Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Đèo Pha Đin Ngày ấy-bây giờ

PV - 14:23, 07/05/2019

Trong chiến dịch Điện Biên Phủ năm 1954, đèo Pha Đin là một trong những tuyến đường huyết mạch để hậu phương vận chuyển lương thực, súng đạn chi viện cho bộ đội ta tại chiến trường Điện Biên Phủ, góp phần quan trọng làm nên chiến thắng vang dội năm châu, chấn động địa cầu. 65 năm đi qua, tuyến đường ấy vẫn vẹn nguyên giá trị lịch sử hào hùng, tiếp tục là con đường huyết mạch giúp tỉnh Điện Biên nối liền giao thương với các địa phương khác trong cả nước...

Trong chiến dịch Điện Biên Phủ (1954), cùng với Ngã ba Cò Nòi thì, đèo Pha Đin cũng là một trong những trọng điểm giao thông bị thực dân Pháp đánh phá vô cùng ác liệt. Bởi địch hiểu nếu cắt đứt được tuyến đường huyết mạch này thì Quân đội Nhân dân Việt Nam sẽ gặp nhiều khó khăn khi không nhận được đầy đủ chi viện lương thực, súng đạn từ phía hậu phương. Do đó 32km đường đèo từ phía Thuận Châu (Sơn La) đến Tuần Giáo (Điện Biên) luôn bị các loại máy bay Hen-cat, B29 của địch đánh phá suốt ngày đêm bằng nhiều loại bom như: bom bi, bom cháy Napan, bom nổ chậm… Ở độ cao khoảng 1.600m so với mực nước biển, rừng cây rậm rạp, nhiều đoạn cua gấp khúc, dốc đứng, vực sâu nên sau mỗi loạt bom của địch là nhiều đoạn tuyến trên đèo Pha Đin đều bị hư hỏng nặng.

Trên cung đèo Pha Đin đã hình thành nhiều điểm du lịch hấp dẫn du khách khi đến Điện Biên. Trên cung đèo Pha Đin đã hình thành nhiều điểm du lịch hấp dẫn du khách khi đến Điện Biên.

Ông Nguyễn Văn Thái, cựu thanh niên xung phong thuộc Đại đội 408, đội 40, đoàn thanh niên xung phong Trung ương hiện đang sinh sống tại tổ dân phố 13, phường Tân Bình, TP. Điện Biên Phủ, tỉnh Điện Biên cho biết: với quyết tâm của bộ đội công binh cùng hàng vạn dân công, thanh niên xung phong không quản ngày đêm lao động, vượt qua mưa bom, bão đạn, các đường số 41, số 13 (nay là Quốc lộ 6) và đèo Pha Đin huyết mạch luôn được giữ thông suốt, đảm bảo cho các đoàn xe đạp thồ, pháo binh, phương tiện vận chuyển vũ khí, đạn dược, xăng dầu, lương thực của ta tiếp tế cho bộ đội chủ lực đánh thắng tại chiến trường Điện Biên Phủ

65 năm đi qua, tuyến đường huyết mạch vận tải của quân và dân ta trong chiến dịch Điện Biên Phủ tại đèo Pha Đin đã xóa đi những tàn tích phá hoại của bom đạn trong chiến tranh, thay vào đó là một cung đường đèo hùng vĩ trùng điệp, thơ mộng được trải rộng, thảm nhựa, giảm cua gấp, hạ độ cao đảm bảo cho các loại phương tiện siêu trường, siêu trọng nhất cũng có thể đi qua. Nếu trong chiến tranh chống thực dân Pháp xâm lược, Pha Đin được coi là tuyến đường huyết mạch, đảm bảo hậu cần góp phần quan trọng vào thắng lợi của chiến dịch Điện Biên Phủ, thì trong thời bình, cung đường này vẫn vẹn nguyên giá trị là tuyến đường giao thông quan trọng nối liền giao thương, thông thương của Điện Biên với các tỉnh thành khác trong cả nước.

Nhờ phát huy được những lợi thế của tuyến giao thông trọng điểm này, ngay cả những bản làng vùng cao, khó khăn nhất của tỉnh Điện Biên sinh sống trên đỉnh đèo Pha Đin như tại xã Tỏa Tình, huyện Tuần Giáo cũng đã có nhiều đổi thay, khởi sắc hơn trước. Giao thông thuận lợi, hàng trăm héc ta cà phê, táo mèo của người dân nơi đây đã không còn lo lắng về đầu ra, khi các phương tiện vận chuyển lớn đã có thể tập kết để thu gom hàng cho người dân vận chuyển đi các tỉnh miền xuôi. Thêm vào đó, do được mệnh danh là tứ đại đường đèo với khung cảnh hùng vĩ, đèo Pha Đin hiện nay còn là điểm đến du lịch hấp dẫn với những khu du lịch sinh thái được chính người dân địa phương tạo dựng lên. Tiêu biểu có thể nhắc đến như khu du lịch “Pha Đin Pass” do Hợp tác xã Pha Đin Pass xây dựng hơn một năm qua, với diện tích khoảng 50ha thu hút hàng nghìn lượt khách vào mỗi dịp nghỉ lễ, tăng thu nhập ổn định cho người dân.

Đèo Pha Đin là tuyến đường huyết mạch giúp Điện Biên giao thương với các tỉnh thành khác trong cả nước. Đèo Pha Đin là tuyến đường huyết mạch giúp Điện Biên giao thương với các tỉnh thành khác trong cả nước.

Ông Mùa A Dề, Chủ tịch UBND xã Tỏa Tình, huyện Tuần Giáo, tỉnh Điện Biên cho biết: Đầu tư của Nhà nước về các công trình xã hội, điện, đường giao thông tương đối nhiều. Từ đó, đã tạo điều kiện phát triển kinh tế tăng thu nhập cho cá nhân, các hộ gia đình, đời sống của người dân từ thời điểm đó cho đến nay khá lên rất nhiều. Nhìn về tổng thể thì đời sống của người dân cũng đã khá so với thời gian trước. Bây giờ các tài sản trong gia đình người dân cũng đã mua được tủ lạnh rồi thậm chí là có những nhà có điều kiện mua được cả ô tô.

Ngoài các tuyến giao thông khác như Quốc lộ 4H, Quốc lộ 12 nối Điện Biên-Lai Châu-Lào Cai, thì tuyến Quốc lộ 279, Quốc lộ 6 từ Điện Biên đến đèo Pha Đin rồi đi các tỉnh miền xuôi vẫn được chính quyền tỉnh Điện Biên xác định, là tuyến giao thông huyết mạch, quan trọng có ý nghĩa vô cùng to lớn quyết định đến sự phát triển của địa phương trong giai đoạn tới.

Ông Mùa A Sơn, Chủ tịch UBND tỉnh Điện Biên cho biết cùng với việc đẩy mạnh xin chủ trương đầu tư nâng cấp Cảng hàng không Điện Biên thì, việc đầu tư, nâng cấp tuyến đường bộ này vẫn được tỉnh Điện Biên tiến hành thường xuyên hằng năm, tiếp tục góp phần đổi thay cuộc sống của người dân bên cung đèo lịch sử này. Nhờ hạ tầng giao thông phát triển, đảm bảo mà từ một tỉnh miền núi còn nhiều khó khăn, đến nay Điện Biên đã vươn lên trở thành một trong những địa phương phát triển của vùng Tây Bắc và phấn đấu đến năm 2020 sẽ trở thành tỉnh phát triển trung bình trong vùng trung du và miền núi phía Bắc.

VŨ LỢI

Tin cùng chuyên mục
Quảng Ngãi: Lan tỏa các mô hình bảo tồn văn hóa truyền thống trong học đường

Quảng Ngãi: Lan tỏa các mô hình bảo tồn văn hóa truyền thống trong học đường

Với mong muốn bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào DTTS, các trường học ở miền núi Quảng Ngãi đã mở lớp đào tạo hát múa dân ca, đánh chiêng… trong học đường. Điều này vừa tạo sự thích thú cho học sinh, vừa góp phần gìn giữ văn hoá truyền thống.