Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Nghề nghiệp - Việc làm

Đi qua một số làng nghề truyền thống Xứ Thanh

Quỳnh Trâm - 18:03, 24/10/2021

Hiện nay, Thanh Hóa có 36 nghề với 75 làng nghề, làng có nghề truyền thống đã được công nhận. Những nghề, làng nghề truyền thống chính là nơi lưu giữ nhiều giá trị truyền thống văn hóa dân tộc…

Những người thợ tiến hành nung chảy đồng nguyên chất bằng lò nung chuyên dụng
Những người thợ làng nghề đúc đồng Trà Đông thực hiện bước nung chảy đồng nguyên chất bằng lò nung chuyên dụng

Khôi phục giá trị văn hóa, lịch sử dân tộc

Xã hội phát triển, công nghệ tiên tiến, khoa học kỹ thuật ngày càng được áp dụng vào thực tiễn, nhiều nghề, làng nghề thủ công truyền thống không bắt nhịp được, nên cứ như vậy mà mai một. Trăn trở với nghề truyền thống đã gắn bó với đời sống, sinh hoạt của gia đình qua nhiều đời, không ít các hộ gia đình làm nghề, các nghệ nhân ở Thanh Hóa đã thay đổi tư duy, sáng tạo ra nhiều sản phẩm của làng nghề. Nhờ vậy, mà nhiều nghề, làng nghề đã lại được hồi sinh, tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân.

Nghề đúc đồng Trà Đông ra đời từ thế kỷ XIX, từng nổi tiếng ở Thanh Hóa nhờ những chạm khắc nghệ thuật truyền thống, thủ công rất sáng tạo. Tuy nhiên, trong những năm 1990 đến đầu năm 2000, làng nghề trở nên sa sút, vì không thể cạnh tranh trong cơ chế thị trường với nhiều sản phẩm công nghiệp cùng loại.

Những năm gần đây, nhờ sự quan tâm của chính quyền địa phương qua chủ trương, chính sách hỗ trợ làng nghề, đặc biệt chú trọng đầu ra sản phẩm, và  tâm huyết của nhiều nghệ nhân, nghề đúc đồng Trà Đông dần được khôi phục, góp phần đem lại cuộc sống khá giả cho các hộ làm nghề.

Công đoạn làm bóng bề mặt, người thợ phải dùng giấy nhám tỉ mỉ mài từng chỗ
Công đoạn làm bóng bề mặt sản phẩm, người thợ phải dùng giấy nhám tỉ mỉ mài từng chỗ

Hiện nay, làng nghề đúc đồng truyền thống Trà Đông đang duy trì 25 lò đúc lớn, 4 công ty sản xuất kinh doanh đúc đồng. Đặc biệt, làng có 4 nghệ nhân  là:  Lê Văn Bảy, Nguyễn Bá Châu, Lê Văn Dương và Đặng Ích Hoàn, được Chủ tịch nước công nhận là Nghệ nhân ưu tú. 

Các nghệ nhân tiêu biểu này đã góp công phục dựng, làm “sống lại” và phát triển làng nghề đúc đồng cổ truyền với nhiều sản phẩm của làng nghề đặc sắc

Nổi bật là chiếc trống đồng với phiên bản và hoa văn Ngọc Lũ năm 2000; chiếc trống đồng có kích thước lớn nhất Việt Nam với đường kính mặt trống 1,51m, cao 1,21m năm 2007; hay chiếc trống đồng phiên bản Ngọc Lũ được xem là lớn nhất thế giới nặng khoảng 8 tấn, cao 2m, đường kính mặt trống 2,7m năm 2013; đặc biệt là 1.000 tượng mẹ Âu Cơ làm quà tặng APEC… 

Nghệ nhân Lê Văn Bảy cho biết: “Là thế hệ con cháu, chúng tôi có trách nhiệm gìn giữ và phát huy nghề truyền thống mà cha ông để lại, góp phần xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp”.

Với những nỗ lực của các nghệ nhân, năm 2020, làng nghề đúc đồng làng Trà Đông đã được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

Một lò đúc đồng của làng Trà Đông
Một lò đúc đồng của làng Trà Đông

Tăng thu nhập cho người lao động

Rời làng Trà Đông, chúng tôi ngược lên phía Tây đến thăm làng nghề bánh gai nức tiếng ở làng Mía, xã Thọ Diên, huyện Thọ Xuân. Những ai lần đầu tới làng dễ dàng bị quyến rũ bởi mùi thơm dịu ngọt từ hương gạo nếp, đậu xanh và dừa tươi hòa quện tỏa ra nghi ngút từ những lò hấp bánh.

Xã Thọ Diên có bốn làng, nhưng duy nhất làng Mía, là làm được món bánh gai Tứ Trụ thơm ngon đặc biệt, đã được UBND tỉnh Thanh Hóa cấp chứng nhận làng nghề năm 2015. Trong làng có 330 hộ, có tới 86 cơ sở sản xuất bánh gai, nơi cung cấp chủ yếu nguồn hàng đi khắp trong và ngoài tỉnh.

Công đoạn làm bánh tuy đơn giản nhưng cũng phải khéo léo và nghệ thuật thì mới có chuẩn hương vị. Lá gai được rửa sạch, luộc kỹ rồi vắt nước cho khô, xay nhỏ. Tiếp đó, trộn lá gai với bột nếp (thường là nếp hoa cau, nếp hoa vàng). Hỗn hợp gồm lá gai, bột nếp, mật mía được trộn đều sao cho thật nhuyễn, rồi đem ủ qua đêm, sau đó tiếp tục giã. 

Bánh gai Tứ Trụ mang một hương vị đặc biệt riêng so với bánh gai nơi khác
Bánh gai Tứ Trụ mang một hương vị đặc biệt riêng so với bánh gai nơi khác

Nhân bánh được làm từ dầu chuối, đậu xanh xay vỡ, ngâm và đãi vỏ, sau đó nấu hoặc đồ lên. Khi đậu chín, cho vào cối giã cùng với đường đến khi thu được hỗn hợp thật mịn. Để tạo vị ngậy, béo,  thợ làm bánh dùng một ít dừa nạo rang khô, dầu chuối. Tùy từng loại, thợ làm bánh còn có thể dùng nhân hạt sen để tạo vị khác biệt cho bánh. Bánh được gói trong lá chuối, đem hấp 1,5 tiếng thì tạo thành phẩm, theo các ngả đường đi tiêu thụ khắp trong và ngoài tỉnh.

Bà Ngô Thị Yến, chủ một lò bánh cho biết, gia đình đã gắn bó với nghề hơn 30 năm. Trải qua nhiều thăng trầm nhưng làng bánh quê bà vẫn tồn tại, và ngày càng được nhiều người biết đến bởi hương vị thơm ngon của loại bánh sản xuất tại đây.

"Trước đây, bánh gai thường chỉ được làm vào dịp Lễ hội, đình đám hay Tết Nguyên Đán, nhưng sau này nhu cầu của khách khắp các tỉnh, thành trong cả nước muốn dùng ngày càng cao, nên gia đình sản xuất quanh năm. Mỗi ngày có thể bán tới vài trăm đến hàng nghìn cái, doanh thu mang lại khoảng 200 triệu đồng/năm", bà Yến cho biết thêm.

Đi về phía Đông là nghề mộc truyền thống Đạt Tài ở huyện Hoằng Hóa. Nghề mộc có mặt ở làng từ thế kỷ thứ XVI đến nay khoảng 500 năm. Từ xa xưa, những thợ mộc Đạt Tài đã được người dân khắp nơi yêu mến, bởi tài nghệ của họ. Chỉ cần nhìn các đường lắp, đường tâm, cái kẻ cùng với những nét chạm khắc hoa văn tinh xảo trên các đầu xà, cánh cửa và các đồ như tủ, sập, kiệu, đồ thờ... có thể nhận ra ngay là thợ mộc Đạt Tài. Những ngôi nhà gỗ tinh xảo, những kiến trúc làm đình, chùa... nổi tiếng ở trong tỉnh đều có dấu tay của những người thợ Đạt Tài.

Ông Nguyễn Viết Thiêm, Phó Chủ tịch UBND xã Hoằng Hà cho biết, xã hiện có 1 doanh nghiệp và 78 hộ gia đình tại các thôn Đạt Tài 1, Đạt Tài 2, Hà Thái làm nghề mộc truyền thống, chiếm 7% tổng số hộ toàn xã. Doanh thu từ nghề mộc mang lại ước đạt 73 tỷ đồng/năm 2020, đóng góp lớn vào tổng giá trị sản xuất của địa phương, tạo việc làm cho nhiều lao động với mức thu nhập bình quân 5 - 6 triệu đồng/tháng/người.

Ngoài những làng nghề kể trên, còn có làng nghề gốm Lò Chum (TP. Thanh Hóa); làng nghề dệt chiếu Nga Sơn; làng hương truyền thống Đông Khê (Hoằng Hóa)...

Trải qua hàng trăm năm ra đời, tồn tại và phát triển, những làng nghề truyền thống chẳng phải khi nào cũng rực rỡ. Nhưng với sự bền bỉ, cần cù, chịu khó và sáng tạo của con người xứ Thanh, những nghề tưởng như đã mai một lại được hồi sinh, tiếp tục sứ mệnh của mình trong thời đại mới.

Tin cùng chuyên mục
Điều kiện hưởng lương hưu theo Luật Bảo hiểm xã hội năm 2024

Điều kiện hưởng lương hưu theo Luật Bảo hiểm xã hội năm 2024

Từ 1/7/2025, người lao động khi nghỉ việc có thời gian đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc từ 15 năm trở lên, thì được hưởng lương hưu nếu đủ tuổi nghỉ hưu theo quy định của Bộ luật Lao động. Ngoài tiền lương hưu, người lao động còn được trợ cấp một lần khi nghỉ hưu.