Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Sự kiện - Bình luận

Đoàn kết toàn dân tộc để thực hiện khát vọng phát triển đất nước: Phát huy vai trò nòng cốt của Mặt trận (Bài cuối)

Hoài Lê - 02:34, 16/07/2024

Trên hành trình hiện thức hóa khát vọng phát triển đất nước, Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) Việt Nam các cấp có vai trò đặc biệt quan trọng để khơi dậy tinh thần yêu nước, phát huy truyền thống đoàn kết, kết hợp với sức mạnh của thời đại. Trong bối cảnh mới, MTTQ Việt Nam các cấp cũng đang nỗ lực đổi mới mạnh mẽ nội dung, phương thức hoạt động để phát huy vai trò “nhạc trưởng” trong việc củng cố, tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc.

Đoàn kết toàn dân tộc để thực hiện khát vọng phát triển đất nước: Phát huy vai trò nóng cốt của Mặt trận (Bài cuối)
Theo báo cáo tổng kết 20 năm thực hiện Nghị quyết số 04/NQ-ĐCT-MTTW ngày 01/8/2003 của Đoàn Chủ tịch Uỷ ban Trung ương MTTQ Việt Nam về việc tổ chức “Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc”, giai đoạn 2003 – 2023 đã có 731 lượt các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các Bộ, ngành, cơ quan Trung ương tham dự Ngày hội tại hơn 1.650 khu dân cư thuộc 63/63 tỉnh, thành phố. (Trong ảnh: Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính dự Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc liên khu dân cư các bản thuộc xã Sà Dề Phìn, huyện Sìn Hồ, tỉnh Lai Châu ngày 18/11/2023 - Ảnh: chinhphu.vn)

Vai trò “nhạc trưởng”

Từ tháng 4/2024 đến nay, thực hiện Đề án 11/ĐA-MTTQ-ĐCT ngày 23/6/2023 của Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, các địa phương trên cả nước đã và đang tổ chức Đại hội đại biểu MTTQ Việt Nam cấp xã, cấp huyện, cấp tỉnh nhiệm kỳ 2024 – 2029. Gần đây nhất, ngày 14/7/2024, Đại hội đại biểu MTTQ Việt Nam tỉnh Thanh Hóa lần thứ XV, nhiệm kỳ 2024 – 2029 đã được tổ chức thành công.

Phát biểu chỉ đạo tại Đại hội đại biểu MTTQ Việt Nam tỉnh Thanh Hóa, ông Đỗ Văn Chiến, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam mong muốn, trong nhiệm kỳ tới, MTTQ Việt Nam tỉnh Thanh Hóa sẽ làm tốt hơn nữa vai trò nòng cốt chính trị trong xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa.

Giai đoạn 2003- 2023, trung bình hằng năm có trên 87% số khu dân cư trên địa bàn cả nước tổ chức Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc do Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam tổ chức. Ngày hội là hoạt động thiết thực, có hiệu quả và đã hiệu triệu, thu hút được sự tham gia tự nguyện, rộng rãi, đông đảo các tầng lớp Nhân dân; phát huy được quyền làm chủ của Nhân dân với vai trò nòng cốt chính trị của Mặt trận trong xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc.

“Cái gì khó nói, không nói được với ai thì chúng ta nói với MTTQ Việt Nam”, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Đỗ Văn Chiến chia sẻ; đồng thời kỳ vọng MTTQ Việt Nam tỉnh Thanh Hóa thật sự là địa chỉ tin cậy, là mái nhà chung đoàn kết, đồng thuận của các tầng lớp Nhân dân trong tỉnh.

Chia sẻ của Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Đỗ Văn Chiến tại Đại hội Đại biểu MTTQ tỉnh Thanh Hóa nhiệm kỳ 2024-2029 đã khái quát lên vai trò của MTTQ Việt Nam các cấp; nhất là vai trò góp ý, giám sát, phản biện xã hội, từ đó tạo đồng thuận, tập hợp đại đoàn kết toàn dân tộc.

Gần một thế kỷ qua, dưới sự lãnh đạo của Đảng, MTTQ Việt Nam (tiền thân là Mặt trận Dân tộc Thống nhất Việt Nam) đã phát huy vai trò nòng cốt chính trị, cùng với các tổ chức chính trị - xã hội khác đã tập hợp, khơi dậy tinh thần yêu nước, phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc, kết hợp với sức mạnh của thời đại để kiến thiết đất nước.

Vai trò “nhạc trưởng” của MTTQ Việt Nam các cấp trong việc phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết hiện diện ở tất cả các phong trào thi đua yêu nước. Từ “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới”, “Cả nước chung tay vì người nghèo - không để ai bị bỏ lại phía sau” đến các phong trào: “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc”, “Toàn dân tham gia bảo vệ môi trường”...; rồi quyên góp ủng hộ đồng bào bị ảnh hưởng lũ lụt, sạt lở đất, phòng chống dịch COVID-19,... đều có mặt của những người làm công tác Mặt trận; tất cả hợp thành một sức mạnh to lớn.

Khẳng định vai trò, đồng thời để MTTQ Việt Nam làm tốt hơn nữa nhiệm vụ tập hợp đại đoàn kết toàn dân tộc, ngày 07/02/2023, Bộ Chính trị đã ban hành Quy định số 97-QĐ/TW, nâng tầm Đảng đoàn MTTQ Việt Nam từ trực thuộc Ban Bí thư lên trực thuộc Bộ Chính trị. Như vậy, ở Trung ương hiện có Đảng đoàn Quốc hội, Ban Cán sự Đảng Chính phủ và Đảng đoàn MTTQ Việt Nam trực thuộc Bộ Chính trị.

Đổi mới cách nghĩ, cách làm

Tại Đại hội lần thứ XIII, Đảng ta đã đề ra những dấu mốc quan trọng trên hành trình phát triển của đất nước. Trong đó, phấn đấu đến năm 2025 là nước đang phát triển, có công nghiệp theo hướng hiện đại, vượt qua thu nhập trung bình thấp; đến năm 2030 là nước đang phát triển, có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao; đến năm 2045 trở thành nước phát triển, thu nhập cao.

Đến hết năm 2023, theo báo cáo của Chính phủ tại Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV (ngày 20/5/2024), Việt Nam đã bước vào nhóm các nước có thu nhập trung bình cao. Tuy nhiên, theo TS. Phạm Tất Thắng, Phó trưởng ban Thường trực Ban Dân vận Trung ương, hiện nay thời cơ thuận lợi đan xen với khó khăn, thách thức; thậm chí, khó khăn còn nhiều hơn. Do đó cần phải phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc để vượt thách thức, đón thời cơ.

Đoàn kết toàn dân tộc để thực hiện khát vọng phát triển đất nước: Phát huy vai trò nóng cốt của Mặt trận (Bài cuối) 1
Để tiếp tục tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc, MTTQ Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội phải hoạt động hướng về cơ sở, phải nắm bắt tâm tư, tình cảm, nguyện vọng của Nhân dân, nói lên tiếng nói của Nhân dân một cách kịp thời để phát huy tốt nhất sức mạnh của Nhân dân. (Trong ảnh: Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Đỗ Văn Chiến thăm quan các gian hàng trưng bày tại Đại hội đại biểu MTTQ Việt Nam tỉnh Thanh Hóa ngày 14/7/2024)

Một trong những sự kiện nổi bật của những người làm công tác Mặt trận nói riêng, của cả hệ thống chính trị nói chung trong năm 2023, là Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII đã ban hành Nghị quyết số 43-NQ/TW, ngày 24/11/2023 về “Tiếp tục phát huy truyền thống, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, xây dựng đất nước ta ngày càng phồn vinh, hạnh phúc”, tại Hội nghị lần thứ Tám.

“MTTQ Việt Nam không có hội viên, không có đoàn viên, chúng ta chỉ có thành viên. Do vậy, hoạt động ở địa bàn khu dân cư là quan trọng nhất, đối tượng vận động là toàn dân, tính chất toàn diện; làm sao để Nhân dân ủng hộ việc tốt và phê phán việc xấu”.
Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Đỗ Văn Chiến
Phát biểu tại Đại hội đại biểu MTTQ Việt Nam tỉnh Thanh Hóa nhiệm kỳ 2024 – 2029, ngày 14/7/2024.

Trong Nghị quyết số 43-NQ/TW, Ban Chấp hành Trung ương xác định: “Lấy mục tiêu xây dựng nước Việt Nam phồn vinh, hạnh phúc; trở thành nước phát triển, có thu nhập cao vào năm 2045 làm điểm tương đồng để động viên, cổ vũ Nhân dân đồng lòng, chung sức thực hiện vì tương lai của dân tộc, hạnh phúc của Nhân dân".

Theo TS. Phạm Tất Thắng, Phó trưởng ban Thường trực Ban Dân vận Trung ương, để đạt mục tiêu này, thì cần phải khẩn trương, nghiêm túc xây dựng, triển khai thực hiện đồng bộ, hiệu quả các chủ trương, chính sách, tiếp tục phát huy truyền thống đại đoàn kết toàn dân tộc trong thời kỳ phát triển mới. 

Đồng thời bổ sung, hoàn thiện luật pháp, chính sách sát hợp với tình hình mới để phát huy tốt hơn nữa sức mạnh của tất cả các tầng lớp Nhân dân, khơi dậy ý chí và khát vọng phát triển của toàn dân tộc.

Những vấn đề nêu trên đã được làm rõ cụ thể, chi tiết trong Nghị quyết số 43-NQ/TW, ngày 24/11/2023. Đặc biệt, Nghị quyết đã đưa ra những yêu cầu cụ thể để đổi mới nội dung, phương thức hoạt động của MTTQ Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội; đẩy mạnh công tác vận động quần chúng, huy động mọi nguồn lực cho phát triển đất nước.

Theo TS. Vũ Văn Tiến, Trưởng ban Tuyên giáo - Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, các tầng lớp Nhân dân là nòng cốt của khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Do đó, Nghị quyết số 43-NQ/TW chỉ rõ, MTQT Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội phải hoạt động hướng về cơ sở, phải nắm bắt tâm tư, tình cảm, nguyện vọng của Nhân dân, nói lên tiếng nói của Nhân dân một cách kịp thời để phát huy tốt nhất sức mạnh của Nhân dân.

Đây cũng là yêu cầu được Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Đỗ Văn Chiến nhấn mạnh tại Đại hội đại biểu MTTQ Việt Nam tỉnh Thanh Hóa nhiệm kỳ 2024 - 2029 được tổ chức ngày 14/7 vừa qua. 

Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Đỗ Văn Chiến đề nghị, MTTQ tiếp tục đổi mới cách nghĩ, cách làm, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, thích ứng với xã hội số để tuyên truyền, vận động Nhân dân theo hướng toàn dân, toàn diện, có trọng tâm, trọng điểm, sát với thực tiễn ở cơ sở; nâng cao chất lượng, hiệu quả thực chất các cuộc vận động, các phong trào thi đua yêu nước, với phương châm: Nghĩ thật, nói thật, làm thật, kết quả thật và Nhân dân được hưởng lợi thật.

“Muốn đổi mới cách nghĩ, cách làm, muốn nâng cao kết quả và chất lượng công việc... thì cán bộ là nhân tố quyết định. Do vậy, nhiệm kỳ này, chúng ta phải cùng nhau đẩy mạnh công tác đào tạo, bồi dưỡng, rèn luyện đội ngũ cán bộ công tác Mặt trận, với phương châm: Tận tụy để dân mến/Trách nhiệm để dân thương/Kỷ cương để dân trọng/Năng động để dân được nhờ”, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Đỗ Văn Chiến khẳng định./.

Tin cùng chuyên mục
Cập nhật dữ liệu thực trạng kinh tế - xã hội sau thiên tai để tránh sai số: Quỹ đất tiếp tục bị thu hẹp (Bài 2)

Cập nhật dữ liệu thực trạng kinh tế - xã hội sau thiên tai để tránh sai số: Quỹ đất tiếp tục bị thu hẹp (Bài 2)

Ảnh hưởng của bão số 3 và mưa lũ đã khiến qũy đất (đất ở, đất sản xuất) ở nhiều địa phương khu vực miền núi phía Bắc tiếp tục bị thu hẹp do sạt lở, bồi lấp. Dữ liệu về quỹ đất đã bố trí cho người dân được thu thập cách đây hơn một tháng nay không còn chính xác, cần thiết được cập nhật để thực hiện hiệu quả chính sách hỗ trợ đất ở, đất sản xuất cho đồng bào DTTS.