Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Giáo dục

Đào tạo đại học gắn với phát triển kinh tế - xã hội vùng DTTS và miền núi

GS.TS Nguyễn Thế Hùng, Bí thư Đảng uỷ, Chủ tịch Hội đồng trường, Trường Đại học Nông Lâm Thái Nguyên - 08:56, 02/05/2021

Giáo dục đại học có vai trò quan trọng đối với sự phát triển kinh tế -xã hội của đất nước. Đặc biệt, đối với vùng đồng bào DTTS và miền núi - nơi có điều kiện khó khăn hơn thì càng phải đầu tư, hỗ trợ bằng nhiều chính sách đặc thù để nâng cao chất lượng giáo dục đại học, góp phần phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao cho khu vực này.

Trường Đại học Nông Lâm, Đại học Thái Nguyên hiện có gần 5.000 sinh viên trong đó có 60% sinh viên là người DTTS theo học.
Trường Đại học Nông Lâm, Đại học Thái Nguyên hiện có gần 5.000 sinh viên trong đó có 60% sinh viên là người DTTS theo học.

Trường Đại học Nông Lâm, Đại học Thái Nguyên được thành lập năm 1969, Trường có sứ mạng đào tạo đại học và sau đại học; nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ thuộc các lĩnh vực nông lâm nghiệp, kinh tế và phát triển nông thôn, tài nguyên và môi trường cho phát triển kinh tế - xã hội các tỉnh Trung du và miền núi phía Bắc và cả nước.

Trường hiện có hơn 5.000 sinh viên trong đó sinh viên là người DTTS và miền núi, chiếm hơn 60% tổng số sinh viên của trường. Trường có gần 40 nghìn cựu sinh viên, chủ yếu làm việc ở các tỉnh miền núi phía Bắc. Nhiều cựu sinh viên của Nhà trường đã và đang giữ các trọng trách quan trọng trong các cơ quan của Trung ương, các tỉnh và các huyện.

Có thể thấy rằng, trong những năm qua, với sự quan tâm của Đảng, Nhà nước về hệ thống chính sách đặc thù, giáo dục và đào tạo vùng DTTS và miền núi nói chung đã có những bước phát triển đáng kể. Tỷ lệ học sinh đến lớp ngày càng cao, chất lượng giáo dục và đào tạo từng bước được nâng lên. Hệ thống chính sách phát triển giáo dục và đào tạo cho học sinh, sinh viên DTTS và miền núi, bao gồm chính sách học bổng; miễn giảm học phí; trợ cấp xã hội, hỗ trợ học tập; chính sách ưu tiên tuyển sinh vào đại học, cao đẳng... đã và đang được thực hiện, tiếp tục cải thiện.

Tuy đạt được nhiều kết quả tích cực, song tỷ lệ sinh viên là người DTTS và miền núi còn thấp so với mặt bằng chung của cả nước, còn nhiều sinh viên người DTTS tốt nghiệp đại học mà chưa tìm được việc làm phù hợp trong khi một tỷ lệ lớn cán bộ cấp huyện và cấp xã vùng DTTS và miền núi lại chưa qua đào tạo đại học. Đây chính là bất cập trong công tác quy hoạch cán bộ gắn với đào tạo nâng cao trình độ; giữa đào tạo đại học và bố trí việc làm cho con em người DTTS và miền núi.

Đối với Trường Đại học Nông Lâm Thái Nguyên, để chăm lo việc làm cho sinh viên sau tốt nghiệp, Trường đặc biệt quan tâm tới việc nâng cao chất lượng đào tạo, gắn đào tạo với thực tế của thị trường lao động. Nhà trường đã hợp tác với hàng trăm doanh nghiệp trong và ngoài nước trong quá trình xây dựng chương trình đào tạo, đưa sinh viên đến thực tập tại doanh nghiệp. Hằng năm Nhà trường gửi hàng trăm sinh viên đi thực tập nghề nghiệp ở nước ngoài như Israel, Mỹ, Nhật Bản, châu Âu.

Trường đã thành lập Trung tâm Hỗ trợ khởi nghiệp từ năm 2017. Trung tâm đã làm tốt công tác trang bị tư duy khởi nghiệp, các kiến thức và kỹ năng khởi nghiệp cho sinh viên trong những năm học tập tại Trường; đồng thời hỗ trợ cựu sinh viên khởi nghiệp tại các địa phương. Thông qua hoạt động của Trung tâm một số cựu sinh viên đã khởi nghiệp thành công, trực tiếp góp phần tạo việc làm cho bản thân và cho xã hội.

Sinh viên Trường Đại học Nông Lâm, Đại học Thái Nguyên nghiên cứu khoa học.
Sinh viên Trường Đại học Nông Lâm, Đại học Thái Nguyên nghiên cứu khoa học.

Thời gian tới, để đào tạo đại học gắn với phát triển kinh tế - xã hội vùng DTTS và miền núi, Nhà nước cần đẩy mạnh hệ thống chính sách đặc thù cho vùng DTTS và miền núi để vừa nâng cao tỷ lệ người DTTS và miền núi được đào tạo đại học, vừa chăm lo việc làm cho sinh viên người DTTS và miền núi sau tốt nghiệp. Các chính sách cần tiếp tục ưu tiên con em người DTTS và miền núi trong xét tuyển đại học, cung cấp học bổng trong suốt quá trình đào tạo…

Đẩy mạnh hệ đào tạo theo địa chỉ, trong đó lựa chọn các cán bộ cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã chưa qua đào tạo đại học gửi đi đào tạo đại học các ngành theo vị trí công tác, theo quy hoạch cán bộ. Chương trình đào tạo theo địa chỉ này đảm bảo chắc chắn việc đào tạo gắn với việc làm, gắn với quy hoạch cán bộ của các địa phương vùng DTTS và miền núi. Thực tế chương trình đào tạo cử tuyển trong nhiều năm qua đã có kết quả rất tốt, nhiều sinh viên người DTTS sau khi tốt nghiệp đã làm việc ở các địa phương gửi đi học, nhiều sinh viên đã trở thành những cán bộ chủ chốt tại các địa phương.

Có chính sách việc làm cho sinh viên là con em người DTTS và miền núi sau tốt nghiệp. Đây là việc khó vì vị trí làm việc ở các cơ quan Nhà nước thường ít và không đáp ứng được công việc cho số lượng sinh viên tốt nghiệp. Tuy nhiên nếu các địa phương có những chính sách cụ thể thu hút con em địa phương về làm việc sau tốt nghiệp thì chắc chắn cơ hội việc làm sẽ rộng mở hơn với sinh viên DTTS và miền núi.

Cùng với đó, hình thành các trung tâm khởi nghiệp ở các tỉnh vùng DTTS và miền núi để tiếp nhận và hỗ trợ con em người DTTS và miền núi đã qua đào tạo được hỗ trợ khởi nghiệp. Đây là hướng đi mới và phù hợp với xu hướng phát triển kinh tế - xã hội theo cơ chế thị trường hiện nay. Chỉ có quan tâm tới đào tạo và tư vấn khởi nghiệp thì chúng ta mới tạo ra việc làm cho sinh viên sau tốt nghiệp.

Tin cùng chuyên mục
Đắk Lắk: Đầu tư, đổi mới phương pháp giáo dục phù hợp với điều kiện học tập, bản sắc văn hóa truyền thống

Đắk Lắk: Đầu tư, đổi mới phương pháp giáo dục phù hợp với điều kiện học tập, bản sắc văn hóa truyền thống

Thực hiện Dự án 5 về Phát triển giáo dục đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, Chương trình MTQG phát triển kinh tế -xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi (Chương trình MTQG 1719), tỉnh Đắk Lắk đã phân bổ khoảng 173 tỷ đồng đầu tư cơ sở hạ tầng, trang thiết bị dạy học cho các trường phổ thông dân tộc nội trú, trường phổ thông dân tộc bán trú. Đồng thời, quan tâm đổi mới giáo dục, phương pháp giảng dạy phù hợp với ngôn ngữ, văn hóa của từng dân tộc.