Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Công tác Dân tộc

Điện Biên: Nhân rộng các mô hình sinh kế giảm nghèo bền vững

Cam Phúc - 05:56, 12/11/2024

Xác định Chương trình giảm nghèo bền vững là một trong ba Chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) thể hiện chủ trương, chính sách lớn của Đảng và Nhà nước, những năm vừa qua, tỉnh Điện Biên đã đặc biệt quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai thực hiện hiệu quả Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận.

Hội viên Hợp tác xã Nam Dương chăm sóc bí xanh
Hội viên Hợp tác xã Nam Dương chăm sóc bí xanh

Tại huyện Mường Chà, mô hình trồng bí xanh được người dân xã Mường Mươn gọi là "cây giảm nghèo", bởi mang lại kinh tế và thay đổi tư duy sản xuất nông nghiệp cho đồng bào. Ban đầu, mô hình có 10 hộ dân nghèo tại bản Púng Giắt 1, Púng Giắt 2 tham gia, với 2,6ha đất trồng, tổng vốn đầu tư 260 triệu đồng, kinh phí hỗ trợ từ Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững.

Đến nay, mô hình được nhân rộng với diện tích tăng nhanh do hiệu quả từ trồng bí xanh mang lại cao hơn nhiều so với tập quán trồng một vụ lúa mỗi năm trên nền đất ruộng khô cằn, thiếu nước trước đây. Diện tích vùng đất trồng đã tăng lên hơn 20ha. Hợp tác xã Nam Dương (thị trấn Mường Chà) kết nối bao tiêu đầu ra với bà con địa phương.

Huyện Mường Chà cũng chuyển đổi hơn 1.500ha đất trồng lúa kém hiệu quả sang trồng các loại cây có giá trị kinh tế cao, như: Dứa, khoai tây, mắc ca, quế... mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn trước, không chỉ giúp người dân thoát nghèo bền vững mà còn có cơ hội vươn lên làm giàu.

Hiện nay, tỉnh Điện Biên có 125 mô hình liên kết được hỗ trợ triển khai thực hiện trong 3 năm qua. Nhờ đó, nhiều người nghèo đã không còn tâm lý trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ của Nhà nước, mà đã thay đổi nhận thức, tự lực vươn lên, góp phần thực hiện hiệu quả công tác giảm nghèo.

Giai đoạn 2021 - 2025, tỉnh Điện Biên được Trung ương giao tổng nguồn vốn thực hiện Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững hơn 2.063 tỷ đồng. Vốn thực hiện năm 2023 trên 984 tỷ đồng (vốn ngân sách Trung ương giao hơn 957 tỷ đồng, ngân sách địa phương trên 27 tỷ đồng) và nguồn vốn huy động khác 450 triệu đồng, để triển khai 7 dự án, như: Dự án đa dạng hóa sinh kế, phát triển mô hình giảm nghèo; hỗ trợ phát triển sản xuất; phát triển giáo dục nghề nghiệp...

UBND tỉnh Điện Biên đã ban hành 13 văn bản quy phạm pháp luật (trong đó HĐND tỉnh ban hành 7 nghị quyết; UBND ban hành 6 quyết định) quy định cụ thể, để thực hiện các chương trình MTQG, trong đó có Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững.

Đoàn giám sát của Thường trực HĐND tỉnh Điện Biên kiểm tra mô hình hỗ trợ phát triển sản xuất trồng cây quế, cây sắn tại xã Nà Khoa, huyện Nậm Pồ
Đoàn giám sát của Thường trực HĐND tỉnh Điện Biên kiểm tra mô hình hỗ trợ phát triển sản xuất trồng cây quế, cây sắn tại xã Nà Khoa, huyện Nậm Pồ

Để chỉ đạo thực hiện xuyên suốt, thống nhất, 10/10 huyện, thị xã, thành phố thành lập Ban Chỉ đạo thực hiện các chương trình MTQG, do Chủ tịch UBND cấp huyện làm Trưởng Ban Chỉ đạo; xây dựng quy chế hoạt động; phân công nhiệm vụ cụ thể cho thành viên Ban Chỉ đạo phụ trách từng địa bàn. Tương tự với cấp xã cũng thành lập Ban Quản lý thực hiện các chương trình MTQG, do Chủ tịch UBND xã làm Trưởng ban, phân công nhiệm vụ cụ thể từng thành viên, tổ chức đoàn thể phụ trách, giúp đỡ thôn, bản. Với các giải pháp tổng thể từ tỉnh, huyện đến cơ sở, Chương trình Giảm nghèo bền vững trên địa bàn tỉnh Điện Biên ngày một khởi sắc.

Ông Nguyễn Thanh Sơn, Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Điện Biên, cho biết: Triển khai thực hiện các chương trình giảm nghèo, 7 huyện thuộc nhóm huyện nghèo được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định 353/QĐ-TTg ngày 15/3/2022, gồm: Điện Biên Đông, Mường Ảng, Tuần Giáo, Tủa Chùa, Mường Chà, Mường Nhé và Nậm Pồ đã tăng cường huy động, sử dụng hiệu quả các nguồn vốn. Nhất là vốn Chương trình Giảm nghèo bền vững, để hỗ trợ sản xuất, tạo việc làm, tăng thu nhập cho người dân; cùng với đó là sự nỗ lực phấn đấu vươn lên của hộ nghèo.

Giai đoạn 2019-2024, dự ước tỉnh huy động được trên 2.500 tỷ đồng cho Chương trình giảm nghèo; dự ước đến hết năm 2024, tỷ lệ hộ nghèo đa chiều của tỉnh theo chuẩn nghèo mới giảm xuống còn 31,97% (giảm 5% so với năm 2023). Kết quả này góp phần quan trọng vào phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh trên địa bàn tỉnh.

Thời gian tới, tỉnh Điện Biên phấn đấu mỗi năm giảm từ 4% trở lên tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn đa chiều; trong đó, các huyện nghèo giảm trung bình từ 5,5% trở lên; tỷ lệ hộ nghèo trong đồng bào DTTS giảm bình quân từ 5% trở lên. Năm 2025, tỉnh có 2 huyện thoát nghèo; tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh giảm còn 18,9%...

Để đạt mục tiêu đó, Điện Biên xác định vừa phát huy kết quả đạt được, vừa tiếp tục đổi mới, sáng tạo trong công tác giảm nghèo bền vững. Đặc biệt là tiếp tục khơi dậy, phát huy hơn nữa ý chí tự lực vươn lên thoát nghèo của người nghèo. Đồng thời, tăng cường huy động, sử dụng hiệu quả các nguồn vốn, nhất là vốn Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững, để hỗ trợ sản xuất, tạo việc làm, tăng thu nhập.


Tin cùng chuyên mục
Hỗ trợ bảo vệ rừng ở Nghệ An: Góp phần nâng cao độ che phủ rừng

Hỗ trợ bảo vệ rừng ở Nghệ An: Góp phần nâng cao độ che phủ rừng

Chia sẻ về thực hiện hỗ trợ bảo vệ rừng theo nội dung của Tiểu dự án 1, Dự án 3, Chương trình MTQG phát triển kinh tế -xã hội vùng đồng bào DTTS&MN giai đoạn 2021-2025 ở Nghệ An, ông Nguyễn Danh Hùng, Phó Giám đốc sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn khẳng định, chính sách đã góp phần quan trọng vào việc huy động được nguồn lực đầu tư cho công tác bảo vệ và phát triển rừng, nâng cao độ che phủ cho rừng của địa phương. Còn người dân sống gần rừng, thì có thêm thu nhập, cải thiện đời sống để thêm gắn bó với rừng.