Những chiếc chiếu dệt bằng Uzu, loại cây trồng nhiều ở Campuchia được thị trường ưa chuộng nhờ độ bền, càng nằm càng bóng đẹp. Theo ông Lê Văn Tho, Chủ cơ sở dệt chiếu Uzu Tân Châu Long (phường Long Châu, TX. Tân Châu, An Giang) cho biết, hiện tại, cơ sở có 17 khuôn dệt bán thủ công; sản phẩm chiếu ở đây được chia làm 2 loại: Chiếu hàng và chiếu đặt. Hầu hết các công đoạn sản xuất ra chiếc chiếu Uzu: phân loại, sơ chế, nhuộm màu, xông khói, vệ sinh, may bìa và đóng gói sản phẩm... đều được làm thủ công. Lúc trước, chỉ dệt thủ công, mỗi ngày 2 thợ với 1 khung dệt tay làm giỏi cũng chỉ được 3 chiếc chiếu thành phẩm. Hiện nay, có sự hỗ trợ của máy móc nên người thợ dệt chiếu đỡ nhọc nhằn hơn, năng suất và chất lượng sản phẩm tăng lên nhiều lần so với trước. Mỗi ngày, cơ sở xuất ra khoảng 200 chiếc chiếu, thu nhập mỗi lao động đạt từ 2,5 - 3,2 triệu đồng/tháng.
“Bên cạnh mặt hàng chiếu truyền thống, cơ sở đã chủ động nắm bắt thị trường du lịch với nhiều sản phẩm thủ công làm từ nguyên liệu cây Uzu: tấm trải bàn, túi, giỏ, cặp, dây lưng… Mỗi tuần,cơ sở đón khoảng 3 - 4 đoàn khách nước ngoài đến tham quan, trải nghiệm về các công đoạn làm chiếu, sau đó chọn mua những món quà thủ công tại cơ sở, góp phần tăng thêm thu nhập”, ông Tho nói.
Ông Trần Hoàng Hợp, Phó Chủ tịch UBND TX. Tân Châu cho biết: Hiện, Tân Châu có 4 cơ sở dệt chiếu Uzu, với gần 100 lao động làm việc thường xuyên. Để tạo điều kiện cho làng nghề dệt chiếu Uzu phát triển, những năm qua, TX. Tân Châu đã hỗ trợ vốn vay ưu đãi cho hoạt động ngành nghề nông thôn, nhằm đáp ứng đủ nhu cầu vốn cho các cơ sở phát triển. Xây dựng và phát triển thương hiệu sản phẩm, tổ chức đào tạo để nâng cao tay nghề cho lao động, hỗ trợ đổi mới máy móc thiết bị, nâng cao chất lượng sản phẩm, tham gia hội chợ triển lãm nhằm giới thiệu, quảng bá sản phẩm...