Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Sản phẩm - Thị trường

Định vị thương hiệu "Đệ Nhất danh Trà" và định hướng phát triển du lịch bền vững

Minh Nhật - 20:16, 20/05/2025

Nhân kỷ niệm 5 năm Ngày Trà thế giới (21/5/2020 - 21/5/2025) và định hướng phát triển bền vững cho ngành Chè Việt Nam, ngày 20/5, tại Không gian Văn hóa Trà của Hợp tác xã Chè Hảo Đạt (xã Tân Cương, TP. Thái Nguyên, tỉnh Thái Nguyên), Viện Nghiên cứu các vấn đề xã hội (Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam), phối hợp với Hội Chè Thái Nguyên tổ chức diễn đàn “Thái Nguyên - Trăm năm Đệ Nhất danh Trà”.

Các đại biểu thảo luận tại diễn đàn. Ảnh: TL
Các đại biểu thảo luận tại diễn đàn

Chè Thái Nguyên, với danh hiệu “Đệ Nhất danh Trà”, không chỉ là sản phẩm nông nghiệp, mà còn là biểu tượng văn hóa, kinh tế và tinh thần của vùng đất Thái Nguyên. Từ thời nhà Nguyễn, sách “Đại Nam nhất thống chí” (1848 - 1883) đã ghi nhận chè Nam ở huyện Phú Lương có “vị ngon hơn chè các nơi khác”. Đến đầu thế kỷ XX, chè Tân Cương được người Pháp đưa vào trồng quy mô lớn, tiêu chuẩn hóa và xuất khẩu, khẳng định vị thế đặc sản với hương thơm cốm, vị chát dịu và hậu ngọt sâu lắng.

Ts. Đỗ Ngọc Văn - Viện trưởng Viện Nghiên cứu các vấn đề xã hội, cho biết: Diễn đàn “Thái Nguyên - Trăm năm Đệ Nhất danh Trà” là một sự kiện đặc biệt, nằm trong khuôn khổ hành trình “Trà Việt - Văn hóa và Di sản”, thuộc Dự án “Tôi yêu Văn hóa Du lịch Việt Nam”, do Viện Nghiên cứu các vấn đề xã hội khởi xướng. Chương trình là cầu nối giữa nghiên cứu học thuật và thực tiễn, đồng thời cũng là cơ hội quảng bá hình ảnh cây chè Thái Nguyên sau hành trình hơn 100 năm phát triển, góp phần thực hiện mục tiêu lan tỏa giá trị văn hóa truyền thống và thúc đẩy du lịch bền vững.

Trình diễn nghi thức pha và mời trà trong đời sống văn hóa người Việt. Ảnh: TL
Trình diễn nghi thức pha và mời trà trong đời sống văn hóa người Việt

Tại diễn đàn, các chuyên gia, nhà nghiên cứu, quản lý, nghệ nhân và cộng đồng yêu trà đã cùng nhau trao đổi, thảo luận và trải nghiệm về văn hóa trà trong đời sống người Việt; đưa ra định hướng phát triển du lịch và định vị thương hiệu chè; giải pháp bảo tồn di sản chè, xây dựng thương hiệu và phát triển ngành Chè bền vững… Tại Diễn đàn, người tham dự đã được chiêm ngưỡng nghệ thuật trình diễn nghi thức pha và mời trà trong đời sống văn hóa người Việt, do các "trà nương" của tỉnh Thái Nguyên thực hiện.

Diễn đàn là bước khởi đầu cho chiến lược dài hạn, nhằm nâng tầm chè Thái Nguyên trên thị trường trong nước và quốc tế, với những cam kết mà Viện Nghiên cứu các vấn đề xã hội, Hội Chè tỉnh Thái Nguyên và đại diện chính quyền tỉnh Thái Nguyên đưa ra, gồm: Hỗ trợ bảo vệ giống chè bản địa, gìn giữ nghệ thuật chế biến truyền thống và bảo vệ môi trường canh tác; ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất chè sạch, khuyến khích hợp tác xã và doanh nghiệp đổi mới sản phẩm như trà xanh, trà ô long; xây dựng các Tour trải nghiệm vùng chè Tân Cương, kết hợp với di sản văn hóa Thái Nguyên để thu hút du khách; phối hợp với các cơ quan truyền thông và đối tác quốc tế để đưa thương hiệu chè Thái Nguyên đến với thị trường lớn như châu Á, châu Âu và Bắc Mỹ.

Không gian thưởng trà, ngắm cảnh và trải nghiệm các công đoạn chế biến trà với mục tiêu lan tỏa giá trị văn hóa truyền thống và thúc đẩy du lịch bền vững. Ảnh: TL
Không gian thưởng trà, ngắm cảnh và trải nghiệm các công đoạn chế biến trà với mục tiêu lan tỏa giá trị văn hóa truyền thống và thúc đẩy du lịch bền vững

Xác định chè là sản phẩm chủ lực trong phát triển kinh tế, những năm qua, tỉnh Thái Nguyên luôn quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo phát triển ngành Chè. Đến nay, các chỉ tiêu về giá trị sản xuất chè, sản lượng chè búp tươi, diện tích chè đạt tiêu chuẩn an toàn thực phẩm đều đạt và vượt kế hoạch đề ra. 

Việc tập trung phát triển cây chè từ khâu sản xuất, chế biến, xây dựng, xúc tiến tiêu thụ chè Thái Nguyên đã đem lại những kết quả rõ rệt, sản lượng và giá trị sản phẩm liên tục tăng: Tổng diện tích chè của tỉnh đạt trên 22,2 nghìn ha; sản lượng búp tươi trên 272 nghìn tấn, toàn tỉnh có 193 sản phẩm trà được chứng nhận tiêu chuẩn OCOP từ 3 - 5 sao, trong đó có 2 sản phẩm OCOP đạt 5 sao; giá trị sản phẩm trà đạt trên 13,8 nghìn tỷ đồng năm 2024.