Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Thời sự

Đoàn kết, phát huy nội lực, đưa Đăk Nông hội nhập, phát triển

SỸ HÀO - 09:54, 14/10/2019

Những năm qua, việc thực hiện có hiệu quả các chương trình, chính sách của Trung ương và chính sách đặc thù của địa phương đã tạo điều kiện thúc đẩy phát triển sản xuất, xóa đói giảm nghèo, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho đồng bào các DTTS trên địa bàn tỉnh Đăk Nông. Chào mừng Đại hội Đại biểu các DTTS tỉnh Đăk Nông lần thứ III - năm 2019, Báo Dân tộc và Phát triển đã phỏng vấn ông Lê Diễn, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Đăk Nông xung quanh nội dung này.

Bí thư Tỉnh ủy Lê Diễn (ngoài cùng bên phải) thăm khu sản xuất rau thủy canh của Khu Nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tỉnh Đăk Nông. (Ảnh tư liệu)
Bí thư Tỉnh ủy Lê Diễn (ngoài cùng bên phải) thăm khu sản xuất rau thủy canh của Khu Nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tỉnh Đăk Nông. (Ảnh tư liệu)

Thưa ông, trong quá trình thực hiện công tác dân tộc và chính sách dân tộc, quan điểm chỉ đạo xuyên suốt của tỉnh Đăk Nông là gì?

Quán triệt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về lĩnh vực công tác dân tộc, thực hiện chính sách dân tộc, những năm qua, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh đã ban hành nhiều chương trình, nghị quyết, kế hoạch cụ thể với những mục tiêu, bước đi phù hợp thực tiễn của địa phương. Mục tiêu của tỉnh là ưu tiên đẩy mạnh giảm nghèo vùng DTTS, rút ngắn khoảng cách phát triển giữa các dân tộc; giảm dần vùng đặc biệt khó khăn để đưa Đăk Nông phát triển toàn diện.

Tỉnh xác định, tăng trưởng kinh tế phải gắn với bảo đảm công bằng xã hội, đoàn kết dân tộc, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa truyền thống các DTTS. Do đó, trong quá trình thực hiện công tác dân tộc, chính sách dân tộc, các cấp ủy đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội thường xuyên tăng cường công tác kiểm tra, giám sát. Đồng thời, định kỳ tổ chức sơ kết, tổng kết nhằm phát huy kết quả đạt được, khắc phục những tồn tại, hạn chế và đề ra các giải pháp triển khai thực hiện đạt hiệu quả.

Thời gian qua, Đăk Nông đã có những đổi mới nội dung phương thức công tác dân tộc, thực hiện chính sách dân tộc để giảm nghèo nhanh, bền vững vùng đồng bào DTTS. Ông có thể chia sẻ thêm về vấn đề này?

Đăk Nông có cơ cấu thành phần dân tộc đa dạng, với 40 dân tộc anh em cùng sinh sống; trong đó đồng bào M’nông, Mạ, Ê-đê là 3 DTTS tại chỗ. So với đồng bào các DTTS khác trên địa bàn, đồng bào DTTS tại chỗ còn nhiều khó khăn hơn, thoát nghèo chậm hơn.

Trong quá trình thực hiện công tác dân tộc, bên cạnh các chương trình, chính sách của Trung ương, tỉnh đã ban hành những chính sách đặc thù của địa phương, nhất là các chính sách về giảm nghèo. Đối với đồng bào DTTS tại chỗ, tỉnh có hai chính sách đặc thù, gồm: Chính sách hỗ trợ lãi suất vay vốn để cải thiện nhà ở, xây dựng nhà tiêu hợp vệ sinh, phát triển sản xuất và chính sách hỗ trợ học sinh, sinh viên DTTS thuộc diện hộ nghèo, cận nghèo. Hai chính sách đặc thù trên nhằm giúp đồng bào DTTS tại chỗ “bắt kịp” đồng bào các DTTS khác trên địa bàn tỉnh.

Tỉnh cũng đã ban hành Đề án giảm nghèo theo địa chỉ giai đoạn 2018 - 2020. Đây có thể xem là nét mới trong giảm nghèo vùng đồng bào DTTS, vì công tác giảm nghèo sẽ được triển khai cụ thể đến từng đối tượng, địa bàn, phạm vi và lộ trình giảm nghèo từng năm; đồng thời, gắn trách nhiệm của các cấp, ngành trong thực hiện chính sách giảm nghèo.

Việc thực hiện hiệu quả chính sách dân tộc đã góp phần quan trọng thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, giữ gìn an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, bảo đảm an sinh trên địa bàn tỉnh Đăk Nông. Ông có thể cho biết một số kết quả cụ thể?

Những thành tựu trong lĩnh vực công tác dân tộc góp phần quan trọng vào những kết quả đáng ghi nhận của tỉnh trong phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH). Sau 15 năm thành lập (2004 - 2019), từ một tỉnh miền núi có điều kiện KT-XH rất khó khăn, đến nay, Đăk Nông đã chuyển mình trở thành địa phương có tốc độ tăng trưởng mạnh mẽ, diện mạo chung toàn tỉnh đã thay đổi cơ bản.

Giai đoạn 2016 - 2018, tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt 8,11%. Hết năm 2018, thu nhập bình quân đầu người đạt 45,5 triệu đồng/người/năm, riêng khu vực nông thôn đạt 29,98 triệu đồng/người/năm; tỷ lệ hộ nghèo chung của tỉnh giảm xuống còn 13,51%. Trong xây dựng nông thôn mới, đến hết tháng 6/2019, toàn tỉnh có 16 xã đạt chuẩn, bình quân mỗi xã đạt 13,16 tiêu chí...

Hệ thống chính trị ở cơ sở tiếp tục được xây dựng, củng cố; dân chủ được phát huy; quốc phòng, an ninh được giữ vững; khối đại đoàn kết toàn dân được tăng cường. Công tác bảo tồn và phát huy văn hóa truyền thống của các dân tộc đạt được nhiều kết quả, nhất là văn hóa cồng chiêng. Nhiều lễ hội văn hóa đặc sắc của đồng bào, ngày hội văn hóa thể thao các DTTS được duy trì, tổ chức hằng năm ở khắp các địa phương đã trở thành nơi giao lưu, gặp gỡ, thắt chặt tình đoàn kết giữa đồng bào các dân tộc trong tỉnh.

Những kinh nghiệm được lãnh đạo tỉnh đúc rút trong quá trình thực hiện công tác dân tộc, chính sách dân tộc là gì, thưa ông?

Qua quá trình thực hiện công tác dân tộc và chính sách dân tộc, có thể khẳng định, hiệu quả đầu tư của các chương trình, chính sách đã góp phần quan trọng nâng cao đời sống vật chất lẫn tinh thần của đồng bào các DTTS, diện mạo nông thôn miền núi của tỉnh ngày càng khởi sắc. Đồng bào các DTTS luôn tin tưởng tuyệt đối vào sự lãnh đạo của Đảng, luôn sát cánh cùng cấp ủy đảng, chính quyền các cấp, chung sức, chung lòng xây dựng khối đại đoàn kết dân tộc, xây dựng gia đình ấm no, hạnh phúc, góp phần vào sự phát triển chung của tỉnh.

Từ thực tiễn đó, tỉnh xác định, công tác dân tộc và thực hiện chính sách dân tộc phải luôn được xem là nhiệm vụ và trách nhiệm thường xuyên của cả hệ thống chính trị và các tầng lớp Nhân dân. Đặc biệt quan trọng là, để các chương trình phát triển KT-XH trong vùng đồng bào DTTS đạt hiệu quả cao nhất thì cần được ưu tiên nguồn lực để xây dựng, thực hiện. Thông qua đó, đồng bào các DTTS có thêm điều kiện, cơ hội phát huy nội lực để khai thác tiềm năng, thế mạnh, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần, bảo đảm phát triển bền vững.