Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Chính sách dân tộc

Diện mạo nông thôn khởi sắc từ Chương trình MTQG 1719

Minh Thu - 06:53, 23/04/2024

Nhờ đẩy mạnh thực hiện các chính sách dân tộc, trọng tâm là Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 - 2030 (Chương trình MTQG 1719), những năm gần đây, diện mạo nông thôn, vùng đồng bào DTTS các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long đã có nhiều chuyển biến tích cực.

Tuyến đường bêtông ở xã Thuận Hòa, huyện Châu Thành, tỉnh Sóc Trăng được đầu tư xây dựng từ nguồn vốn Chương trình MTQG 1719.
Tuyến đường bêtông ở xã Thuận Hòa, huyện Châu Thành, tỉnh Sóc Trăng được đầu tư xây dựng từ nguồn vốn Chương trình MTQG 1719.

Hiệu quả từ Chương trình MTQG 1719

Về với tỉnh An Giang, một tỉnh đầu nguồn sông Hậu, không khó để nhận thấy, diện mạo nông thôn, miền núi trên địa bàn tỉnh có nhiều chuyển biến tích cực nhờ Chương trình MTQG 1719.

Trong năm 2022 và năm 2023 từ nguồn vốn được phân bổ gần 176,6 tỷ đồng, tỉnh An Giang đã thực hiện nâng cấp 17 công trình, bảo dưỡng 15 công trình, với tổng vốn đầu tư trên 66 tỷ đồng.

“Việc tổ chức triển khai thực hiện có hiệu quả Chương trình MTQG 1719 đã góp phần làm cho kết cấu hạ tầng, kinh tế xã hội và đời sống Nhân dân ở vùng đồng bào DTTS của tỉnh được cải thiện đáng kể. Đến nay, 100% số xã trên địa bàn tỉnh đã có đường ô tô đến trung tâm, 100% xã có điện lưới quốc gia, trên 90% số hộ được sử dụng điện lưới, gần 90% số hộ dân nông thôn được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh…”

Ông Nguyễn Phú Trưởng Ban Dân tộc tỉnh An Giang

Để đa dạng hóa sinh kế, phát triển mô hình giảm nghèo, tỉnh đã triển khai 27 mô hình giảm nghèo cho 810 hộ nghèo, cận nghèo, hộ mới thoát nghèo tham gia và triển khai 18 dự án hỗ trợ phát triển sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp. Thực hiện hỗ trợ 263 hộ tham gia dự án, với kinh phí hơn 7 tỷ đồng. Đồng thời, mở 179 lớp đào tạo nghề trình độ ngắn hạn cho gần 5.400 học viên là lao động thuộc hộ nghèo, cận nghèo, hộ mới thoát nghèo… Qua đó, giúp cho người lao động có được kiến thức, kỹ năng nghề góp phần tạo việc làm nâng cao thu nhập, ổn định đời sống.

“Việc tổ chức triển khai thực hiện có hiệu quả Chương trình MTQG 1719 đã góp phần làm cho kết cấu hạ tầng, kinh tế xã hội và đời sống Nhân dân ở vùng đồng bào DTTS của tỉnh được cải thiện đáng kể. Đến nay, 100% số xã trên địa bàn tỉnh đã có đường ô tô đến trung tâm, 100% xã có điện lưới quốc gia, trên 90% số hộ được sử dụng điện lưới, gần 90% số hộ dân nông thôn được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh…”, ông Nguyễn Phú, Trưởng Ban Dân tộc tỉnh An Giang cho biết.

Là tỉnh có đông đồng bào DTTS ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, tỉnh Sóc Trăng xác định thực hiện Chương trình MTQG 1719 góp phần quan trọng trong việc thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội địa phương.

Như ở huyện Trần Đề, các dự án thành phần thuộc Chương trình MTQG 1719 được xem như một “trợ lực” quan trọng trong việc thúc đẩy phát triển toàn diện đời sống vật chất và tinh thần cho đồng bào DTTS.

Từ nguồn vốn 700 triệu đồng thuộc Chương trình MTQG 1719, tuyến đường rộng 2m thuộc khu vực ấp Bưng Sa, xã Viên An đã được mở rộng lên 3m. Với chiều dài toàn tuyến là 800m, việc nâng cấp, mở rộng đường không chỉ phục vụ tốt hơn nhu cầu vận chuyển nông sản của đồng bào Khmer trên tuyến mà còn góp phần kết nối giao thông giữa các ấp lân cận, tạo điều kiện thuận lợi trong phát triển nông nghiệp toàn vùng.

Chia sẻ với chúng tôi, anh Sơn Gương, ngụ ấp Bưng Sa, xã Viên An cho biết: “Trước đây, việc vận chuyển nông sản vào mùa thu hoạch diễn ra chậm, nhất là vào mùa mưa, vừa ảnh hưởng đến giá cả vừa ảnh hưởng đến chất lượng hàng hóa. Vì vậy mà khi tuyến đường này được đầu tư và đưa vào sử dụng, bà con rất vui mừng”.

Đồng bào Khmer trong tỉnh Sóc Trăng vươn lên phát triển kinh tế từ các mô hình hỗ trợ sản xuất thuộc Chương trình MTQG 1719.
Đồng bào Khmer tỉnh Sóc Trăng vươn lên phát triển kinh tế từ các mô hình hỗ trợ sản xuất thuộc Chương trình MTQG 1719.

Thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển

Theo bà Huỳnh Thị Diễm Ngọc, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng, trong năm 2023, dù còn nhiều khó khăn, thách thức nhưng với tinh thần đoàn kết, chủ động, quyết tâm của cả hệ thống chính trị và Nhân dân trong tỉnh, tình hình kinh tế - xã hội địa phương có nhiều chuyển biến tích cực, các chính sách an sinh xã hội, giáo dục - đào tạo, y tế… vùng đồng bào DTTS được thực hiện đầy đủ, kịp thời; các thiết chế văn hóa được quan tâm đầu tư xây dựng và phát huy hiệu quả, các lễ hội truyền thống của đồng bào DTTS được tổ chức trang trọng, vui tươi, phù hợp với phong tục tập quán, bản sắc văn hóa tốt đẹp của dân tộc…

Đến nay, tỉnh Sóc Trăng đã giải ngân được trên 260 tỷ đồng từ nguồn vốn Chương trình MTQG 1719, đầu tư cho các công trình kết cấu hạ tầng, phúc lợi xã hội, hỗ trợ đời sống cho đồng bào DTTS. Từ đó, đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế, ổn định an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội và nâng cao đời sống vật chất tinh thần cho Nhân dân.

Đặc biệt, tỉnh chủ trương tập trung đầu tư vùng đồng bào dân tộc Khmer nhằm đẩy mạnh phát triển kinh tế gắn với giải quyết tốt các vấn đề xã hội; giảm nghèo nhanh, bền vững; từng bước thu hẹp khoảng cách về mức sống, thu nhập giữa vùng đồng bào DTTS so với bình quân chung của tỉnh. Hướng tới giảm dần số xã, ấp đặc biệt khó khăn; xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội và đời sống Nhân dân.

Theo Kế hoạch, tỉnh Sóc Trăng hướng tới mục tiêu, đến năm 2025 phấn đấu thu nhập bình quân của người DTTS đạt từ 70 triệu đồng trở lên; giảm tỷ lệ hộ nghèo trong đồng bào DTTS hàng năm từ 3% - 4%; 100% xã, phường, thị trấn vùng đồng bào DTTS có đường ô tô đến trung tâm được nâng cấp nhựa hóa hoặc bê tông hóa; 90% đường giao thông khóm, ấp được cứng hóa; 99% số hộ vùng đồng bào DTTS được sử dụng điện lưới quốc gia và các nguồn điện phù hợp khác; 100% đồng bào DTTS sử dụng các dịch vụ viễn thông, tiếp cận thông tin và phương tiện nghe, nhìn; giải quyết trên 90% tình trạng thiếu đất ở, nhà ở cho hộ nghèo là đồng bào DTTS.

Nhiều mô hình sản xuất nông nghiệp hiệu quả được triển khai trong vùng đồng bào DTTS tỉnh An Giang.
Nhiều mô hình sản xuất nông nghiệp hiệu quả được triển khai trong vùng đồng bào DTTS tỉnh An Giang.

Những đổi thay, chuyển biến tích cực trong vùng đồng bào dân tộc Khmer ở An Giang, Sóc Trăng cũng như các tỉnh miền Tây Nam bộ hôm nay đã khẳng định sự quan tâm chăm lo của Đảng, Nhà nước, của các cấp chính quyền địa phương đối với sự phát triển mọi mặt của đồng bào DTTS. Đây cũng là động lực giúp đồng bào DTTS thi đua, lao động sản xuất và xây dựng đời sống văn hóa, góp phần tạo thêm các công trình, phần việc có ý nghĩa trong phong trào thi đua, mang lại sự khởi sắc cho vùng đồng bào DTTS.



Tin cùng chuyên mục
Hành trình vun đắp khối đại đoàn kết dân tộc

Hành trình vun đắp khối đại đoàn kết dân tộc

78 năm qua, từ Nha Dân tộc thiểu số đến Ủy ban Dân tộc – Cơ quan công tác dân tộc đã làm tốt sứ mệnh tham mưu, xây dựng để Nhà nước ban hành hệ thống chính sách phát triển vùng DTTS và miền núi. Việc triển khai hiệu quả chính sách dân tộc đã tạo cơ hội phát triển bình đẳng giữa các dân tộc, qua đó không ngừng củng cố niềm tin của đồng bào với Đảng, Nhà nước, tăng cường khối đại đoàn kết dân tộc.