Tham gia Đoàn công tác có thành viên Tổ Công tác của các bộ, ngành liên quan; lãnh đạo một số Vụ, đơn vị thuộc Ủy ban Dân tộc. Về phía tỉnh Yên Bái, tham gia buổi làm việc với Đoàn, có ông Trần Huy Tuấn - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; các đồng chí lãnh đạo tỉnh; lãnh đạo các sở, ban, ngành của tỉnh; thành viên Ban Chỉ đạo (BCĐ) tỉnh.
Theo báo cáo của tỉnh Yên Bái, để triển khai hiệu quả các Chương trình MTQG, tỉnh đã kịp thời thành lập BCĐ các Chương trình MTQG giai đoạn 2021 - 2025 bảo đảm quy định. BCĐ đã ban hành Quy chế hoạt động của BCĐ. Cấp huyện, xã đã thành lập BCĐ các chương trình MTQG cấp xã.
Ngay sau khi Thủ tướng Chính phủ ban hành các quyết định về nguyên tắc, tiêu chí, định mức phân bổ vốn ngân sách trung ương và tỷ lệ vốn đối ứng của ngân sách địa phương thực hiện các Chương trình MTQG, tỉnh Yên Bái đã ban hành các Nghị quyết quy định nguyên tắc, tiêu chí, định mức phân bổ vốn ngân sách trung ương và vốn đối ứng của ngân sách địa phương thực hiện 3 Chương trình MTQG. Việc ban hành kế hoạch thực hiện các Chương trình MTQG giai đoạn 2021 - 2025 và năm 2022 bảo đảm thời gian và nội dung quy định.
Các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thị xã, thành phố căn cứ văn bản hướng dẫn, chỉ đạo của Trung ương tham mưu cho UBND tỉnh trình HĐND tỉnh ban hành các văn bản theo thẩm quyền để tổ chức triển khai thực hiện các Chương trình MTQG bảo đảm quy định, đáp ứng các mục tiêu đề ra. Một số nhiệm vụ tuy chưa ban hành văn bản hướng dẫn, quy định, nhưng trong quá trình tổ chức triển khai thực hiện kế hoạch giai đoạn 2021 - 2025 và kế hoạch năm 2022, tỉnh đã lồng ghép và huy động các nguồn vốn đầu tư bảo đảm các nguyên tắc chung đối với từng nguồn vốn để tổ chức triển khai thực hiện bảo đảm hiệu quả, thiết thực, phù hợp với điều kiện thực tiễn của tỉnh.
Về giải ngân vốn năm 2022, vốn đầu tư phát triển đã giải ngân đạt 92.766 triệu đồng/tổng kế hoạch vốn thực hiện các Chương trình MTQG (645.428 triệu đồng), bằng 14,4% (trong đó Chương trình MTQG phát triển KT-XH vùng đồng bào DTTS và miền núi: 40.905 triệu đồng/kế hoạch vốn 259.623 triệu đồng, bằng 15,7%. Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững: 5.814 triệu đồng/kế hoạch vốn 164.985 triệu đồng, bằng 3,5%. Chương trình MTQG xây dựng NTM: 46.047 triệu đồng/kế hoạch vốn 210.820 triệu đồng, bằng 21,85%).
Để bảo đảm tiến độ và phù hợp với điều kiện thực tiễn của từng địa phương trong quá trình triển khai các Chương trình MTQG, tỉnh kiến nghị Trung ương xem xét bỏ quy định bắt buộc việc thực hiện các dự án đặc thù thuộc các Chương trình MTQG, tùy thuộc vào điều kiện thực tế của các địa phương để triển khai thực hiện bảo đảm chủ động, linh hoạt và đạt hiệu quả cao trong việc triển khai thực hiện Chương trình.
Tỉnh kiến nghị các bộ, ngành liên quan tham mưu tháo gỡ khó khăn một số nội dung như: Giao chung vốn sự nghiệp thực hiện các Chương trình MTQG hằng năm, không giao theo các lĩnh vực để tạo sự chủ động, linh hoạt cho các địa phương trong việc phân bổ chi tiết và triển khai thực hiện các nhiệm vụ, dự án. Sớm ban hành Bộ tài liệu đào tạo nâng cao năng lực cho cộng đồng và cán bộ triển khai Chương trình ở các cấp. Có quy định cụ thể về định mức hỗ trợ đất ở, hỗ trợ nhà ở, hỗ trợ đất sản xuất, đầu tư công trình nước sinh hoạt tập trung, hỗ trợ, đầu tư xây dựng, cải tạo, nâng cấp, sửa chữa chợ.
Ban hành hướng dẫn, phương án tháo gỡ khó khăn vướng mắc trong quá trình thực hiện chính sách “Hỗ trợ đầu tư có thu hồi vốn cho các hộ là DTTS còn gặp nhiều khó khăn theo các hộ hoặc cộng đồng để chăn nuôi, phát triển sản xuất thông qua vay vốn tín dụng chính sách với lãi suất ưu đãi đặc biệt”. Sớm tiếp nhận khoản hỗ trợ vốn vay ODA, vay ưu đãi nước ngoài để thực hiện Chương trình MTQG DTTS và miền núi. Ban hành các tài liệu hướng dẫn quản lý, điều hành và tổ chức thực hiện từng dự án, tiểu dự án thành phần thuộc các Chương trình MTQG dưới dạng sổ tay nghiệp vụ hoặc cẩm nang hỏi đáp, trong đó quy định chi tiết, cụ thể, rõ ràng về đối tượng hỗ trợ, nội dung hỗ trợ, quy trình triển khai và kinh phí thực hiện bảo đảm dễ hiểu, dễ nắm bắt, dễ thực hiện để triển khai tại cấp cơ sở...
Tại buổi làm việc, các đại biểu địa phương đã chia sẻ, kiến nghị BCĐ Trung ương, các bộ, ngành liên quan tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện Chương trình MTQG liên quan đến các văn bản hướng dẫn, định mức, giao vốn và vướng mắc cụ thể tại từng Dự án/Tiểu dự án. Các thành viên Đoàn công tác Trung ương đánh giá cao những nỗ lực, sự chủ động của tỉnh trong triển khai thực hiện Chương trình MTQG. Các thành viên Đoàn công tác mong muốn tỉnh tiếp tục vào cuộc quyết liệt, bảo đảm hiệu quả, tiến độ các Chương trình MTQG.
Phát biểu tại buổi làm việc, Chủ tịch UBND tỉnh Yên Bái Trần Huy Tuấn gửi lời trân trọng cảm ơn Đoàn công tác Trung ương đã chọn tỉnh Yên Bái để kiểm tra, giám sát, đánh giá thực hiện các Chương trình MTQG. Chia sẻ cách làm, sự chủ động của tỉnh Yên Bái trong triển khai thực hiện các Chương trình MTQG, Chủ tịch UBND tỉnh Yên Bái Trần Huy Tuấn cho biết, nguồn lực của Trung ương triển khai các Chương trình MTQG có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, có tác động to lớn tới sự phát triển KT-XH của tỉnh, vì vậy, tỉnh sẽ triển khai quyết liệt, nâng cao tinh thần trách nhiệm đối với từng cá nhân, đơn vị; phân cấp tối đa; tăng cường kiểm tra, giám sát... bảo đảm nguồn vốn phát huy hiệu quả trong thực tiễn.
Chủ tịch UBND tỉnh Yên Bái mong muốn BCĐ Trung ương tiếp tục quan tâm, tạo điều kiện, kịp thời tháo gỡ khó khăn giúp tỉnh Yên Bái thực hiện hiệu quả các Chương trình MTQG, đảm bảo mục tiêu đề ra.
Phát biểu kết luận buổi làm việc, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh đánh giá cao những nỗ lực của tỉnh Yên Bái trong triển khai thực hiện Chương trình MTQG và cho rằng, tỉnh đã có chủ động, với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị. Tỉnh đã thường xuyên đôn đốc, kiểm tra, kịp thời tháo gỡ khó khăn trong quá trình thực hiện các Chương trình MTQG.
Với mục tiêu lớn, phạm vi, đối tượng, địa bàn triển khai rộng, trong thời gian tới, để thực hiện hiệu quả các Chương trình MTQG, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh đề nghị, tỉnh phải có quyết tâm cao, phát huy vai trò, sự tham gia, khơi dậy ý thức tự lực, tự cường của người dân; tăng cường tuyên truyền vận động, tạo đồng thuận trong Nhân đân; tăng cường kiểm tra, giám sát, bảo đảm tính dân chủ; tổng kết, chia sẻ kinh nghiệm hay, bài học quý, nhân rộng điển hình; rà soát lại toàn bộ hệ thống văn bản pháp lý, kịp thời phát hiện những vấn đề mới phát sinh trong thực tiễn; thực hiện tốt quy chế phối hợp.
Về những khó khăn, vướng mắc, kiến nghị đề xuất của tỉnh, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Hầu A Lềnh đề nghị các đơn vị chức năng tiếp thu, tổng hợp đầy đủ. Bộ trưởng, Chủ nhiệm đề nghị tỉnh Yên Bái bổ sung, nêu rõ hơn những vướng mắc, nêu quan điểm, đề xuất giải pháp thực hiện phù hợp với thực tiễn, mang lại lợi ích cho Nhân dân.
*Trước đó, trong khuôn khổ Chương trình làm việc của Đoàn công tác BCĐ Trung ương các Chương trình MTQG về kiểm tra, giám sát, đánh giá thực hiện các Chương trình MTQG, được sự ủy quyền của Bộ trưởng, Chủ nhiệm UBDT - Phó Trưởng BCĐ Trung ương các Chương trình MTQG, Đoàn công tác Trung ương do ông Hà Việt Quân - Vụ trưởng, Chánh Văn phòng Điều phối Chương trình MTQG phát triển KT-XH vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 - 2030 chủ trì đã khảo sát, làm việc với xã Đại Sơn, huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái.
Đại Sơn là xã vùng cao, đặc biệt khó khăn của huyện Văn Yên. Xã có diện tích tự nhiên 8.115,01 ha, với 870 hộ, 3.610 nhâu khẩu. Xã có 4 dân tộc cùng chung sống, gồm: Dân tộc Dao chiếm 74,7%, dân tộc Kinh chiếm 9,7%, dân tộc Tày chiếm 10,7%, dân tộc Mông chiếm 4,9%. Địa hình của xã có cấu trúc phức tạp, 70% là đồi núi cao. Thời gian qua, để triển khai thực hiện các Chương trình MTQG, xã đã thành lập BCĐ; ban hành các văn bản quản lý, điều hành, triển khai thực hiện các Chương trình MTQG.
Đối với toàn huyện Văn Yên, đến nay, huyện đã giải ngân kế hoạch vốn năm 2022, đã giao chi tiết (nguồn vốn đầu tư phát triển) được 12.408 triệu đồng/69.906 triệu đồng, đạt 18% so với kế hoạch. Ngân sách trung ương 12.408 triệu đồng/63.822 triệu đồng, đạt 19% so với kế hoạch. Ước đến ngày 31/12/2022 giải ngân đạt 95% so với kế hoạch. Đến ngày 20/1/2023 giải ngân 100% kế hoạch vốn giao.
Để các dự án đầu tư đem lại hiệu quả cao, phù hợp với tình hình thực tế và đáp ứng nhu cầu của người dân, UBND huyện đã bố trí vốn đối ứng từ ngân sách huyện năm 2022 để thực hiện các dự án. UBND huyện đã bố trí vốn đối ứng từ ngân sách huyện cho các dự án được 7.863 triệu đồng/40.003 triệu đồng, đạt 20% kế hoạch.
Tại buổi làm việc, các đại biểu Trung ương, tỉnh, huyện, xã đã cùng lắng nghe, chia sẻ, bàn giải pháp tháo gỡ những vướng mắc, khó khăn trong quá trình triển khai thực hiện các Chương trình MTQG. Đoàn công tác Trung ương đề nghị xã, huyện hoàn thiện báo cáo, đánh giá rõ ràng, cụ thể hơn công tác chỉ đạo điều hành, kết quả bước đầu triển khai các Chương trình MTQG; đề nghị xã, huyện đẩy nhanh tiến độ giải ngân các Dự án/Tiểu dự án.
Phát biểu tại buổi làm việc, ông Hà Việt Quân - Vụ trưởng, Chánh Văn phòng Điều phối Chương trình MTQG phát triển KT-XH vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 - 2030 ghi nhận, đánh giá cao những nỗ lực của xã Đại Sơn nói riêng, huyện Văn Yên nói chung trong triển khai thực hiện các Chương trình MTQG. Ông Hà Việt Quân chia sẻ, đến nay, các cơ chế, chính sách, văn bản hướng dẫn của Trung ương đã đầy đủ, đồng bộ để địa phương triển khai thực hiện. Đối với những kiến nghị của địa phương, ông Hà Việt Quân cho biết Đoàn công tác sẽ lắng nghe, tiếp thu, tham mưu cho BCĐ Trung ương kịp thời tháo gỡ khó khăn, nhằm thực hiện các Chương trình MTQG đạt hiệu quả bền vững, phù hợp với thực tiễn.