Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Bạn đọc

Xã Hồng Kỳ, huyện Sóc Sơn (Hà Nội): Có hay không việc làm trái với quyết định của cấp trên?

Trình Minh - 17:50, 15/03/2020

Dù UBND huyện Sóc Sơn (TP. Hà Nội) đã phê duyệt quy hoạch xây dựng đường giao thông nông thôn, nhưng vì “tình riêng”, Chủ tịch UBND xã Hồng Kỳ lại tự ý chỉ đạo chuyển tuyến đối với 6/48 tuyến đường. Không những vậy, ông Chủ tịch xã còn chỉ đạo dựng hồ sơ giả để thanh quyết toán khống cho một số tuyến đường, gây thất thoát tiền của Nhà nước.

Trụ sở UBND xã Hồng Kỳ
Trụ sở UBND xã Hồng Kỳ

Xã Hồng Kỳ có 9 thôn, diện tích 1.438ha, dân số hơn 13 nghìn người. Ngày 26/6/2019, UBND huyện Sóc Sơn ban hành Quyết định số 3115/QĐ-UBND về việc phê duyệt danh mục các công trình tại xã Hồng Kỳ thực hiện theo cơ chế đặc thù; theo đó, toàn xã được triển khai 9 dự án với 48 tuyến đường ngõ, xóm.

Theo phản ánh của người dân xã Hồng Kỳ, quá trình thực hiện thi công đã phát sinh nhiều sai sót. Cụ thể, để lấy lòng một số hộ dân, cũng như vì tình cảm cá nhân, ông Đỗ Thế Thọ, Chủ tịch UBND xã đã chỉ đạo lấy vật tư của các tuyến đường đã được phê duyệt để làm đường đổ sân cho một số hộ dân tại xóm Trại Rừng (thôn 1), xã Hồng Kỳ... 

Cụ thể, qua tìm hiểu thực tế tại địa phương, được biết một số hộ gia đình tại các xóm Trại Rừng (thôn 1); xóm Phú Điền, Na Sơn (thôn 3); xóm Kim Sơn (thôn 8) và xóm Trại Nghè (thôn 2), đã được ông Chủ tịch UBND xã Hồng Kỳ ưu ái, chỉ đạo đổ bê tông làm đường riêng trên đất của cá nhân các hộ gia đình này, mà không phải đường bê tông thuộc ngõ đi chung của liên gia đình. Điều này hoàn toàn trái với quy hoạch đường giao thông trên địa bàn xã, đã được UBND huyện Sóc Sơn phê duyệt tại Quyết định 3115/QĐ-UBND. 

Đặc biệt, người dân còn phản ánh ông Đỗ Thế Thọ đã chỉ đạo cấp dưới dựng hồ sơ giả để thanh quyết toán khống cho một số tuyến đường, gây thất thoát gần tỷ đồng của Nhà nước.

Trước những phản ánh về sai phạm tại xã Hồng Kỳ, để có thông tin chính xác, phóng viên đã có buổi làm việc với ông Đỗ Thế Thọ, Chủ tịch UBND xã Hồng Kỳ và ông Nguyễn Văn Sơn, nguyên cán bộ giao thông thủy lợi của xã. Khi được hỏi về những phản ánh sai phạm nêu trên, ông Thọ phân trần: “Dân Hồng Kỳ nghèo lắm, cả dự án mới có hơn 4 tỷ đồng thì lấy đâu ra mà ăn hàng tỷ đồng”. Tuy nhiên, khi phóng viên đề nghị ông Thọ cung cấp hồ sơ vụ việc thì ông chỉ đạo ông Sơn rồi… hẹn khi khác mới cung cấp.

Chủ tịch UBND xã Hồng Kỳ chỉ đạo đổ bê tông làm đường riêng trên đất các hộ gia đình, nơi ông ứng cử Hội đồng Nhân dân.
Chủ tịch UBND xã Hồng Kỳ chỉ đạo đổ bê tông làm đường riêng trên đất các hộ gia đình, nơi ông ứng cử Hội đồng Nhân dân.

Theo điều tra, xác minh của phóng viên Báo Dân tộc và Phát triển, các tuyến đường ngõ, xóm không làm, thì không được phép nghiệm thu, nhưng ông Thọ vẫn chỉ đạo ký biên bản nghiệm thu, thanh quyết toán vật liệu với Kho bạc để rút số tiền trên 600 triệu đồng. Cụ thể, các tuyến không làm mà vẫn được nghiệm thu là: Tuyến đường từ nhà ông Gia đi Cột Mốc 600m (dự án thôn 7); tuyến đường nhà ông Trung đi xã Nam Sơn 100m (dự án thôn 7)…

Trong buổi làm việc với ông Hoàng Trí Dũng, Trưởng phòng Kinh tế huyện Sóc Sơn (ngày 3/3) cho biết, huyện chưa nắm được vấn đề cụ thể và khẳng định: “Phòng Kinh tế đã soạn văn bản trình lãnh đạo UBND huyện ký, yêu cầu UBND xã Hồng Kỳ giải trình về vụ việc. Khi nào có kết quả sẽ thông báo và cung cấp tư liệu cho báo sau”. 

Vậy, có hay không việc Chủ tịch UBND xã Hồng Kỳ tự ý chỉ đạo làm trái với quyết định cấp trên đã phê duyệt? Để trả lời câu hỏi này, thiết nghĩ các cơ quan chức năng của huyện Sóc Sơn, TP. Hà Nội cần sớm vào cuộc xác minh, điều tra làm rõ. Báo Dân tộc và Phát triển sẽ tiếp tục theo dõi để thông tin đến bạn đọc.


Tin cùng chuyên mục
Thủ phủ cà phê mùa... "canh trộm"!

Thủ phủ cà phê mùa... "canh trộm"!

Vào mùa thu hoạch cà phê với giá cà phê đang ở mức cao kỷ lục, người trồng cà phê Tây Nguyên vui mừng khôn xiết, song họ cũng đang mất ngủ tìm đủ mọi giải pháp “canh trộm”, bảo vệ thành quả lao động của mình. Đồng hành với nông dân, chính quyền, lực lượng Công an, dân phòng cũng có nhiều cách làm giúp nông dân bảo vệ nông sản, góp phần bảo đảm an ninh trật tự tại cơ sở.