Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Pháp luật

Đoàn Kinh tế - Quốc phòng 356 (Lai Châu): Giúp dân phát triển kinh tế

PV - 16:58, 29/03/2019

Trên dọc dải biên cương thuộc địa bàn 8 xã biên giới của huyện Phong Thổ (Lai Châu), bàn chân của những người lính thuộc Đoàn Kinh tế-Quốc phòng 356 (gọi tắt là Đoàn 356) đã in dấu ở tất cả những địa bàn xa xôi, hẻo lánh nhất. Vừa thực hiện nhiệm vụ quốc phòng, vừa làm nhiệm vụ phát triển kinh tế, Đoàn 356 đã có nhiều đóng góp trong việc nâng cao đời sống cho đồng bào các dân tộc trên địa bàn.

 Đoàn 356 Cán bộ Đoàn 356 hướng dẫn người dân trồng lúa nước.

Vàng Ma Chải, Pa Vây Sử,… là hai trong 8 xã biên giới của huyện Phong Thổ. Ngoài điều kiện kinh tế-xã hội ĐBKK thì những địa phương này từng một thời nóng bỏng các loại tệ nạn liên quan đến ma túy; ngoài ra còn có nhiều hủ tục lạc hậu khiến đời sống của bà con vốn đã nghèo càng thêm khó khăn.

Theo ông Lý Phủ Hành, Chủ tịch UBND xã Vàng Ma Chải, xã thuộc diện ĐBKK, trước đây toàn bộ các hộ gia đình đều thuộc diện hộ nghèo. Đặc biệt, trong đời sống của đồng bào còn tồn tại nhiều hủ tục lạc hậu, phần lớn trẻ em đến tuổi đi học đều không được đến trường…

Năm 2008, một luồng gió mới đã thổi về các xã biên giới của huyện Phong Thổ, khi Đoàn 356 được Bộ Quốc phòng thành lập. Đoàn 356 thực hiện nhiệm vụ giúp dân xóa đói giảm nghèo, bài trừ tệ nạn, ổn định cuộc sống, đồng thời trực tiếp triển khai các dự án xây dựng cơ sở hạ tầng, tạo nền tảng cho các địa phương phát triển kinh tế-xã hội.

Chỉ tính riêng trong lĩnh vực xây dựng cơ sở hạ tầng, trong 10 năm (2008-2018), Đoàn 356 đã thực hiện 22 dự án với tổng vốn đầu tư 148,320 tỷ đồng. Các hạng mục bàn giao cho địa phương được đưa vào sử dụng, tạo điều kiện thuận lợi cho đồng bào các dân tộc trên địa bàn 8 xã biên giới phát triển kinh tế, đẩy nhanh tiến độ xóa đói giảm nghèo.

Theo thống kê của Đoàn 356, tại thời điểm năm 2008, tỷ lệ hộ nghèo bình quân chung của 8 xã là gần 100%. Đến nay, tỷ lệ này đã giảm còn 49%. Dù đây vẫn là con số còn cao, nhưng đó là một sự nỗ lực rất lớn của cấp ủy, chính quyền địa phương, sự nỗ lực của người dân và hiệu quả của các dự án kinh tế do Đoàn 356 đảm nhận thực hiện.

Nhưng điều mà bà con dân bản tâm đắc nhất vẫn là việc cán bộ, chiến sĩ Đoàn 356 đã có nhiều mô hình mới, cách làm hay để giúp đỡ, hỗ trợ bà con phát triển kinh tế.

Như ở bản Hoang Thèn, xã Vàng Ma Chải. Trước năm 2008, bà con ở bản chỉ trồng lúa nương, sản lượng không được bao nhiêu. Đoàn 356 thí điểm mô hình trồng lúa nước trên diện tích 9,9ha. Nhưng để vận động bà con chuyển sang trồng lúa nước là rất gian nan, thậm chí Đoàn 356 còn phải cam kết “nếu mất mùa, đơn vị sẽ chịu trách nhiệm chu cấp cái ăn cho cả bản”.

Vụ mùa đầu tiên thất bại do khi lúa bén rễ thì gặp nạn ốc bươu vàng, toàn bộ 9,9ha lúa mất trắng. Thực hiện cam kết, Đoàn 356 tiếp tục vận động bà con trồng mới. Đất không phụ công người, vụ mùa thứ hai, bản Hoang Thèn thu hoạch lúa với sản lượng cao chưa từng có.

Ông Lý A Gì, Trưởng bản Hoang Thèn cho biết: “Đã được 2 năm kể từ khi cán bộ Đoàn 356 hướng dẫn bà con trồng lúa nước, đến nay mỗi năm có 2 vụ lúa, bây giờ nhờ bộ đội chỉ dạy cách làm ăn mà dân không còn sợ đói nữa”.

Không chỉ dừng lại ở việc hướng dẫn người dân trồng lúa nước, cán bộ, chiến sĩ Đoàn 356 còn triển khai mô hình nuôi cá hồi, cá tầm, nuôi dê,… Gia đình ông Giàng A Dùy, ở xã Mù Sang được hướng dẫn cách nuôi dê nên đàn dê của gia đình ông ngày một phát triển, bây giờ gia đình ông không còn khó khăn như trước nữa.

Theo Thượng tá Nguyễn Văn Cường, Đoàn trưởng Đoàn 356, ngoài việc xây dựng mô hình ở các thôn bản thì Đoàn 356 cũng chú trọng xây dựng những mô hình kinh tế hiệu quả tại đơn vị để bà con đến học tập. Hiện, Đoàn có vườn rau rộng hơn 3.000m2, 2 mô hình tăng gia chăn nuôi tập trung, với 150 con gia súc, 340 con gia cầm, 1.555m2 ao cá.

“Cái được lớn nhất của đơn vị là tạo được cách làm mới cho Nhân dân. Từ những mô hình điểm của Đoàn 356 được bà con học tập, nhân rộng nên kinh tế của nhiều gia đình đã phát triển, vươn lên thoát nghèo”, Thượng tá Nguyễn Văn Cường nói.

HOÀI DƯƠNG

Tin cùng chuyên mục
Thủ phủ cà phê mùa... "canh trộm"!

Thủ phủ cà phê mùa... "canh trộm"!

Vào mùa thu hoạch cà phê với giá cà phê đang ở mức cao kỷ lục, người trồng cà phê Tây Nguyên vui mừng khôn xiết, song họ cũng đang mất ngủ tìm đủ mọi giải pháp “canh trộm”, bảo vệ thành quả lao động của mình. Đồng hành với nông dân, chính quyền, lực lượng Công an, dân phòng cũng có nhiều cách làm giúp nông dân bảo vệ nông sản, góp phần bảo đảm an ninh trật tự tại cơ sở.