Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Sự kiện - Bình luận

Đoàn kết kỷ cương, chủ động thích ứng, an toàn hiệu quả, phục hồi phát triển

Khánh Thư - 12:00, 01/02/2022

Thông điệp của năm 2022 sẽ gói gọn trong hai chữ “Tin tưởng” – tin ở sự phục hồi, tin ở sự thích ứng linh hoạt, an toàn với dịch bệnh, tin Việt Nam sẽ tiếp tục vượt khó khăn. Và trên hết, với tinh thần “Đoàn kết, kỷ cương, chủ động thích ứng, an toàn, hiệu quả, phục hồi phát triển”, tin rằng thành tựu kinh tế - xã hội (KT-XH) năm 2022 sẽ cao hơn năm 2021.


Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước đến dự Hội nghị Chính phủ với địa phương triển khai kết luận của Trung ương và Nghị quyết của Quốc hội khóa XV về triển khai kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022, ngày 5/1/2022.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước đến dự Hội nghị Chính phủ với địa phương triển khai kết luận của Trung ương và Nghị quyết của Quốc hội khóa XV về triển khai kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022, ngày 5/1/2022.

Tích lũy kinh nghiệm ứng phó

Có lẽ, chưa có năm nào lại khiến các chuyên gia kinh tế khó đưa ra dự báo chuẩn xác về tình hình KT - XH của nước ta như năm 2021. Chính phủ bắt tay thực hiện chỉ tiêu phát triển KT - XH năm 2021 với mức tăng trưởng 2,91% của năm 2020 – mức tăng trưởng đã đưa Việt Nam trở thành điểm sáng của toàn cầu khi hầu hết các quốc gia đều tăng trưởng âm.

Do đó, dù Quốc hội quyết nghị mục tiêu tốc độ tăng tổng sản phẩm trong nước (GDP) của năm 2021 là 6%, nhưng Chính phủ quyết tâm đạt 6,5%. Niềm tin đó được xây dựng trên nền tảng là những thành tựu của nước ta sau những lần ứng phó hiệu quả với đại dịch Covid-19 trước đó.

Và rồi, quý I, chúng ta đạt mức tăng trưởng 4,72%. Dù thấp hơn kịch bản kinh tế trong Nghị quyết số 01/NQ-CP của Chính phủ, nhưng mức tăng trưởng này cũng là khả quan. Kế đó là quý II, mức tăng trưởng đạt 6,73%, một dấu hiệu phục hồi của nền kinh tế với hơn 100 triệu dân.

Nhưng đà phục hồi bị chặn đứng khi làn sóng dịch thứ tư bùng phát, với biến chủng Delta, đánh thẳng vào các trung tâm kinh tế lớn của đất nước. Kéo trong thời gian dài, xảy ra trên diện rộng, từ Bắc vào Nam, hàng loạt nhà máy phải đóng cửa, chuỗi cung ứng bị đứt gãy…. khiến tăng trưởng quý III âm 6,02%, mức tụt sâu nhất của kinh tế nước ta kể từ khi thực hiện tính GDP theo quý (năm 2000).

Nhưng ám ảnh nhất là hình ảnh từng đoàn lao động tại các khu công nghiệp, khu chế xuất lớn tìm cách hồi hương để lánh dịch. Bằng mọi phương tiện, xe máy có, đi bộ có, họ rồng rắn vượt hàng nghìn cây số để về quê. Đây có lẽ là một trong hình ảnh đại diện rõ nét nhất cho tác động của làn sóng dịch lần thứ tư trên dải đất hình chữ S trong năm 2021.

Trải qua ba quý đầu năm đầy gian khó như vậy, chúng ta đã tích lũy được nhiều kinh nghiệm quý để ứng phó với dịch bệnh. Đầu tiên là phải bảo đảm an sinh xã hội, bức thiết nhất là bảo đảm sức khỏe, tính mạng của Nhân dân; là lao động, việc làm…. Cùng với chiến dịch tiêm chủng vắc xin lớn nhất từ trước tới nay, Chính phủ đã tung ra những gói hỗ trợ người dân, doanh nghiệp. Rút kinh nghiệm trong những gói hỗ trợ đã triển khai năm 2020, lần này, việc thực thi được thực hiện khẩn trương, đúng đối tượng, với tinh thần “chống dịch như chống giặc”.

Và khi thời cơ phục hồi vừa bắt đầu, ngay đầu quý IV, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 128/NQ-CP về thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19. Cùng với các giải pháp an sinh xã hội được thực hiện hiệu quả thì Nghị quyết đã làm “hồi sinh” nền kinh tế. Kết thúc quý IV, kinh tế tăng trưởng trở lại, đạt mức 5,22%, đưa tăng trưởng cả năm đạt 2,58%. Dù thấp hơn kế hoạch đề ra, nhưng tăng trưởng kinh tế năm 2021 vẫn cao hơn năm 2020 trong bối cảnh dịch bệnh rất phức tạp.

Tổng lực phục hồi

Dù có lúc lo âu, nhưng khép lại, Việt Nam đã đi qua “cơn bão” Covid-19 của năm 2021, để bắt đầu hành trình phục hồi từ năm 2022. Quan trọng hơn, chúng ta đã tích lũy được nhiều kinh nghiệm quý trong ứng phó với dịch bệnh, bảo đảm an sinh xã hội, phục hồi và phát triển sản xuất, kinh doanh.

Đúng như Thủ tướng Chính phủ đã đúc kết nguyên nhân đạt được những kết quả này tại Hội nghị tổng kết năm 2021, triển khai kế hoạch phát triển KT - XH năm 2022 được tổ chức ngày 5/1/2022. Theo Thủ tướng, nguyên nhân cơ bản của những kết quả đạt được là chúng ta đã giữ vững đoàn kết, thống nhất, càng khó khăn, thách thức thì tinh thần đại đoàn kết toàn dân tộc càng được phát huy; bám sát, thực hiện nghiêm túc đường lối, chủ trương của Đảng, tuân thủ các nguyên tắc lãnh đạo của Đảng; sự nỗ lực, phấn đấu của cả hệ thống chính trị.

Và với tinh thần đó, Chính phủ vẫn kiên trì đặt nhiều mục tiêu cao cho năm 2022, sau khi đã dự báo được thuận lợi cũng như những khó khăn phía trước. Trong 15 chỉ tiêu của kế hoạch phát triển KT - XH năm 2022 thì chỉ tiêu số 1 là tăng trưởng GDP đạt từ 6 - 6,5%.

Liệu năm 2022 này, chúng ta có hoàn thành chỉ tiêu đã đề ra và tạo được đột phá? Chắc chắn cũng sẽ không dễ dự đoán. Chỉ biết rằng, các chuyên gia kinh tế đều chung một nhận định, bước sang năm 2022, kinh tế Việt Nam tiếp tục có những thuận lợi, cơ hội và khó khăn, thách thức đan xen, nhất là dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp, khó lường.

Và cũng biết rằng, Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương đang rất quyết tâm. Quyết tâm này thể hiện ngay trong các nhiệm vụ trọng tâm được Chính phủ xác định trong năm 2022, với chủ đề điều hành có 16 chữ: “Đoàn kết, kỷ cương, chủ động thích ứng, an toàn, hiệu quả, phục hồi phát triển”. Quyết tâm đó cũng đã được thể hiện trong Chương trình hành động của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và của các thành viên Chính phủ. Tin rằng, với quyết tâm đó, thành tựu KT - XH năm 2022 sẽ cao hơn năm 2021, tạo đà thực hiện thắng lợi mục tiêu Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng.

Trong lĩnh vực công tác dân tộc, Ủy ban Dân tộc đã nêu cao quyết tâm ngay từ đầu năm, thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ năm 2022 đã đăng ký trong Chương trình công tác của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. Cùng với nhiệm vụ chủ trì, thực hiện có hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 – 2030; giai đoạn I: 2021 – 2025, Ủy ban Dân tộc quyết tâm hoàn thành những nhiệm vụ mang tính đột phá cho lĩnh vực công tác dân tộc trong giai đoạn mới, như: Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Chương trình hành động thực hiện Chiến lược công tác dân tộc giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045; Đề án sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 05/2011/NĐ-CP ngày 14/1/2011 của Chính phủ về công tác dân tộc; Đề án Lễ tuyên dương Người có uy tín, nhân sĩ trí thức và doanh nhân tiêu biểu DTTS toàn quốc lần thứ II - năm 2023…