Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Tin tức

Điều tra, đánh giá hiện trạng môi trường, đề xuất giải pháp và thực hiện mô hình cải thiện vệ sinh môi trường tại các làng nghề của đồng bào dân tộc Chăm

Việt Cường - 11:44, 06/01/2023

Ngày 5/1/2023, tại trụ sở Ủy ban Dân tộc (UBDT), Ts. Lê Sơn Hải - Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm, Chủ tịch Hội đồng Khoa học và Công nghệ của UBDT đã chủ trì buổi nghiệm thu Dự án Điều tra, đánh giá hiện trạng môi trường, đề xuất giải pháp và thực hiện mô hình cải thiện vệ sinh môi trường tại các làng nghề của đồng bào dân tộc Chăm. Tham dự phiên nghiệm thu có các thành viên Hội đồng nghiệm thu và một số nhà khoa học.SAO KHÔNG CÓ KẾT LUẬN CỦA THỨ TRƯỞNG?

Ts. Lê Sơn Hải - Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm, Chủ tịch Hội đồng Khoa học và Công nghệ của UBDT chủ trì buổi nghiệm thu Dự án
Ts. Lê Sơn Hải - Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm, Chủ tịch Hội đồng Khoa học và Công nghệ của UBDT chủ trì buổi nghiệm thu Dự án

Dự án Điều tra, đánh giá hiện trạng môi trường, đề xuất giải pháp và thực hiện mô hình cải thiện vệ sinh môi trường tại các làng nghề của đồng bào dân tộc Chăm do Ths. Phạm Chí Trung làm Chủ nhiệm, Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam là đơn vị chủ trì triển khai.

Mục tiêu của Dự án là đánh giá khái quát thực trạng môi trường tại các làng nghề đồng bào dân tộc Chăm; đề xuất các giải pháp tổng thể, kiến nghị chính sách phù hợp nhằm cải thiện vệ sinh môi trường làng nghề gốm, làng nghề dệt của người Chăm tại tỉnh Ninh Thuận, Bình Thuận và An Giang. Từ đó, thực hiện thí điểm mô hình nhằm cải thiện vệ sinh môi trường phù hợp với tập quán sinh hoạt, sản xuất của làng nghề dân tộc Chăm tại làng nghề điển hình được lựa chọn; hướng dẫn, tập huấn, chuyển giao quy trình cho đồng bào dân tộc Chăm nhằm ứng dụng và nhân rộng mô hình; xây dựng kế hoạch và bộ tài liệu tuyên truyền nâng cao nhận thức cộng đồng người Chăm tại các làng nghề về công tác bảo vệ môi trường, góp phần bảo vệ môi trường làng nghề truyền thống dân tộc, phát triển kinh tế đi đôi với gìn giữ nét đẹp truyền thống bản sắc dân tộc.

Với 1.100 phiếu điều tra, Dự án đã tiến hành điều tra KT-XH tại 6 làng nghề thuộc 5 xã của đồng bào dân tộc Chăm của 3 tỉnh Ninh Thuận, Bình Thuận và An Giang; với 3 đối tượng là cơ quan quản lý, chủ các cơ sở sản xuất và cộng đồng. Dự án đã tiến hành quan trắc chất lượng môi trường tại 5 làng nghề; đánh giá hiện trạng môi trường các làng nghề dân tộc Chăm (thu gom, xử lý chất thải, rác thải; công tác quản lý môi trường; đánh giá chất lượng môi trường); tổ chức 12 lớp tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật, tuyên truyền pháp luật bảo vệ môi trường; thực hiện 3 mô hình thí điểm bảo vệ môi trường: Mô hình sản suất sạch hơn (Làng nghề dệt Mỹ Nghiệp), mô hình xử lý chất thải rắn (Làng nghề gốm Bàu Trúc), mô hình thu gom, xử lý rác thải sinh hoạt thành phân bón hữu cơ cấp hộ gia đình (Làng nghề dệt Châu Phong).

Ths. Phạm Chí Trung (Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam) - Chủ nhiệm dự án, thay mặt nhóm nghiên cứu trình bày báo cáo tóm tắt các hoạt động và kết quả của Dự án
Ths. Phạm Chí Trung (Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam) - Chủ nhiệm dự án, thay mặt nhóm nghiên cứu trình bày báo cáo tóm tắt các hoạt động và kết quả của Dự án

Để tập huấn, nâng cao nhận thức cơ quan quản lý địa phương và cộng đồng, Dự án đã xây dựng và phổ biến tới cộng đồng 5 cuốn Sổ tay (in 2.300 cuốn phát cho cộng đồng) gồm: Sổ tay hướng dẫn kỹ thuật giải pháp tổ chức sản xuất sạch hơn đối với hoạt đồng làng nghề sản xuất gốm; Sổ tay hướng dẫn kỹ thuật giải pháp tổ chức sản xuất sạch hơn đối với hoạt đồng làng nghề sản xuất dệt; Sổ tay hướng dẫn kỹ thuật phân loại chất thải rắn làng nghề, chất thải rắn sinh hoạt, xử lý rác hữu cơ thành phân hữu cơ; Sổ tay hướng dẫn kỹ thuật xử lý phế phụ phẩm nông nghiệp, chất thải chăn nuôi thành phân hữu cơ bón cho cây trồng phù hợp với đặc điểm sản xuất nông nghiệp của đồng bào dân tộc Chăm; Sổ tay hướng dẫn kỹ thuật xử lý tái chế chất thải rắn làng nghề gốm và xây dựng Bản tin, tài liệu có dịch sang tiếng Chăm để phát trên sóng phát thanh; Áp phích, đề can dán, tài liệu tuyên truyền…

Đáng chú ý, tại mô hình Xử lý chất thải rắn tại làng nghề gốm Bàu Trúc tỉnh Ninh Thuận, Dự án đã hỗ trợ 1 máy nghiền gạch (có gắn biển tên Dự án của UBDT), 5 khuôn đóng gạch, 1 máy ép gạch và các dụng cụ hỗ trợ đóng gạch khác; thành lập nhóm nòng cốt bao gồm 5 thành viên (đại diện khu dân cư, tổ tự quản và thanh niên ưu tú), tổ chức hướng dẫn kỹ thuật, vận hành thiết bị…

Trên cơ sở phân tích hiện trạng phát triển làng nghề, hiện trạng bảo vệ môi trường làng nghề và kết quả tham vấn các bên liên quan, Dự án đề xuất một số nhóm giải pháp nhằm cải thiện môi trường làng nghề đồng bào dân tộc Chăm như: Quy hoạch, phát triển làng nghề; nâng cao nguồn nhân lực, chất lượng cán bộ quản lý người DTTS và duy trì nguồn nhân lực cho làng nghề truyền thống; nâng cao nhận thức cán bộ và cộng đồng về bảo vệ môi trường; áp dụng khoa học công nghệ, các mô hình bảo vệ môi trường hiệu quả phù hợp với địa phương; giải pháp về tài chính; giải pháp về tổ chức thực hiện…

Phát biểu ý kiến tại phiên họp, Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Lê Sơn Hải cho biết: Hiện nay, cả nước đang triển khai các Chương trình mục tiêu quốc gia, trong đó có 2 chương trình có nội dung liên quan đến duy trì và phát triển các làng nghề truyền thống, hỗ trợ sinh kế cho đồng bào. Có thể nói, nội dung trọng tâm của Dự án rất thiết thực, ngoài góc độ môi trường, còn tiếp cận đến bảo tồn văn hóa, sinh kế, phát triển KT-XH vùng đồng bào DTTS.

Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm nhấn mạnh: Dự án có tính ứng dụng rất cao, thiên về giải pháp kỹ thuật, xây dựng mô hình; đồng thời tạo sự lan tỏa, góp phần giúp chính quyền địa phương trong hoạch định chính sách, phát triển du lịch xanh, khai thác lợi thế của văn hóa dân tộc. Dự án cũng góp phần đưa ra những định hướng, khuyến cáo cho các địa phương trong xây dựng các mô hình, áp dụng hiệu quả trong triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển KT-XH vùng đồng bào DTTS và miền núi. Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Lê Sơn Hải đề nghị Ban Chủ nhiệm Dự án chuyển giao đầy đủ các kết quả trong triển khai của Dự án cho các sở, ban, ngành để tăng tính ứng dụng trong thực tiễn, tạo sự lan tỏa ra các địa phương khác.

Tại buổi nghiệp thu, các thành viên Hội đồng đánh giá Dự án được nghiệm thu ở mức “Đạt” trên cơ sở tiếp thu, hoàn thiện ý kiến góp ý, thảo luận của các thành viên Hội đồng.