Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Pháp luật

Doanh nghiệp ngang nhiên lấp sông, lấn chiếm hành lang đê điều

Tuấn Trình - 15:58, 05/07/2021

Buông lỏng quản lý, để doanh nghiệp ngang nhiên san lấp hàng nghìn mét vuông mặt sông Công – sông Cầu và phá hàng trăm mét kênh mương nội đồng. Đặc biệt nghiêm trọng hơn khi chính quyền “làm ngơ” cho doanh nghiệp lấn chiến hành lang đê điều khiến người dân tại địa phương vô cùng bức xúc. Đó là sự việc đã và đang diễn ra tại xã Trung Giã, huyện Sóc Sơn, TP. Hà Nội.

Khu vực tập kết vật liệu xây dựng, làm trạm trộn bê tông trái phép trên đất nông nghiệp rộng khoảng 5 ha, tại thôn An Lạc.
Khu vực tập kết vật liệu xây dựng, làm trạm trộn bê tông trái phép trên đất nông nghiệp rộng khoảng 5 ha, tại thôn An Lạc.

Doanh nghiệp “người nhà”?

Vừa qua, phóng viên Báo Dân tộc và Phát triển nhận được thông tin phản ánh của người dân xã Trung Giã, huyện Sóc Sơn, TP. Hà Nội về việc, chính quyền địa phương buông lỏng quản lý để hai doanh nghiệp lấn chiếm đất nông nghiệp; tổ chức lấp sông mở rộng bến bãi ngang nhiên hoạt động trên địa bàn.

Hai doanh nghiệp đó là: Công ty Thăng Long và Công ty Phong Sơn, hai công ty sở hữu 2 trạm trộn bê tông tươi xây dựng trái phép trên diện tích gần chục ha đất nông nghiệp ở thôn Hòa Bình và thôn An Lạc, xã Trung Giã. Trong đó, Công ty Thăng Long được xây dựng bến bãi tập kết than, quặng, vật liệu xây dựng, làm trạm trộn bê tông tươi trái phép trên diện tích gần 5 ha đất trồng lúa tại cánh đồng Soi Phủ, thôn An Lạc, xã Trung Giã.

Theo người dân phản ánh, hai công ty này thường “thâu tóm” các dự án của huyện Sóc Sơn theo hình thức đấu thầu, cung cấp bê tông tươi, cống và các vật liệu xây dựng khác cho các công trình sử dụng vốn nhà nước trên địa bàn huyện Sóc Sơn. “Vì là Công ty của người nhà lãnh đạo UBND huyện Sóc Sơn thì đấu đâu chẳng thắng” - một người dân phản ánh.

Không chỉ được “ưu ái” tạo thuận lợi trong phát triển kinh tế, mà mới đây, Công ty Thăng Long còn ngang nhiên đóng cọc tre xuống sông, rồi đổ đất thải san lấp hàng nghìn mét vuông lòng sông nhằm mở rộng bến bãi tập kết vật liệu và làm cảng tại khu vực ngã ba sông Công – sông Cầu. 

 Công ty Phong Sơn cũng không kém cạnh, khi lấn chiếm được gần 2ha đất công tại Xứ đồng Múc Bé, thôn Hòa Bình, xã Trung Giã, và tiếp tục san lấp hàng chục mét kênh mương nội đồng để làm đường đi. Hơn thế, Công ty Phong Sơn còn đổ hàng trăm mét khối vật liệu xây dựng xuống kênh mương này để làm bến bãi tập kết cát, sỏi, Clinker, than, lọc quặng và làm trạm trộn bê tông tươi.

Ông Đàm Văn Bình, Trưởng thôn An Lạc, xã Trung Giã cho biết: “Nhiều năm qua, công ty hoạt động trái phép trên đất nông nghiệp của người dân, từ khi công ty hoạt động đến nay cũng không trao đổi gì với thôn. Thôn và người dân chúng tôi không hề bán đất, việc sản xuất của công ty gây bụi bẩn và ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, người dân trong thôn và các xã lân cận đã kiến nghị nhiều nhưng đều bị làm ngơ. Vì 2 công ty này là người nhà của gia đình ông Ngọc, Phó Chủ tịch huyện Sóc Sơn. Trong đó, có lãnh đạo UBND xã Trung Giã cũng có cổ phần tại công ty trên”.

Doanh nghiệp đổ vật liệu xây dựng xuống kênh mương để làm bến bãi tập kết cát, sỏi, Clinker, than, lọc quặng và làm trạm trộn bê tông tươi.
Doanh nghiệp đổ vật liệu xây dựng xuống kênh mương để làm bến bãi tập kết cát, sỏi, Clinker, than, lọc quặng và làm trạm trộn bê tông tươi.

Đã bị thanh tra!

Để làm rõ sự việc, ngày 10/6/2021, phóng viên Báo Dân tộc và Phát triển đã làm việc với UBND huyện Sóc Sơn và lãnh đạo UBND xã Trung Giã về những phản ánh của người dân, và trực tiếp có mặt tại hiện trường. Tại nơi xây dựng 2 trạm trộn bê tông tươi trái phép, đúng như người dân phản ánh, mặc dù quy mô hoạt động rất lớn nhưng 2 công ty này không hề có biển tên tại nơi sản xuất.

Trao đổi với báo chí, ông Đinh Văn Thọ, Chủ tịch xã Trung Giã và ông Đỗ Văn Kiên, Phó Chủ tịch xã thừa nhận, việc các doanh nghiệp hoạt động trên đất nông nghiệp, san lấp sông và san lấp kênh mương là trái phép, vừa qua đoàn kiểm tra đã xử phạt và yêu cầu chủ đơn vị phải múc lên để khắc phục hậu quả. Tuy nhiên, khi phóng viên đề nghị cung cấp các văn bản xử phạt thì các vị lãnh đạo này quanh co và không cung cấp!

Cũng trong ngày 10/6, phóng viên Báo Dân tộc và Phát triển có cuộc làm việc với ông Ngô Thế Bích, Bí thư, Chủ tịch HĐND xã Trung Giã về thông tin phản ánh việc con trai ông là Ngô Thế Hiếu có cổ phần và đang làm việc trong công ty trên. Ông Bích cho biết: Hiếu hiện là Phó Bí thư đoàn xã, Chủ tịch Hội chữ thập đỏ xã Trung Giã. Hiếu có chung tiền mua 1 xe ô tô đóng vào công ty để hoạt động!

Để có thông tin đa chiều, khách quan, phóng viên Báo Dân tộc và phát triển tiếp tục làm việc với Phòng Tài nguyên môi trường (TN&MT) huyện Sóc Sơn. Bà Lê Thị Hải, Phó Phòng TN&MT cho biết: “Về vấn đề báo chí quan tâm thì xã là đơn vị quản lý trực tiếp. Nếu xã phản ánh mà chúng tôi không nắm được thì đó là lỗi của chúng tôi. Nhưng từ trước tới giờ chúng tôi không nhận được phản ánh hay đơn thư hoặc thông tin từ báo chí kể cả từ cấp quản lý của xã…"

Mặt bằng san lấp trái phép trên sông Công - sông Cầu thuộc thôn An Lạc, xã Trung Giã.
Mặt bằng san lấp trái phép trên sông Công - sông Cầu thuộc thôn An Lạc, xã Trung Giã.

Nhưng, trước câu hỏi của phóng viên: ngày 20/4/2021, UBND huyện Sóc Sơn đã có Công văn số: 914 với nội dung, giao cho phòng TNMT chủ trì, phối hợp với phòng quản lý đô thị và UBND xã Trung Giã làm việc và cung cấp thông tin cho báo chí về nội dung “Doanh nghiệp ngang nhiên san lấp mặt sông Công – sông Cầu và phá kênh mương nội đồng; lấn chiến hành lang đê điều” mà báo chí phản ánh? Lúc này bà Lê Thị Hải mới trả lời: Hiện, UBND huyện đã thành lập đoàn thanh tra để giải quyết vấn đề này. Khi nào có kết quả thì chúng tôi sẽ thông tin sau.

Được biết ngày 11/5/2021, ông Phạm Văn Minh, Chủ tịch UBND huyện Sóc Sơn đã ký Quyết định số 1656/QĐ-UBND, quyết định Thanh tra việc quản lý, sử dụng đất tại khu vực bãi sông – ngã ba sông Công, sông Cầu thuộc địa bàn xã Trung Giã, huyện Sóc Sơn.

Báo Dân tộc và Phát triển sẽ tiếp tục thông tin sự việc tới bạn đọc ở các kỳ báo sau.


Tin cùng chuyên mục
Quỳ Châu (Nghệ An): Kết quả tích cực từ giảm thiểu tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống

Quỳ Châu (Nghệ An): Kết quả tích cực từ giảm thiểu tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống

Trong những năm gần đây, tình trạng tảo hôn ở huyện miền núi Quỳ Châu (Nghệ An) đã liên tục giảm nhanh. Nếu trong năm 2020, toàn huyện Quỳ Châu (Nghệ An) có 30 trường hợp tảo hôn, thì đến năm 2024 (tính đến 20/11) toàn huyện chỉ ghi nhận 1 trường hợp tảo hôn.