Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Di sản Then của người Tày, Nùng, Thái - Tự hào để giữ gìn và trao truyền: Chương trình MTQG 1719 góp phần nâng tầm di sản Then (Bài cuối)

Văn Hoa - 10:06, 08/12/2023

Công tác bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống thời gian qua được các địa phương tích cực triển khai thực hiện. Nhờ đó, nhiều giá trị văn hóa các dân tộc đã được bảo tồn, phát huy và nâng tầm, trong đó có di sản Then của người Tày, Nùng, Thái. Ghi nhận từ Lạng Sơn.

Tiếng Then luôn được đồng bào Tày, Nùng bảo tồn và phát huy
Tiếng Then luôn được đồng bào Tày, Nùng bảo tồn và phát huy

Xã Bằng Hữu, huyện Chi Lăng (Lạng Sơn) có gần 100% đồng bào DTTS, trong đó chủ yếu là người Nùng và người Tày. Theo lời kể của các bậc cao niên, thì trên địa bàn xã điệu hát Then gần như đã bị lãng quên, trong xã chẳng ai biết hát nữa. Thế nhưng khoảng 5 -7 năm nay, khi có điện thoại thông minh, người dân mới tìm lại điệu hát Then cũ, họ cứ nghe và xem video mà học, dần dần họ bắt đầu biết hát, người biết hát nhiều dạy người biết ít và dần dần trở thành phong trào hát Then.

Theo các nghệ nhân, mặc dù nhiều người cố gắng để gìn giữ điệu hát Then của dân tộc, song vì nhiều lý do khách quan, chủ quan, chưa có các Câu lạc bộ (CLB) để quy tụ những người đam mê hát Then, do vậy các hoạt động hát còn tự phát và từng nhóm nhỏ…

Mới đây, chính quyền địa phương đã mở lớp truyền dạy dân ca, dân vũ và thành lập CLB sinh hoạt văn hóa dân gian dân tộc Tày, Nùng các thôn thuộc xã Bằng Hữu. Hơn nữa, CLB còn được trang bị trang phục truyền thống và đàn tính. Nhờ đó, hoạt động của CLB thu hút được đông đảo các thành viên tham gia, đặc biệt, có nhiều em còn khá nhỏ, là học sinh trung học.

Ông Tô Đình Hiệu, Phó Giám đốc Trung tâm văn hóa thông tin huyện Bình Liêu (Quảng Ninh) truyền tình Then cho giới trẻ (Ảnh Tô Hiệu)
Ông Tô Đình Hiệu, Phó Giám đốc Trung tâm văn hóa thông tin huyện Bình Liêu (Quảng Ninh) truyền tình yêu Then cho giới trẻ (Ảnh Tô Hiệu)

Em Hoàng Thị Quỳnh chia sẻ, hiện tại em chưa hát và đàn được nhiều, nhưng em đang cố gắng học để có thể biết đàn, biết hát giống như các ông, bà và các bác. Quỳnh cho biết, trong đợt nghỉ hè, thời gian tương đối rảnh, khi thấy các bạn đi học hát, học đàn tính nên em cũng muốn đi học. Khi em nói dự định của mình, ông bà em đều đồng tình ủng hộ và khuyên em chịu khó học để gìn giữ bản sắc văn hóa.

Ông Hoàng Văn Trung, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Bằng Hữu cho biết: việc mở lớp dạy dân ca, dân vũ; thành lập CLB sinh hoạt văn hóa dân gian dân tộc Tày, Nùng các thôn ở xã Bằng Hữu, có ý nghĩa rất lớn đối với bà con ở đây. Qua các buổi sinh hoạt, đã tạo sân chơi bổ tích cho những người yêu Then; làm sống lại tình yêu đối với Then. Hiện nay, CLB đang duy trì hoạt động rất hiệu quả, thường xuyên có các buổi biểu diễn văn nghệ tại địa phương, tạo nên một phong trào văn hóa, văn nghệ sôi nổi.

Theo báo cáo của Phòng Văn hóa Thông tin huyện Chi Lăng, thực hiện Dự án số 06 về “Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các DTTS gắn với phát triển du lịch” thuộc Chương trình MTQG 1719, huyện Văn Lãng tập trung hỗ trợ các đội văn nghệ truyền thống. Trong đó, hỗ trợ các đội văn nghệ thôn đàn tính, sóc và loa kéo…, huyện Chi Lăng cũng định hướng xây dựng Câu lạc bộ CLB sinh hoạt văn hóa dân gian dân tộc Tày, Nùng các thôn thuộc xã Bằng Hữu để phục vụ khách du lịch.

Lễ hội Đàn tính, Then tại xã An Lạc, huyện Sơn Động, Bắc Giang thu hút được đông đảo Nhân dân và du khách tham gia
Lễ hội đàn tính, Then tại xã An Lạc, huyện Sơn Động, Bắc Giang thu hút được đông đảo Nhân dân và du khách tham gia

Tương tự, tại huyện Văn Lãng (Lạng Sơn), bà Hoàng Thị Huân, Chủ nhiệm CLB hát then, dân ca xã Hoàng Việt cho biết, người Tày ở xã Hoàng Việt thích hát then, hát dân ca, thế nhưng những năm trước đây chỉ là hát theo từng nhóm nhỏ, không có tổ chức. Đến năm 2020, bà và một nhóm nghệ nhân đã quyết định thành lập nhóm, trên cơ sở định hướng của UBND xã, đã thành lập câu lạc bộ.

“Ban đầu thành lập, CLB có 18 người, tuổi chủ yếu từ 33 - gần 70 tuổi, là những người có chung niềm đam mê hát Then, muốn có một không gian sinh hoạt chung, tự đóng góp kinh phí hoạt động. Tuy nhiên, vì đại đa số thành viên CLB đều là nông dân, nguồn kinh phí eo hẹp, CLB chưa thể mua sắm các thiết bị, nhạc cụ nên hiệu quả hoạt động chưa cao”, bà Huân chia sẻ.

Bà Huân bày tỏ vui mừng, may thay năm nay, CLB được hỗ trợ 10 bộ quần áo, 18 đôi giày, 12 cây đàn tính, 6 bộ sóc… Nhờ đó, hoạt động của CLB được chuyên nghiệp hơn, đủ điều kiện để có thể đi biểu diễn ở nhiều nơi. Bà Huân cười nói, giờ chỉ cần xã gọi hoặc bất cứ ai gọi là các thành viên trong CLB có thể sẵn sàng đi biểu diễn.

Các địa phương thực hiện tốt việc bảo tồn văn hóa sẽ góp phần rất lớn trong việc bảo tồn di sản Then cũng như thúc đẩy du lịch cho các địa phương có di sản Then
Các địa phương thực hiện tốt việc bảo tồn văn hóa sẽ góp phần rất lớn trong việc bảo tồn di sản Then cũng như thúc đẩy du lịch cho các địa phương có di sản Then

CLB sinh hoạt văn hóa dân gian dân tộc Tày, Nùng các thôn thuộc xã Bằng Hữu (huyện Chi Lăng) và CLB hát then, dân ca xã Hoàng Việt (huyện Văn Lãng), tỉnh Lạng Sơn là hai CLB đã được hồi sinh, chuyển mình, hoạt động hiệu quả nhờ những hỗ trợ từ Dự án 6, Chương trình MTQG 1719.

Hiện nay, hầu hết 11 tỉnh gồm Tuyên Quang, Bắc Giang, Bắc Kạn, Cao Bằng, Hà Giang, Lạng Sơn, Quảng Ninh, Thái Nguyên, Điện Biên, Lai Châu và Lào Cai có di sản Then đều đang tích cực triển khai thực hiện Dự án 6, Chương trình MTQG 1719. Nhờ đó, hoạt động bảo tồn và phát huy các giá trị di sản Then trở nên thiết thực hơn, rộng rãi hơn; hứa hẹn sẽ tạo ra những sản phẩm du lịch độc đáo, góp phần nâng tầm di sản Then cũng như nâng tầm du lịch Việt Nam vươn xa hơn.

Tin cùng chuyên mục
Đắk Lắk: Bộ đội giúp người dân vùng biên qua cơn khát...

Đắk Lắk: Bộ đội giúp người dân vùng biên qua cơn khát...

Hạn hán, nắng nóng kéo dài khiến cho hàng nghìn người dân ở các xã biên giới tỉnh Đắk Lắk thiếu nước sinh hoạt. Để giúp người dân vùng biên qua cơn khát, các đơn vị bộ đội đóng quân ở khu vực biên giới đã huy động nguồn lực khoan giếng làm công trình nước sinh hoạt tập trung, chở từng bồn nước khu dân cư hỗ trợ người dân.