Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Sức khỏe

Đề phòng ngộ độc do ăn sắn

Đông Hưng-Thành Lê - 15:40, 25/08/2020

Theo Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên, chỉ trong một thời gian ngắn, bệnh viện đã tiếp nhận và điều trị tích cực cho nhiều ca cấp cứu vì ngộ độc sắn. Đáng báo động là có trẻ em đã tử vong do thói quen ăn sắn cao sản, sắn đắng chế biến sơ sài. Thói quen này cần nhanh chóng phải thay đổi ở nhiều vùng nông thôn.

Một cháu bé bị ngộ độc sắn đang được điều trị tại Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên. Ảnh TL
Một cháu bé bị ngộ độc sắn đang được điều trị tại Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên. Ảnh TL

Hơn 2 tháng trôi qua, người dân ở buôn Ja, xã Bông Krang, huyện Lăk (Đăk Lăk) vẫn còn buồn bã khi nhắc đến em H’Uynh bị ngộ độc sắn đã tử vong. Hôm đó các phụ huynh đi vắng, H’Uynh cùng hai bạn khác trong buôn là H’Nguyệt (9 tuổi) và H’Lệ (4 tuổi) cùng rủ nhau luộc sắn để ăn. Ăn xong chưa bao lâu thì cả ba em nằm vật vã kêu đau đầu, đau bụng, nôn ói. Được người thân đưa đến cơ sở y tế, nhưng chỉ có H’Nguyệt và H’Lệ qua khỏi, còn H’Uynh đã tử vong.

Nhiều người dân ở các làng thuộc tỉnh Đăk Lăk, Đăk Nông cho rằng: Xưa nay ăn sắn tươi vừa nhổ lên vào luộc ngay là bình thường. Sắn trên rẫy hay quanh nhà lại nhiều, có gia đình còn mang sắn luộc đi làm để ăn, thấy đắng thì nghĩ còn nhựa chứ không nghĩ tiềm ẩn nguy cơ ngộ độc.

Các bác sĩ, chuyên gia an toàn thực phẩm khuyến cáo: Khi sắn tươi luộc hoặc nướng mà có vị đắng nên bỏ ngay. Bởi, trong loại củ này có một độc tố thuộc loại Glucosid, khi gặp men tiêu hóa, Axid hay nước sẽ thủy phân và giải phóng Axid Cyanhydric. Chất này có thể gây ngộ độc chết người. Tùy vào mức độ, người lớn có sức đề kháng tốt thì ảnh hưởng nhẹ nhưng đối với trẻ nhỏ và người già sẽ dẫn đến ngộ độc nặng. Sắn không có vị đắng thì chất Glucosid thấp còn càng đắng thì chất này càng cao cũng có thể gây ngộ độc. Không nên ăn khi thử thấy đắng. Lúc chế biến nên luộc kỹ, bóc sạch vỏ, ngâm và rửa hết nhựa, cắt hai đầu của sắn bỏ đi.

Triệu chứng chính của ngộ độc sắn thường là: Nhức đầu, chóng mặt, buồn nôn, lưỡi tê đi, sau đó là biểu hiện của rối loạn thần kinh, bệnh nhân ở trong tình trạng hoảng hốt, sợ hãi, bị co giật, co cứng cơ… Khi đó phải đưa đến cơ sở y tế ngay để được cấp cứu.

Khoa Hồi sức cấp cứu nhi và nhi sơ sinh (Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên) cho biết: Có trường hợp ngộ độc sắn phải tiến hành đặt Sonde dạ dày và dịch truyền. Khi có bệnh nhân đến cấp cứu, đội ngũ nhân viên y tế còn tuyên truyền và dặn dò rất kỹ càng. Với loại ngộ độc này không thể chủ quan. 

Tin cùng chuyên mục