Chỉ vừa mới trải qua vài trận mưa nhỏ của đầu mùa mưa năm nay, thế nhưng phần nền đất phía sau bếp căn nhà của anh Lò Văn Nghĩa, ở bản Tìa Dình C, xã Tìa Dình, huyện Điện Biên Đông, tỉnh Điện Biên đã sụt lún xuống cả gang tay. 2 lần đổ đất vào để ngăn vết nứt không lan rộng ra làm sập cả căn nhà, thế nhưng đến nay tình trạng vẫn không được cải thiện. Việc sụt lún vẫn diễn ra, vết nứt ngày càng to hơn khiến cả gia đình anh luôn sống trong tình trạng thấp thỏm, lo âu sợ ngôi nhà có thể sập xuống bất kỳ lúc nào.
Anh Nghĩa cho biết: Điều mong mỏi lớn nhất hiện nay là, các cấp chính quyền sẽ tạo điều kiện giúp gia đình anh và người dân bản Tìa Dình C có chỗ san lấp mặt bằng mới để di dời đến chỗ an toàn.
Thấp thỏm, lo sợ là tâm lý chung không của chỉ gia đình anh Nghĩa mà còn của hơn 70 hộ dân khác đang sống ở các bản của xã Tìa Dình hiện nay. Bởi vết nứt này đã được phát hiện từ những năm 2011, song 2 năm trở lại đây đã có sự phát triển rất mạnh.
Theo ông Giàng A Sinh, người dân bản Tìa Dình A, xã Tìa Dình, huyện Điện Biên Đông thì, tháng 8/2018, gia đình ông chỉ có một vết nứt tách một gian nhà, lún tầm khoảng 20cm. Đến thời điểm hiện nay là tháng 6/2019, căn nhà đã phát sinh thêm 2 vết nứt khác tầm 10cm, tụt xuống tầm khoảng 10-15cm. Hiện gia đình ông vô cùng lo lắng không dám ở, sinh hoạt tại nhà, đóng cửa nhà đi ở nhờ nơi khác.
Theo báo cáo mới nhất (tháng 4/2019) của Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Điện Biên về việc điều tra hiện trạng, nguyên nhân, dự báo nguy cơ sụt lún, trượt lở tại khu vực trung tâm xã Tìa Dình cho thấy, đây là khối trượt có quy mô được xếp vào loại đặc biệt lớn. Tổng diện tích khối trượt có quy mô gần 13ha với chiều dài khối trượt là 760m, chiều cao 150m, đỉnh khối trượt rộng 310m, cung trượt rộng nhất 420m. Đây là khối trượt thuộc kiểu trượt tịnh tiến với sự xuất hiện của 3 cung trượt, trong đó có cung trượt chính bao toàn bộ khối trượt.
Điều đáng lo ngại là tại chân khối trượt hiện nay, mặc dù vào mùa khô nhưng vẫn gặp nước xuất lộ ở dạng thấm rỉ, do đó nếu khi có mưa, nước sẽ dễ dàng xâm nhập vào mặt trượt thúc đẩy quá trình trượt diễn ra nhanh hơn. Ngay trong đợt mưa đầu tháng 3/2019, trong nội bộ khối trượt đã xuất hiện thêm một số khe nứt, sụt lún so với thời điểm tháng 10/2018. Điều đó cho thấy, khối trượt vẫn đang hoạt động và ngày càng có biểu hiện mạnh hơn, nhanh hơn, tạo trượt lở lớn đe dọa tới tính mạng hàng trăm hộ dân trên địa bàn, phá hủy toàn bộ các công trình nhà nước trong khu vực.
Cuối năm 2018, Ủy ban Nhân dân tỉnh Điện Biên cũng đã có công văn yêu cầu các địa phương, ban, ngành liên quan, khẩn trương rà soát, lên phương án khắc phục ngay sự cố tại xã Tìa Dình.
Ông Tráng A Dia, Chủ tịch UBND xã Tìa Dình, đề xuất cấp bách hiện nay của địa phương là, phải khẩn trương có phương án di dời khẩn cấp toàn bộ hộ dân, trụ sở công quyền địa phương ra khỏi khối trượt.
Xã cũng đã ra thông báo cho các hộ gia đình với tình hình như vậy rất nguy hiểm, không thể ở được vị trí này để di dời tạm thời sang nơi khác. “Tâm tư nguyện vọng của bà con và Đảng ủy, chính quyền chúng tôi là các cấp có thẩm quyền cần sớm có biện pháp, cho chủ trương di chuyển toàn bộ các hộ dân và các trụ sở công quyền sang chỗ khác để yên tâm công tác, ổn định đời sống cho bà con nhân dân”, ông Dia nhấn mạnh.
Hiện nay, cách khối trượt chính này khoảng 250m về phía Đông Nam cũng đã xuất hiện thêm một khối trượt khác có quy mô khoảng 0,2ha. Đây là dấu hiệu cho thấy các khối trượt đang có xu hướng phát triển mạnh lên phía trên gây mất an toàn cho cả khu vực. Với những nguy hiểm đã nhìn rõ này, hơn bao giờ hết ngay lúc này chính quyền tỉnh Điện Biên cần sớm có phương án di dời khẩn cấp các hộ dân, các cơ quan công sở tại xã Tìa Dình, huyện Điện Biên Đông để tránh những hậu quả đáng tiếc khi mùa mưa lũ năm nay đang rất cận kề.
VŨ LỢI