Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Kinh tế

“Đô thị vàng” trên quê hương người Pa Cô, Vân Kiều

K.Ngân – Thành An - 10:56, 03/05/2021

Lần đầu được đi qua dốc làng Vây trên cung đường 9 huyền thoại, tôi lại nghĩ đến mấy câu thơ trong Trường ca Hòa Bình của Ngô Kha: “Ta sẽ thấy và nhất định thấy/ Một đô thị vàng trên đồi Lao Bảo/ Một thị trấn yêu kiều qua nẻo làng Vây”. Đó là dự cảm mà nhà thơ Ngô Kha đã dành cho Hướng Hóa từ nhiều chục năm về trước, với khát vọng nơi đây sẽ hồi sinh mạnh mẽ sau chiến tranh.

Một góc thị trấn Lao Bảo, huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị.
Một góc thị trấn Lao Bảo, huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị.

Đường 9-cung đường xanh hy vọng

Chúng tôi có dịp về thăm đường 9 - Khe Sanh - Làng Vây - Tà Cơn trong những ngày đầu tháng Tư lịch sử. Đường 9 trong những trang sử hào hùng của dân tộc; trong lời kể khốc liệt, đầy mưa bom bão đạn của cha ông; và cả những ân tình, lầm lũi mở đường, tải đạn, nuôi quân của người Pa Cô, Vân Kiều vẫn hằn sâu trong tâm trí. Giờ đây, đường 9 lại mang trên mình trọng trách mới, đưa Quảng Trị và xa hơn là đất nước bước ra, giao thương với các nước khu vực.

Tôi lớn lên khi đất nước đã hoàn toàn thống nhất và bước vào thời kỳ đổi mới mạnh mẽ. Thú thật, đây cũng là lần đầu tiên được đến đường 9, trong lòng đầy háo hức. Con đường 9 huyền thoại năm xưa nay đã đổi mới. Những cánh rừng trơ trọi, đồi núi trọc lóc năm xưa, đã được phủ màu xanh trở lại bởi bạt ngàn cây cao su, cà phê, hồ tiêu và cả những cánh rừng keo dài bất tận. Rũ bỏ hố bom, vết đạn cày xé, đường 9 khoác lên mình lớp nhựa đen nhánh, phẳng lỳ.

Xuất phát từ điểm đầu (km số 0), nơi giao nhau giữa Quốc lộ 1A và đường 9 huyền thoại, “đón” chúng tôi là một trung tâm thương mại sầm uất bậc nhất ở Quảng Trị - chợ Đông Hà. Trên hành trình hướng lên Tây Bắc, chúng tôi còn bắt gặp nhiều trung tâm thương mại sầm uất khác; đấy là thị trấn Đakrông bên dòng Se Pon với cây cầu treo thơ mộng đi A Lưới (tỉnh Thừa Thiên - Huế). Ngược về hướng Tây là Khe Sanh, dường như đã trút bỏ hoàn toàn sự khốc liệt của chiến tranh, để rồi mang trên mình nét yêu kiều của thị trấn cao nguyên. Cuối tuyến là thị trấn “vàng” Lao Bảo với khu kinh tế cửa khẩu đặc biệt của cả nước.

Cựu binh Nguyễn Văn Hồng, quê Thanh Hóa mà chúng tôi gặp trong chuyến đi này cũng đã về Khe Sanh thăm lại chiến trường xưa. Và ông đã thốt lên ngạc nhiên khi bước xuống xe: Khác xa trước nhiều lắm rồi. Tôi và đồng đội không nhận ra nơi nào mình đã từng vây địch.

Thông qua đường 9, sự giao lưu, buôn bán hàng hóa giữa Nhân dân các bộ tộc Lào và Việt Nam đã góp phần làm cho chợ Phiên (Cam Lộ) hưng thịnh một thời và Đông Hà trở thành trung tâm thương mại du lịch của tỉnh. Trong thời kỳ mới, đường 9 xuyên Á đã trở thành hành lang kinh tế Đông - Tây sôi động không chỉ của Quảng Trị. Chúng tôi được biết, lãnh đạo tỉnh Quảng Trị và các địa phương có đường 9 đi qua đang củng cố, xây dựng huyện Hướng Hóa, Đakrông, Cam Lộ trở thành cụm tuyến kinh tế - quốc phòng vững chắc.

Cửa khẩu Lao Bảo.
Cửa khẩu Lao Bảo.

Thị trấn vàng

Cùng với đồng bào DTTS địa phương, những cư dân ở Do Linh, Vĩnh Linh, Triệu Phong… đã ngược rừng hội tụ về Hướng Hóa. Ngay sau khi Quảng Trị được giải phóng, họ đã cùng nhau “bổ” những nhát cuốc đầu tiên trên vô số hố bom, ụ đạn để xây dựng Khe Sanh, Lao Bảo. Sau gần 50 năm, Khe Sanh đã trở thành một thị trấn “yêu kiều” trên đỉnh Trường Sơn lộng gió. Còn Lao Bảo đã thực sự là một trị trấn “vàng” với sự sôi động của xuất, nhập khẩu như nhà thơ Ngô Kha đã dự cảm.

Thị trấn Khe Sanh, trung tâm huyện lỵ của huyện Hướng Hóa đang phát triển, đổi mới một cách mạnh mẽ. Giờ đây thị trấn Khe Sanh đã ngập tràn ánh điện, nhiều nhà cao tầng được mọc lên, người người khắp nơi đổ về làm ăn làm cho thị trấn này lúc nào cũng tấp nập, rộn rã, tươi vui.

Ngược lên phía Tây, nơi cuối cùng của tuyến đường 9 huyền thoại, Lao Bảo hiện lên là một trị trấn “Vàng” trên đỉnh Trường Sơn xanh mướt, đầy nắng gió. Bao trùm cả thị trấn là khu kinh tế của cửa khẩu quốc tế Lao Bảo - một trong 9 khu kinh tế của khẩu trọng điểm của cả nước, là cửa khẩu có cán cân xuất, nhập cảnh lớn nhất cả nước trên tuyến biên dưới Việt – Lào. Lao Bảo đã trở thành Khu kinh tế - thương mại nằm trên tuyến hành lang Đông - Tây và đang từng bước được đầu tư xây dựng để trở thành thành phố miền Tây Quảng Trị trong tương lai. Tại thời điểm hiện tại, Hướng Hóa nói chung và vùng Lao Bảo nói riêng đang được quy hoạch trở thành trung tâm năng lượng điện gió. Với 31 dự án điện gió đã được quy hoạch, trong đó đã có 13 dự án đi vào thi công. Hiện nay, đã có 2 dự án, với công suất 60MW hoạt động. Rồi đây, Lao Bảo còn trở thành cánh đồng gió thu tiền tỷ.

Nhìn lại hơn nửa thế kỷ xây dựng và phát triển, có thể khẳng định rằng: Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân Lao Bảo đã biết phát huy truyền thống từ chiều sâu văn hóa vững chắc, hòa quyện có chọn lọc tinh hoa văn hóa của đồng bào dân tộc Vân Kiều, Pa Cô nơi mảnh đất giàu truyền thống văn hóa và cách mạng, để tạo ra một diện mạo mới, là hành trang quý để hun đúc, cổ vũ sự phát triển của đô thị mới nơi biên cương, nơi điểm đầu của hành lang kinh tế Đông - Tây vào tỉnh Quảng Trị.

Ông Hồ Sỹ Đồng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị chia sẻ: “Chúng tôi đang quyết tâm làm giàu từ những tiềm năng, lợi thế sẵn có của vùng đất. Hiện nay, các chủ đầu tư đang rất khẩn trương thi công, lắp đặt thiết bị để biến gió thành tiền, làm giàu cho quê hương, góp phần biến Lao Bảo thành một thị trấn “Vàng”. 

Tin cùng chuyên mục
Kon Tum: Hội thảo Sâm Ngọc Linh - Sâm Việt Nam nhìn từ góc độ lịch sử, khoa học và thực tiễn

Kon Tum: Hội thảo Sâm Ngọc Linh - Sâm Việt Nam nhìn từ góc độ lịch sử, khoa học và thực tiễn

Ngày 10/12, tại Làng tái định cư Tu Thó, xã Tê Xăng, huyện Tu Mơ Rông (Kon Tum), UBND huyện Tu Mơ Rông phối hợp với Trung tâm Công nghệ sinh học TP. Hồ Chí Minh tổ chức Hội thảo Sâm Ngọc Linh - Sâm Việt Nam nhìn từ góc độ lịch sử, khoa học và thực tiễn.
Đọc nhiều