Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Đề xuất giảm mức đóng bảo hiểm thất nghiệp từ 1% xuống còn 0,5%

PV - 18:28, 28/08/2021

Đại diện Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam cho rằng, trong thời điểm dịch COVID-19 giảm mức đóng cũng là hình thức giúp người lao động vượt qua khó khăn.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Kết dư Quỹ bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) hiện ở mức cao hơn 89.000 tỷ đồng. Trong khi thời điểm hiện nay, người lao động và doanh nghiệp đang chịu ảnh hưởng nặng nề từ dịch COVID-19, đã khiến không ít chuyên gia đặt câu hỏi: Phải chăng vai trò của quỹ này vẫn chưa phát huy hết tác dụng và liệu có nên giảm mức đóng BHTN?

Liên quan đến vấn đề trên, ông Lê Đình Quảng - Phó Trưởng ban Chính sách - Pháp luật Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam cho biết: "Chúng ta có thể xem xét giảm xuống từ 1% xuống còn 0,5%. Nếu giảm như vậy mỗi năm sẽ giảm được gần 10.000 tỷ đồng cho doanh nghiệp và người lao động để chăm lo cho đời sống của người lao động và sản xuất kinh doanh".

Cũng theo ông Lê Đình Quảng hiện chỉ bài toán trợ cấp thất nghiệp được giải quyết, còn mục đích đảm bảo việc làm bền vững chưa được nhiều.

"Trong thời điểm dịch COVID-19 này chúng tôi nghĩ rằng giảm mức đóng cũng là hình thức giúp người lao động vượt qua khó khăn", ông Lê Đình Quảng cho hay.

Kết dư các quỹ bảo hiểm lớn

Kết dư các quỹ bảo hiểm hiện nay khá lớn, trong đó riêng quỹ BHTN kết dư chuyển sang năm 2021 còn hơn 89.100 tỷ đồng. Đây là con số được vừa được Chính phủ báo cáo Thường vụ Quốc hội tại kỳ họp thứ 2, khóa 15 về tình hình quản lý và sử dụng quỹ bảo hiểm xã hội. 

Theo báo cáo của Chính phủ, số kết dư quỹ bảo hiểm xã hội chuyển sang năm 2021 như sau: Quỹ ốm đau, thai sản gần 12.800 tỉ đồng; quỹ bảo hiểm tai nạn lao động - bệnh nghề nghiệp hơn 53.700 tỷ đồng; quỹ hưu trí, tử tuất trên 789.100 tỷ đồng; quỹ BHTN còn hơn 89.100 tỷ đồng.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho rằng, kết dư các quỹ bảo hiểm ngắn hạn hiện quá lớn, trong khi về nguyên tắc, hàng năm chỉ giữ lại 10% dự phòng. Do vậy, thường vụ Quốc hội đề nghị Chính phủ rà soát kỹ, báo cáo chi tiết các mục chi theo cơ cấu chi.