Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Sự kiện - Bình luận

Dịch bệnh, lũ lụt và nguy cơ tái nghèo

Thanh Hải - 08:27, 08/10/2021

Ở một góc độ nào đó, dịch bệnh và thiên tai là những yếu tố bất khả kháng với con người. Trong 2 năm gần đây, điều này càng rõ ràng hơn khi lũ lụt cùng với dịch bệnh Covid-19, đã “cuốn phăng” bao sinh kế, gây thiệt hại lớn đến kinh tế của mỗi gia đình. Khi sinh kế không còn, khi kinh tế gia đình bị ảnh hưởng nặng nề, thì nguy cơ nghèo, tái nghèo là điều khó tránh.

Lao động hồi hương vì dịch đang đứng trước nguy cơ đói nghèo vì mất việc làm, mất thu nhập và chưa biết làm gì
Lao động hồi hương vì dịch đang đứng trước nguy cơ đói nghèo vì mất việc làm, mất thu nhập và chưa biết làm gì

Nếu nhận định về lũ lụt năm 2020 ở Việt Nam, chắc chắn nhiều người sẽ nói một câu ngắn gọn: Quá khủng khiếp. Nước từ trên trời đổ xuống, nước từ triền núi đổ về, khiến làng mạc, ruộng đồng, phố xá trắng băng. Hàng nghìn ngôi nhà, hàng trăm nghìn ha cây trồng, hàng trăm nghìn con vật nuôi… ngập chìm trong nước dữ. 

Ở nhiều địa phương, nước của cơn lũ trước chưa kịp tiêu, thì cơn lũ sau lại tràn đến khiến lũ chồng lũ. Đa số hộ nghèo, vốn vay của kỳ trước chưa kịp thu hồi và hoàn trả, thì nay không những có nguy cơ mất trắng, mà còn chưa biết tính sao cho chu kỳ sản xuất vụ tới. Có những địa phương như ở huyện Cẩm Xuyên và thị xã Kỳ Anh (Hà Tĩnh), Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện hỗ trợ lại hạt giống rau cho bà con sau bão ở những xã bãi ngang ven biển. Nhưng vừa gieo trồng lại, thì trời liên tục đổ mưa, cuốn trôi hoặc làm úng thối hết hạt rau.

Còn ở những địa phương vùng miền núi và DTTS, mưa lũ đã làm đất đá, đồi núi sạt lở gây sập đổ nhà cửa, chết người và gia súc, gia cầm, vùi lấp đất nông nghiệp, ngã đổ cây lâm nghiệp, hư hỏng cơ sở hạ tầng. Đa số hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo ở những vùng này, tài sản vật chất chỉ đủ duy trì và đáp ứng những nhu cầu tối thiểu của cuộc sống, nay do tác động của mưa lũ đang trở nên lao đao, khốn đốn. Nếu quy đổi bằng tiền, thì đã có rất, rất nhiều nghìn tỷ đồng trôi sông, đổ biển vì lũ.

Nhưng so với lũ lụt, thì dịch bệnh Covid-19 được cho là tác động còn khủng khiếp hơn thế. Tính đến ngày 3/10/2021, dịch bệnh đã làm 19.715 người chết; bao thành phố, huyện, thị phải giãn cách, cách ly khiến cho mọi hoạt động gần như “đóng băng”. Chỉ tính riêng với hàng nghìn người dân rời các tỉnh phía Nam về quê né dịch, cũng đã cho thấy, chừng ấy nhân khẩu đứng trước nguy cơ thiếu đói, thiếu chỗ ở, thiếu việc làm… ngay chính trên mảnh đất “chôn nhau cắt rốn”. 

Hãy nhìn vào đầu tàu kinh tế nước nhà - TP. Hồ Chí Minh, đã chẳng còn từ ngữ nào để diễn tả về mức độ nguy hiểm, và bao hệ lụy đang phải oằn lưng gánh gồng. Gần 4 tháng thực hiện giãn cách xã hội, là con số hiện tại, được đo đếm. Những hệ lụy của dịch bệnh Covid-19 đối với nền kinh tế, với cuộc sống người dân thì không dễ gì đo tính được. 

Mặc dù Chính phủ đã ban hành các gói hỗ trợ lên đến hàng nghìn tỷ đồng cho các nhóm lao động chịu ảnh hưởng dịch bệnh, trong đó có người nghèo, nhưng số tiền ủng hộ có vẻ chưa thấm vào đâu so với nhu cầu để họ có thể duy trì cuộc sống tối thiểu.

Người dân trắng tay sau lũ, đối mặt với đói nghèo
Người dân trắng tay sau lũ, đối mặt với đói nghèo

Trong những tác động và hệ lụy khủng khiếp của lũ lụt và dịch bệnh, thì đối tượng lao động tự do, lao động thời vụ, hộ cận nghèo, hộ nghèo, người làm thuê, người tha phương mưu sinh… bị ảnh hưởng lớn nhất. 

Cuộc sống mưu sinh hàng ngày, dường như là “giật gấu vá vai” nay, hết lũ lụt rồi dịch bệnh quét qua, khiến bao gia đình ngã quỵ, không thể gắng gượng nổi. Bao gia đình đang yên ổn làm ăn phút chốc trắng tay; bao gia đình phút chốc “khuynh gia bại sản”… thành nghèo đói. Tất cả cũng bởi dịch bệnh Covid-19, bởi lũ lụt, khiến nhiều nhà, nhiều  người người lâm vào cơn bĩ cực.

Sau những sóng gió của lũ lụt và dịch bệnh, vấn đề làm đau đầu các địa phương nhất, chính là, nguy cơ gia tăng tỷ lệ hộ nghèo trong nhóm lao động tự do, lao động thời vụ, hộ cận nghèo, lao động di cư tự do… 

Thực tế này, rõ ràng là cần phải có những chính sách mạnh hơn nữa dành cho cộng đồng nghèo. Vì bản thân họ đa phần đều là người không có công cụ sản xuất, hoặc thiếu tư liệu sản xuất, bị mất việc làm, sinh kế không còn và bị tác động nhiều nhất về mọi mặt.

Ở tầm vĩ mô, Chính phủ cần phải có những điều chỉnh kịp thời, khẩn trương, hợp lý trong việc thiết kế chính sách cũng như thay đổi mức chuẩn nghèo. Ngoài ra, trong quá trình thiết kế chính sách giảm nghèo giai đoạn mới, cũng cần tính toán cụ thể phương thức để có thể giảm nghèo trong tình hình thiên tai, dịch bệnh, hỏa hoạn... cụ thể. 

Đặc biệt, Chính phủ cần kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện các gói hỗ trợ dành cho các đối tượng bị ảnh hưởng do dịch bệnh; các chương trình, dự án hỗ trợ sinh kế người dân vùng lũ…

Ở mỗi địa phương, các giải pháp, biện pháp hỗ trợ người dân bị ảnh hưởng của lũ lụt, dịch bệnh đã được thực thi tùy theo khả năng và tình hình thực tế của mình. Cần chú ý,  rà soát cụ thể, đánh giá mức độ ảnh hưởng của dịch bệnh, lũ lụt đối với người dân và thống kê nguyện vọng, mong muốn của những đối tượng này để có những giải pháp cụ thể về trước mắt; cũng như lâu dài như chia đất sản xuất, hỗ trợ vay vốn, đào tạo nghề... Có như vậy, sự hỗ trợ, giúp đỡ dành cho các đối tượng bị ảnh hưởng của thiên tai, dịch bênh mới sát, đúng và trúng.

Chẳng ai muốn mình phải nhận hỗ trợ. Nhưng cực chẳng đã, họ đành nhận khoản này, như là cứu cánh duy nhất làm sinh kế mưu sinh cho ngày mai, ngày sau. Hy vọng, bằng sự chung tay, quan tâm của toàn xã hội, sự nỗ lực vươn lên của những con người đã từng chịu ảnh hưởng của thiên tai, dịch bệnh, nghèo đói sẽ được đẩy lùi thật nhanh.

Năm sau và nhiều năm nữa, thiên tai, dịch bệnh vẫn sẽ tiếp tục phức tạp và hậu quả sẽ khó mà dự đoán. Theo bản đồ dịch bệnh và thiên tai qua từng chu kỳ, thấy rõ, các năm về sau, mức độ ảnh hưởng nặng nề càng tăng cao. Đói nghèo sẽ vẫn là vấn đề lớn đe dọa hàng triệu người vùng bị ảnh hưởng. 

Vậy thì từ hôm nay, những chiến lược về an ninh lương thực quốc gia; chiến lược về hỗ trợ và giải quyết các vấn đề phát sinh từ ảnh hưởng của thiên tai, dịch bệnh cần phải được tính toán kỹ lại càng và dài hơi hơn./.