Vợ chồng ông Đỗ Văn Hiệp và bà Lê Thị Hạnh buồn rầu khi phải nhổ số cây lạc còn lại khi chưa bị ngập. Ảnh: Ngọc ChíBuồn rầu và tiếc nuối là những gì mà vợ chồng ông Đỗ Văn Hiệp và bà Lê Thị Hạnh, thôn 2, xã Đăk Hà đang trải qua. Bởi 5 sào lạc trồng hơn 2 tháng đã cho trái bị ngập trong nước và hơn 1 ha khoai lang đang đứng trước nguy cơ bị ngập. Vợ chồng ông đang cố nhổ những cây lạc còn lại để về làm phân xanh bón cho cây cà phê.
Ông Đỗ Văn Hiệp cho biết: Gia đình tận dụng vùng đất bán ngập ở lòng hồ thủy điện Plei Krông để canh tác ít hoa màu tăng thêm thu nhập. Mọi năm thì ngày 15/8 thủy điện mới tích nước, bà con tính toán thì thời điểm đó thu hoạch xong là vừa. Năm nay do mưa sớm và thủy điện tích nước sớm nên hoa màu bị ngập úng gần hết. Số tiền đầu tư hơn 70 triệu đồng có nguy cơ mất trắng.
Ông Đỗ Văn Hiệp chất những cây lạc lên xe về làm phân xanh bón cho cây cà phê. Ảnh: Ngọc ChíTương tự, gia đình chị Trần Thị Duyên, thôn 2, xã Đăk Hà cũng tận dụng diện tích đất ở vùng bán ngập lòng hồ thủy điện Plei Krông để trồng 2 ha khoai lang và 5 sào lạc, tổng kinh phí đầu tư gần 150 triệu đồng. Hiện 5 sào lạc đã ngập do nước lòng hồ thủy điện dâng sớm hơn dự kiến.
Chị Trần Thị Duyên cho biết: 5 sào lạc coi như mất trắng vì đã ngập hết rồi, lạc mới cho trái phải tầm 15 đến 20 ngày nữa thì mới thu hoạch được. Hiện nay, 2 ha trồng khoai lang thì chưa ngập, nhưng nếu thủy điện tiếp tục tích nước thì khả năng cũng bị ngập hết. Tôi và bà con ở đây chỉ mong muốn thủy điện giãn thời gian tích nước lại tầm hơn 1 tháng nữa để hoa màu của bà con đến thời điểm thu hoạch.
Chị Trần Thị Duyên tiếc nuối khi 5 sào lạc đã bị ngập và 2 ha khoai lang đang đứng trước nguy cơ bị ngập. Ảnh: Ngọc ChíXã Đăk Hà, tỉnh Quảng Ngãi có diện tích lòng hồ thủy điện Plei Krông rộng lớn và khi thực hiện dự án thủy điện thì diện tích đất này đã được đền bù. Tuy nhiên, những năm qua, người dân ở xã Đăk Hà vẫn tận dụng diện tích đất này và tính toán thời gian thủy điện tích nước hằng năm để canh tác thêm hoa màu, nhằm tăng thêm thu nhập, nâng cao chất lượng cuộc sống.
Một số diện tích trồng khoai lang ở khu vực cao hơn cũng bị ngập. Ảnh: Ngọc Chí Ông Nguyễn Chí Túy, thôn trưởng thôn 2, xã Đăk Hà, tỉnh Quảng Ngãi cho biết: Trong thôn thì người dân tận dụng diện đất vùng bán ngập lòng hồ thủy điện để trồng lạc, khoai lang với diện tích khoảng 40 ha. Chi phí của bà con bỏ ra cũng nhiều, nhưng hiện tại nước lên nên đã bị ngập phần lớn.
“Mọi năm thì thủy điện đóng nước là tầm ngày 15/8, bây giờ nước lên sớm. Bà con buồn nhưng cũng phải chấp nhận vì đất đó là tận dụng. Bà con chỉ mong muốn tỉnh có ý kiến chỉ đạo bên công ty thủy điện xây dựng lại kế hoạch về thời gian tích nước phù hợp, tránh những thiệt hại cho bà con, giúp bà con có thêm thu nhập”, ông Nguyễn Chí Túy cho biết thêm.
Nhiều diện tích hoa màu của người dân xã Đăk Hà trồng ở vùng bán ngập lòng hồ thủy điện Plei Krông đứng trước nguy cơ mất trắng. Ảnh: Ngọc ChíHiện nay, người dân ở khu vực xã Đăk Hà tận dụng khoảng 60 ha đất ở vùng bán ngập lòng hồ thủy điện Plei Krông để canh tác hoa màu. Mong muốn lớn nhất của người dân lúc này, là thủy điện Plei Krông có sự đồng hành, chia sẻ và điều chỉnh thời gian tích nước để các loại cây trồng phát triển đến thời kỳ thu hoạch, nhằm giảm đến mức thấp nhấp những thiệt hại cho người dân. Bởi khoảng 60 ha đất trồng hoa màu này nếu không bị ảnh hưởng sẽ mang lại thu nhập tiền tỷ cho các hộ dân nơi đây.