Triển khai nhiều giải pháp
Ngay từ đầu năm 2022, Hội đồng Nhân dân tỉnh Điện Biên đã ban hành Nghị quyết số 02/2022/NQ-HĐND ngày 02/4/2022 quy định nguyên tắc, tiêu chí, định mức phân bổ vốn ngân sách trung ương và tỷ lệ vốn đối ứng của ngân sách địa phương để thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2030, giai đoạn 1: từ năm 2021 đến năm 2025 trên địa bàn tỉnh Điện Biên.
Theo đó, UBND các huyện, thị xã, thành phố đã thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình mục tiêu quốc gia cấp huyện và ban hành quy chế hoạt động, phân công nhiệm vụ cho các phòng, ban, đơn vị tham gia quản lý, thực hiện các dự án, tiểu dự án, nội dung thực hiện của Chương trình; ban hành Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 17-NQ/TU ngày 10/12/2021 của Tỉnh ủy về phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số, gắn với mục tiêu giảm nghèo bền vững và an sinh xã hội tỉnh Điện Biên giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030...
Theo ông Lò Minh Tiến, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Điện Biên, để thực hiện hiệu quả các mục tiêu của Chương trình, Ủy ban nhân dân tỉnh Điện Biên đưa ra mục tiêu, giảm tỷ lệ hộ nghèo hằng năm giai đoạn 2022-2025 vùng đồng bào DTTS và miền núi là 5%/năm (theo chuẩn nghèo giai đoạn 2021-2025); phấn đấu đưa 45 xã đặc biệt khó khăn ra khỏi địa bàn đặc biệt khó khăn; 29 thôn đặc biệt khó khăn ra khỏi địa bàn đặc biệt khó khăn trong giai đoạn 2022-2025.
Theo báo cáo của Ban Dân tộc tỉnh, trong năm 2022, Điện Biên được phân bổ tổng nguồn vốn theo kế hoạch là: 708 tỷ 406 triệu đồng. Trong đó, vốn đầu tư phát triển: 477.821 triệu đồng, vốn sự nghiệp 230.585 triệu đồng.
Ông Hạng Nhè Ly, Phó Chủ tịch UBND huyện Nậm Pồ cho biết: Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế -xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi, là một chính sách mới. Chính quyền và người dân rất kì vọng vào việc triển khai thực hiện chính sách trong thời gian tới.
Hiện nay, địa phương đã đã được phân bổ vốn từ Dự án hỗ trợ phát triển sản xuất 17 tỷ đồng. Với dự án này chúng tôi sẽ ưu tiên hỗ trợ phát triển sinh kế cho bà con như: phân bón, giống, cây mác ca…
Ông Giàng A Dình, Trưởng Ban Dân tộc tỉnh cho biết, để triển khai hiệu quả Chương trình đảm bảo tiến độ và hiệu quả, tỉnh Điện Biên đã tập trung tăng cường vai trò, trách nhiệm trong công tác phối hợp; hỗ trợ các địa phương rà soát, xác định, xây dựng và triển khai các nội dung, hoạt động, nhiệm vụ của Chương trình; kịp thời hướng dẫn, giải quyết khó khăn, vướng mắc trong quá trình tổ chức thực hiện để hoàn thành mục tiêu năm 2022. Thực hiện việc phân cấp, trao quyền cho địa phương và người dân để nâng cao tính chủ động, linh hoạt của các cấp trong quản lý, tổ chức thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia
Chủ động tháo gỡ những vướng mắc
Theo Phó Chủ tịch Uỷ ban Nhân dân tỉnh Điện Biên Lò Minh Tiến, hiện nay việc triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia theo Quyết định 1719 vẫn còn nhiều vướng mắc. Vì dụ như, Bộ Tài chính quyết định phân vốn sự nghiệp năm 2022 cho các địa phương theo từng lĩnh vực (Y tế, Giáo dục, Văn hoá, hoạt động kinh tế…), nhưng nhiều nội dung chưa phù hợp với nhiệm vụ chi của địa phương.
Bên cạnh đó, kế hoạch vốn ngân sách trung ương thực hiện Chương trình cả giai đoạn, mới được Trung ương giao vốn đầu tư phát triển; đối với vốn sự nghiệp được giao theo dự toán hằng năm (chưa giao cả giai đoạn) nên việc triển khai thực hiện Chương trình ở địa phương gặp khó khăn.
Để tháo gỡ vướng mắc về cơ chế, chính sách để nâng cao hiệu quả đầu tư; tăng cường triển khai công tác kiểm tra, giám sát, trước mắt, UBND tỉnh Điện Biên sẽ tiếp tục rà soát các văn bản quy phạm pháp luật, chính sách dân tộc liên quan đến vùng đồng bào DTTS và miền núi để báo cáo, đề xuất sửa đổi, bổ sung, thay thế, bãi bỏ nhằm đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ trong tổ chức thực hiện.
Bên cạnh đó, đa dạng hóa việc huy động các nguồn lực và thực hiện đồng bộ các biện pháp quản lý, tăng cường lồng ghép các nguồn vốn thực hiện các chương trình. Ưu tiên đầu tư, hỗ trợ các xã, thôn khó khăn, hộ nghèo, các nhóm DTTS còn gặp nhiều khó khăn và các địa bàn còn thiếu hụt cơ sở hạ tầng thiết yếu, nhằm giải quyết các khó khăn về kết cấu hạ tầng và hỗ trợ phát triển sản xuất để tạo thuận lợi về điều kiện sinh kế cho đồng bào vùng DTTS và miền núi.