.

Đến thăm gia đình ông Sùng Su Sá, thôn Cán Pẩy Hở A, gia đình ông có số gốc chè Shan lớn nhất cả xã, với gần 200 gốc. Ông Sá chia sẻ với chúng tôi: Mỗi năm cây chè cho thu hoạch 3 đợt, bắt đầu từ tháng 4 âm lịch. Với giá bán từ 400-700 nghìn đồng/1kg chè khô tùy loại, mỗi năm gia đình ông có thu nhập trên 35 triệu đồng. Ông Sá quả quyết: Nhiều người sau khi uống rất thích chè Lũng Phìn nên đã quay lại tìm mua, loại chè đặc biệt này có tiềm năng rất lớn. Nếu các hộ dân trong xã chú trọng mở rộng, áp dụng tốt các biện pháp kỹ thuật chăm sóc, năng suất và chất lượng chè sẽ tăng hơn, có thể mang lại nguồn thu nhập thêm đáng kể.

Anh Nguyễn Mạnh Thắng, Phó Chủ tịch UBND xã Lũng Phìn, cho biết: Để đánh thức, bảo tồn được giống chè Shan Lũng Phìn, chính quyền xã cũng thường xuyên cử cán bộ nông nghiệp trực tiếp xuống hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc, cách hái chè đúng kỹ thuật làm tăng lứa hái trong năm, hái những búp đủ tiêu chuẩn 1 tôm 2 lá nhưng vẫn giữ được chất lượng và sự phát triển của cây; cách sao chè đúng cách để giữ cho lông tuyết không bị gãy... Từ đó, những vụ thu hoạch chè hai ba năm trở lại đây chất lượng và năng suất đã tăng lên đáng kể.

HUY TOÁN

Tin cùng chuyên mục
Triển lãm thành tựu kinh tế - xã hội Đắk Lắk chào mừng kỷ niệm 120 năm thành lập tỉnh

Triển lãm thành tựu kinh tế - xã hội Đắk Lắk chào mừng kỷ niệm 120 năm thành lập tỉnh

Sáng 22/11, Ban Tổ chức các hoạt động Kỷ niệm 120 năm thành lập tỉnh Đắk Lắk tổ chức khai mạc Triển lãm “Thành tựu kinh tế - xã hội tỉnh Đắk Lắk chào mừng kỷ niệm 120 năm Ngày thành lập tỉnh; 80 năm ngày thành lập Quân đội Nhân dân Việt Nam; 35 năm Ngày hội Quốc phòng toàn dân”. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk Nguyễn Tuấn Hà tham dự.