Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Giáo dục

Điện Biên: Ghi nhận về bảo tồn, phát huy giá trị tiếng Thái, Mông

PV - 14:50, 04/06/2019

Trong cộng đồng 19 dân tộc sinh sống trên địa bàn tỉnh Điện Biên, ngôn ngữ dân tộc Mông, Thái có ảnh hưởng rất lớn, bởi tỷ lệ cơ cấu dân số của 2 dân tộc này chiếm đa số (trên 70%) và có nền văn hóa bản địa lâu đời nhất. Trước thực trạng ngôn ngữ và chữ viết của dân tộc Thái, Mông có nguy cơ bị mai một, tỉnh Điện Biên đã triển khai Đề án dạy tiếng Thái, Mông cho học sinh và THCS, bước đầu gặt hái được những kết quả đáng ghi nhận.

Lớp dạy học tiếng Thái trong Trường Tiểu học theo Đề án của UBND tỉnh Điện Biên. Lớp dạy học tiếng Thái trong Trường Tiểu học theo Đề án của UBND tỉnh Điện Biên.

Hướng bảo tồn và phát huy ngôn ngữ

Nhìn lại quá trình bảo tồn và phát huy giá trị ngôn ngữ của 2 dân tộc Thái, Mông, thời gian qua, tỉnh Điện Biên đã có một lộ trình và hướng đi cụ thể. Năm 2010, UBND tỉnh Điện Biên có Quyết định số 759/QĐ-UBND về việc “Ban hành Bộ tài liệu tiếng dân tộc Mông, tiếng dân tộc Thái” đã tạo điều kiện cho đồng bào, cán bộ người DTTS ở Điện Biên được học tiếng nói, chữ viết của dân tộc mình. Đây cũng là bộ tài liệu khoa học đầu tiên được dùng để giảng dạy và đào tạo tiếng dân tộc dành riêng cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức địa phương.

Tiếp đó, năm 2011 “Đề án dạy tiếng Thái, Mông cho học sinh tiểu học và trung học cơ sở (THCS) giai đoạn 2011-2015, định hướng đến năm 2020”, của UBND tỉnh Điện Biên tiếp tục mở ra hướng đi mới trong công tác bảo tồn, phát huy ngôn ngữ DTTS. Đề án được triển khai rộng rãi trong ngành Giáo dục và Đào tạo địa phương, tạo điều kiện thuận lợi cho học sinh tiếp thu kiến thức khi học tập trong nhà trường và các cơ sở giáo dục khác.

Trong khuôn khổ Đề án đã hoàn chỉnh bộ chương trình và tài liệu dạy tiếng Thái, Mông; triển khai dạy cho học sinh tiểu học, THCS theo quy mô, nội dung và lộ trình, đồng thời đào tạo đội ngũ cán bộ giáo viên dạy tiếng Thái, Mông phục vụ công tác giảng dạy và nghiên cứu tiếng dân tộc…

Mục tiêu của Đề án mỗi năm triển khai mở 80 lớp dạy tiếng Thái và tiếng Mông cho khoảng 2.000 học sinh lớp 3. Đối tượng là con em dân tộc Mông, Thái đã biết đọc, viết thành thạo ngôn ngữ tiếng Việt phổ thông và không bị hạn chế trong việc học, tiếp thu ngôn ngữ của cộng đồng dân tộc mình. Số học sinh này sẽ tiếp tục duy trì học lên hết bậc tiểu học và THCS. Mỗi huyện, thị, thành phố lựa chọn khoảng 40 trường tiểu học và 40 trường THCS tham gia triển khai dạy và học tiếng Mông, tiếng Thái. Tổng kinh phí thực hiện Đề án trong giai đoạn 2011-2020 khoảng 11 tỷ đồng.

Đây là Đề án được đánh giá là có quy mô và hoàn chỉnh bậc nhất so với các chương trình giảng dạy trước đây, bởi không chỉ có ý nghĩa với riêng tỉnh Điện Biên mà còn mang tầm ảnh hưởng đối với các tỉnh miền núi phía Bắc, tạo điều kiện phát huy tiếng Thái, tiếng Mông theo hướng bền vững và thiết thực.

Còn nhiều việc phải làm

Hiện vấn đề dạy và học tiếng dân tộc không chỉ có trong các cơ sở giáo dục mà còn phổ biến trong nhiều cộng đồng người DTTS sinh sống. Xuất phát từ lòng tự tôn dân tộc, các nhóm cộng đồng đã tựu lại thành lập những nhóm, trung tâm học tập cộng đồng. Không thụ động chờ nguồn kinh phí của cấp trên hay hỗ trợ từ đề án bảo tồn của Nhà nước, các địa phương đã tự cân đối kinh phí hoạt động để tổ chức mở các lớp truyền dạy chữ Thái và chữ Mông cho người dân tham gia.

Tuy nhiên, ông Lò Ngọc Duyên, Trưởng Ban Điều phối Trung tâm Bảo tồn và Phát triển tri thức các dân tộc Điện Biên trăn trở: Hiện nay, chữ viết của DTTS chỉ còn được lưu giữ được bởi những người già trong một số làng bản hoặc những nghệ nhân, thầy mo, thầy cúng, nhưng số lượng những người này còn rất ít và quỹ thời gian với họ nhìn chung không còn nhiều nữa...; một số người tuy biết đọc nhưng lại không biết viết nên chữ viết của nhiều DTTS đang đứng trước nguy cơ bị mai một.

Mặt khác, nhân lực nghiên cứu chuyên sâu và tài liệu dùng để giảng dạy ngôn ngữ DTTS ở Điện Biên hiện còn hạn chế, khan hiếm và chưa có quy chế phối hợp, thống nhất giữa một bên là nghiên cứu, bảo tồn với một bên là giáo dục và đào tạo. Quá trình học tập, giao tiếp thực tế của người dân vùng này với tỉnh khác trong khu vực cũng gặp nhiều khó khăn do chưa thống nhất được bộ tài liệu học tập chung và còn xuất hiện biến thể, phương ngữ ở từng nơi… những vấn đề này cần phải được quan tâm giải quyết từng bước.

VŨ LỢI

Tin cùng chuyên mục
Hà Nội chốt phương án thi vào lớp 10 với 3 môn

Hà Nội chốt phương án thi vào lớp 10 với 3 môn

Ngày 28/3, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội ban hành Kế hoạch tuyển sinh vào lớp 10 THPT năm học 2024-2025. Theo đó, học sinh Hà Nội tham gia kỳ tuyển sinh vào lớp 10 THPT công lập năm học 2024-2025 sẽ thực hiện 3 bài thi độc lập gồm: Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ.