Xã căn cứ cách mạng Nâm Nung đang từng ngày khởi sắcÂm thầm “giữ lửa” nghề dệt thổ cẩm truyền thống, hằng ngày bà H’Djrêt (SN 1961), ở bon R’cập, xã Nâm Nung miệt mài bên khung cửi. Nghệ nhân H’Djrêt chia sẻ: “10 năm trước, tôi đến từng nhà nghệ nhân trong bon học hỏi. Từ đó đến nay, ngoài thời gian làm nương rẫy tôi tranh thủ dệt, vừa để phục vụ nhu cầu trong gia đình, vừa bán kiếm thêm thu nhập. Mấy năm gần đây, tôi bán được nhiều sản phẩm thổ cẩm hơn”.
Tương tự, nhiều năm nay chị H’Nuil (SN 1997), bon Yôk Ju giữ gìn nghề của cha ông. Chị biết ủ rượu cần từ khi 15 tuổi và hay tìm đến người giỏi nghề trong buôn học hỏi thêm. Năm 2022, chị đăng ký hộ kinh doanh, ủ rượu cần bán vào dịp Tết. Mỗi năm, chị bán được khoảng 25 - 30 ché rượu, với giá từ 350.000 - 500.000 đồng/ché. Nhờ vậy, gia đình có thêm nguồn thu nhập để trang trải.

Các hoạt động của Tổ du lịch cộng đồng Jôk Nâm Nung đã góp phần giúp người dân trên địa bàn hiểu biết hơn về các giá trị văn hóa, từ đó bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống”.
Bà H’Thương, Phó Chủ tịch UBND xã Nâm Nung
Xã Nâm Nung có 14 dân tộc cùng sinh sống, trong đó người Mnông có 469 hộ, với 1.878 nhân khẩu. Đồng bào dân tộc Mnông nơi đây còn gìn giữ nghề truyền thống dệt thổ cẩm, đan lát, văn hóa ẩm thực, lễ hội hội truyền thống, các loại hình văn hóa dân gian, âm nhạc… Hiện nay, xã Nâm Nung có 2 Nghệ nhân Ưu tú và gần 100 nghệ nhân trong các lĩnh vực. Đây là kho tàng văn hóa quý giá, tài nguyên để khai thác phát triển du lịch cộng đồng.
Phát huy lợi thế của vùng đất giàu truyền thống cách mạng và đậm đà bản sắc văn hóa, năm 2022, nhiều hộ dân tại các bon Ja Răh, Yôk Ju và R’cập đã cùng nhau thành lập Tổ du lịch cộng đồng Jôk Nâm Nung. Tổ hiện có 42 thành viên, trong đó có 38 hộ người Mnông, 4 hộ dân tộc Thái.
Để phát huy hiệu quả hoạt động, tổ du lịch cộng đồng được chia thành 4 nhóm nhỏ và được phân công nhiệm vụ cụ thể gồm: Nhóm homestay phụ trách hoạt động lưu trú, nhóm trải nghiệm thiên nhiên, nhóm ẩm thực và nhóm văn hóa.
Cùng với sự hỗ trợ tích cực từ chính quyền địa phương, hoạt động du lịch cộng đồng ở xã căn cứ cách mạng Nâm Nung đang từng bước khởi sắc. Trong năm 2024, Tổ du lịch cộng đồng Jôk Nâm Nung đã đón tiếp khoảng 500 lượt khách đến tham quan, trải nghiệm. Nhiều nghệ nhân trong tổ đã được các doanh nghiệp du lịch trong và ngoài tỉnh biết đến, mời đi biểu diễn trong các dịp lễ, Tết, với mức thù lao 350.000 đồng/ngày. Qua đó, không chỉ lan tỏa văn hóa truyền thống dân tộc Mnông, mà còn giúp các hộ dân trong tổ có thêm thu nhập để cải thiện cuộc sống.