Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Kinh tế

Đến Khuổi Nằn 2 thăm trang trại của "kỹ sư chân đất"

Hoàng Quý - 18:00, 02/12/2021

Từ những quả đồi heo hút, trơ trọi, bằng sự cần cù, nông dân Đinh Duy Lý ở thôn Khuổi Nằn 2, thị trấn Yến Lạc, huyện Na Rì (Bắc Kạn) đã biến chúng thành trang trại trồng đủ thứ cây ăn quả, mang về thu nhập hàng trăm triệu đồng. Mặc dù không phải là một kỹ sư nông nghiệp, không được đào tạo bài bản, song nhờ chịu khó học hỏi và mạnh dạn thay đổi suy nghĩ mà anh Đinh Duy Lý đã làm giàu trên chính mảnh đất vốn rất nhiều khó khăn của mình.

Ông Đinh Duy Lý (đứng giữa) giới thiệu về trang trại của mình cho đoàn tham quan
Ông Đinh Duy Lý (đứng giữa) giới thiệu về trang trại của mình cho đoàn khách tham quan

Đến thôn Khuổi Nằn 2, chúng tôi thật sự ấn tượng với trang trại trồng cam của ông Đinh Duy Lý, người nông dân nổi tiếng say mê với việc làm vườn hàng chục năm qua. Ông Lý tâm sự, khoảng hơn chục năm trước, nơi đây vốn chỉ là những quả đồi heo hút, trơ trọi chẳng mấy ai biết đến và qua lại, để có kết quả như hôm nay, ông đã trải qua rất nhiều khó khăn thử thách để tìm hướng làm giàu cho gia đình.

Theo ông Lý, từ những năm 1995, gia đình ông đã chuyển về khu đất đồi ở Khuổi Nằn 2 để ở. Khi mới chuyển về, khu đất này chưa được đầu tư cải tạo, phần lớn chỉ là cỏ dại um tùm. Nhận thấy đặc sản cam quýt của Na Rì được nhiều người ưa chuộng, bởi vị ngọt, thơm đặc trưng, ông Lý đã mua gần 20 ha đất đồi của bà con địa phương để làm trang trại. Ở vùng núi nghèo, người dân chỉ quen trồng lúa, sắn… nhưng ông đã mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng, khai phá những quả đồi um tùm cây cỏ dại để thực hiện khát khao làm giàu.

Tuy nhiên, do chưa có kinh nghiệm, chưa được tập huấn về kỹ thuật trồng và chăm sóc, những lứa đầu đậu quả ít, chất lượng chưa tốt. Không nản chí, ông tiếp tục tìm cây giống, tích cực tìm hiểu về kỹ thuật trong cách trồng, chăm sóc và vun xới cho khu vườn, bằng cách tự đi học hỏi các mô hình các tỉnh bạn cũng như tìm hiểu thêm qua các kênh thông tin như: sách, báo, ti vi… Nhờ kiên trì và chịu khó, những năm sau đó, vườn cây ăn quả của gia đình ông dần dần nâng sản lượng, chất lượng tốt, tiêu thụ dễ dàng.

Cứ thấy phát hiện loại sâu bệnh nào hoặc có giống cây ăn quả ngon, ông lại tìm đến học hỏi kỹ thuật, tìm mua giống về áp dụng trồng thử nghiệm; tham gia các lớp tập huấn kỹ thuật ở xã, huyện và đúc rút trong thực tế...Giờ thì việc chăm sóc cây ăn quả đối với ông thuần thục như một kỹ sư nông nghiệp thực thụ.

“Cho đến nay, trong hơn 18 ha đất, ông đã cải tạo cơ bản để trồng rừng và trồng cây ăn quả. Riêng diện tích trồng cây ăn quả các loại đã có hơn 7 ha, trong đó, nhiều nhất là cam đường canh, hơn 3,5 ha (tương đương khoảng hơn 2.000 cây); khoảng 400 cây bưởi diễn và khoảng hơn 500 cây quýt, dứa các loại... Sản lượng cam, quýt, bưởi của gia đình sau khi trừ chi phí các loại, thu nhập mỗi năm đạt khoảng trên 300 triệu đồng” ông Lý phấn khởi chia sẻ.

Được biết, để thuận lợi phục vụ sinh hoạt đời sống, đi lại, vận chuyển sản phẩm tiêu thụ, ông đã tự bỏ vốn mở đường, rộng đủ để xe ô tô vào được đến trang trại, với tổng số vốn đầu tư hàng trăm triệu đồng; đầu tư 16.000 mét dây cáp đôi để kéo điện vượt đồi về sử dụng...

Ông Đinh Duy Lý chăm sóc vườn cam của gia đình
Ông Đinh Duy Lý luôn dành thời gian, công sức để chăm sóc vườn cam

Bằng sự năng động, nắm bắt nhu cầu người tiêu dùng, ông Lý cũng tự mở rộng thêm thị trường, mang cam, quýt đi bán tại các hội chợ OCOP trong và ngoài tỉnh. Có ngày nhà ông bán lẻ được 5 tạ cam ở tỉnh bạn, đó là động lực để ông làm việc không biết mệt mỏi. Ngoài ra ông Lý cũng ký hợp đồng cung cấp cam đường cho một số siêu thị tại Hà Nội .

Sau thời gian tạo dựng, học hỏi và không ngừng phát triển mô hình trang trại cam quýt. gia đình ông Lý đã có đời sống khấm khá. Ông trở thành một tấm gương cho nhiều nông dân ở vùng khó khăn học tập, làm theo.

Tin cùng chuyên mục
Tre, trúc không còn bị "bạc đãi" ở vùng đất Tây Nam bộ

Tre, trúc không còn bị "bạc đãi" ở vùng đất Tây Nam bộ

Các loại cây họ tre nứa rất dễ trồng, dễ chăm sóc với hàng chục giống tre, trúc khác nhau và chúng được trồng hầu như khắp các địa phương vùng Tây Nam bộ. Từ lâu, sản phẩm từ cây tre gắn bó với đời sống cư dân nơi này. Dù đang chịu cạnh tranh gay gắt với hàng hóa sản xuất bằng dây chuyền công nghệ, thay thế bằng những nguyên liệu công nghiệp nhưng không vì thế mà sản phẩm từ họ tre trúc “hết thời”.