Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Công tác Dân tộc

Điều tra, thu thập thông tin về thực trạng kinh tế - xã hội của 53 DTTS: Công tác tuyên truyền, vận động có ý nghĩa then chốt

Sỹ Hào - 18:47, 12/08/2024

Từ ngày 01/7 đến ngày 15/8/2024, Ủy ban Dân tộc phối hợp cùng Tổng cục Thống kê tiến hành cuộc điều tra, thu thập thông tin về thực trạng kinh tế - xã hội của 53 DTTS lần thứ III (gọi tắt là cuộc điều tra). Để cuộc điều tra đạt các mục tiêu, nhiệm vụ đề ra, việc huy động cả hệ thống chính trị và đội ngũ già làng, trưởng bản, Người có uy tín, nhân sỹ, trí thức trong đồng bào DTTS tích cực tuyên truyền, vận động đồng bào các dân tộc chủ động cung cấp thông tin có ý nghĩa then chốt.

Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Y Thông dẫn dầu Đoàn công tác của Trung ương và tỉnh Nghệ An giám sát, theo dõi quá trình điều tra, thu thập thông tin trực tiếp tại bản Chòm Muộng, xã Mậu Đức, huyện Con Cuông ngày 1/7/2024. Ảnh: Thu Trang
Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Y Thông dẫn dầu Đoàn công tác của Trung ương và tỉnh Nghệ An giám sát, theo dõi quá trình điều tra, thu thập thông tin trực tiếp tại bản Chòm Muộng, xã Mậu Đức, huyện Con Cuông ngày 1/7/2024. Ảnh: Thu Trang

Điều tra, thu thập thông tin về thực trạng kinh tế - xã hội của 53 DTTS là một trong những cuộc điều tra quan trọng của ngành Thống kê, trực tiếp liên quan đến lĩnh vực công tác dân tộc (CTDT), thực hiện chính sách dân tộc (CSDT). Kết quả của cuộc điều tra lần thứ nhất - năm 2015 và lần thứ hai – năm 2019 đã đưa ra bộ chỉ số quan trọng, làm cơ sở để hoạch định CSDT với tầm nhìn chiến lược; nổi bật trong đó là việc Quốc hội khóa XIV phê duyệt Đề án Tổng thể và Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 - 2030.

Tại Lễ ra quân được tổ chức ngày 1/7, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh đặc biệt nhấn mạnh ý nghĩa của cuộc điều tra năm 2024 đối với lĩnh vực CTDT, thực hiện CSDT. Theo đó, cuộc điều tra sẽ đưa ra các số liệu, chứng cứ tin cậy để giúp các cơ quan từ Trung ương đến địa phương vùng DTTS có được những đánh giá chính xác về kết quả thực hiện CTDT, CSDT giai đoạn 2021 - 2025, nhất là Chương trình MTQG 1719. Đồng thời, kết quả điều tra cũng là cơ sở để xây dựng Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2026 - 2030; làm cơ sở để các cấp ủy Đảng, tổ chức Đảng chuẩn bị báo cáo, các văn kiện phục vụ Đại hội Đảng các cấp nhiệm kỳ 2025 - 2030 và Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIV của Đảng.

Đối với hộ gia đình, Điều tra viên đến từng hộ để thu thập các thông tin về: nhân khẩu; giáo dục; di cư; hôn nhân; sử dụng bảo hiểm y tế; việc làm; lịch sử sinh và tình hình sử dụng biện pháp tránh thai của nữ từ 10 đến 49 tuổi và các thông tin về người chết; nhà ở và điều kiện sinh hoạt; đất ở, đất sản xuất; một số loại gia súc chủ yếu; tình hình tiếp cận dịch vụ công cộng của hộ gia đình.

Với ý nghĩa và tầm quan trọng đặc biệt đó, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Hầu A Lềnh đề nghị Ban Dân tộc tỉnh chủ trì, phối hợp với các sở, ban, ngành liên quan triển khai cuộc điều tra theo đúng tiến độ. Đồng thời mong muốn các địa phương quan tâm chỉ đạo, tạo điều kiện thuận lợi để các cơ quan chuyên môn triển khai tốt cuộc điều tra; đặc biệt là quán triệt, vận động người dân thuộc các địa bàn điều tra tham gia tích cực; các cơ quan thông tin đại chúng quan tâm đẩy mạnh việc tuyên truyền trước, trong và sau cuộc điều tra, tạo sự đồng thuận trong triển khai thực hiện.

Vì sao công tác tuyên truyền, vận động lại có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong điều tra, thu thập thông tin thực trạng kinh tế - xã hội 53 DTTS? Để trả lời câu hỏi này, trước hết phải bắt đầu từ đặc điểm của cộng đồng các DTTS ở nước ta.

Trong Quyết định số 778/QĐ-UBDT ngày 23/10/2019 của Ủy ban Dân tộc ban hành “Chương trình bồi dưỡng kiến thức dân tộc đối với cán bộ, công chức, viên chức nhóm đối tượng 3, nhóm đối tượng 4 giai đoạn 2018 - 2025” nêu rõ, các DTTS nước ta sinh sống chủ yếu ở miền núi, vùng cao, trên địa bàn rộng lớn, có vị trí chiến lược về kinh tế - xã hội và quốc phòng, an ninh; các DTTS cư trú đan xen lẫn nhau; quy mô dân số và trình độ phát triển không đồng đều.

Trong khi đó, theo ông Nguyễn Trung Tiến, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê, năm 2024, cuộc điều tra được thực hiện tại các địa bàn có số lượng người DTTS đang sinh sống chiếm từ 15% trở lên so với tổng số dân của địa bàn, thay vì 30% như 2 cuộc điều tra trước đây. Do đó, tổng số huyện được chọn mẫu điều tra đã tăng từ 437 huyện năm 2019 lên 472 huyện; trong đó nhiều huyện có toàn bộ địa bàn được chọn mẫu điều tra. Tổng số địa bàn điều tra được chọn mẫu tăng từ 14.660 địa bàn điều tra năm 2019 lên 14.928 địa bàn điều tra năm 2024.

Bên cạnh hộ gia đình thì cuộc điều tra thực hiện đối với UBND xã. Các thông tin điều tra cũng rất chi tiết, gồm: Đặc điểm của xã; sử dụng điện, đường, giao thông; trường học và trình độ giáo viên; nhà văn hóa; y tế và vệ sinh môi trường; chợ và cụm/khu công nghiệp; trình độ của cán bộ, công chức cấp xã; tôn giáo, tín ngưỡng; mức độ phủ sóng điện thoại và Internet. Đối chiếu những đặc điểm cộng đồng các DTTS với địa bàn và nội dung của cuộc điều tra để thấy được, việc tuyên truyền, vận động để người dân, các cấp chính quyền địa phương thuộc diện điều tra nắm được thông tin, chủ động, tích cực cung cấp thông tin kịp thời, chính xác cho Điều tra viên có ý nghĩa quyết định để Đảng và Nhà nước hoạch định, xây dựng chính sách đầu tư phát triển vùng đồng bào DTTS trong những năm tiếp theo.