Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Độc đáo bếp lửa của người Bh’Noong

PV - 11:09, 25/01/2018

Ở vùng cao Phước Sơn (Quảng Nam), bếp đã tồn tại với đồng bào dân tộc Bh’noong để họ nấu nướng, phục vụ cho nhu cầu sinh hoạt trong gia đình mà họ còn có tục thờ bếp lửa và nó ăn sâu vào tiềm thức, gắn với họ như máu thịt...

Già làng Hồ Văn Xuyên (73 tuổi), dân tộc Bh’noong hiện ở thôn 3, xã Phước Công, huyện Phước Sơn (Quảng Nam) cho biết: Theo quan niệm của người Bh’noong (một tộc người thuộc nhóm địa phương Giẻ Triêng), khi ngôi nhà sàn được làm xong, việc đầu tiên là rước thần lửa về nhà sàn của gia đình. Lửa được sinh ra từ đá nên trước khi về nhà mới phải lên núi cao chọn một hòn đá ở nơi con người chưa từng giẫm chân vào.

Sau khi chọn được hòn đá ưng ý, đồng bào mang về đặt ngay bên cạnh bếp để cúng thần lửa. Hòn đá thiêng này chính là nơi trú ngụ của vị thần bếp lửa trong nhà. Người Bh’noong luôn tin tưởng vị thần này sẽ giữ cho ngọn lửa không bao giờ tắt và mang lại may mắn và hạnh phúc cho gia đình.

Già làng Hồ Văn Xuyên, cùng gia đình bên bếp lửa của gia đình mình ở thôn 3, xã Phước Công, huyện Phước Sơn (Quảng Nam). Già làng Hồ Văn Xuyên, cùng gia đình bên bếp lửa của gia đình mình ở thôn 3, xã Phước Công, huyện Phước Sơn (Quảng Nam).

 

Đối với người Bh’noong, bếp không chỉ là nơi nấu chín thức ăn mà còn thể hiện đức hạnh của người phụ nữ. Vào mỗi buổi sáng, việc đầu tiên của phụ nữ Bh’noong là nhóm lửa đun nước cho cả nhà rửa mặt, đổ vào ống nứa đem đi rừng và làm rẫy.

Những ngày đầu năm mới, ngày lễ, Tết việc thắp lửa cũng thể hiện sự biết ơn vị thần bếp, lòng thành kính đối với tổ tiên. Không gian bếp cũng là nơi những người phụ nữ trong nhà trò chuyện, bàn tính chuyện làm ăn chăn nuôi, trồng trọt, dạy con cái dệt vải, làm gốm...

Ngoài ra, có rất nhiều điều kiêng kị liên quan đến bếp lửa như, ngồi cạnh bếp lửa sưởi không được đặt chân lên hoặc xê dịch hòn đá. Các thế hệ đồng bào Bh’noong đều dặn nhau, khi đặt quai nồi lên bếp thì phải đặt theo chiều dọc của ngôi nhà khi đun nấu.

Già làng Hồ Văn Xuyên cho biết thêm: Một điều kiêng kỵ khác của người Bh’noong, là khi đưa củi vào bếp nhất định không đưa ngọn vào trước vì họ quan niệm, làm như vậy sẽ khiến con gái của gia chủ ngôi nhà đó sinh ngược. Việc làm bếp lửa cũng phải thật chu toàn, cẩn thận không để phạm đến thần linh, gia chủ phải chọn được ngày lành tháng tốt để tiến hành làm bếp.

Thông thường, các ngày lẻ tháng chẵn và ngày chẵn tháng lẻ theo lịch Bh’noong đều là các ngày có thể đắp bếp hoặc tu sửa vì họ cho rằng những ngày đó thần bếp sẽ về chầu trời.

Khi đắp bếp phải chọn những thanh gỗ lim thẳng và chắc chắn gồm 4 tấm ván gỗ dài 70m, rộng 35cm để tạo thành khuôn. Bếp hình chữ nhật cao 30cm được hình thành khi được khoét hai lỗ đặt nồi nấu ăn và hai cửa bếp được khoét vừa phải, kín gió khi đun mới không tốn củi.

Để đắp bếp, phải chọn loại đất sét màu vàng mịn, đất mà có lẫn sỏi thì khi đốt lửa hay bị nứt bếp do đá nổ. Có làm cầu kỳ như vậy bếp mới không tốn củi và dùng được lâu dài, mới mong thần bếp phù hộ gia đình con cháu mạnh khoẻ, ấm no.

Ngày nay, dù cuộc sống của người Bh’noong có nhiều thay đổi và chịu ảnh hưởng bởi sự du nhập nhiều nét văn hoá các dân tộc khác. Nhưng nhiều phong tục tập quán, tập tục thờ thần bếp của người Bh’noong vẫn được duy trì, tạo nên nét văn hóa độc đáo trong bản làng của người Bh’noong.

SƠN GIA PHÚC

Tin cùng chuyên mục
Ghi ở Sủa Cán Tỷ

Ghi ở Sủa Cán Tỷ

Theo chân Phó Chủ tịch xã Cán Tỷ - Sùng Mí De (huyện Quản Bạ, tỉnh Hà Giang) chúng tôi tới thôn Sủa Cán Tỷ làm công tác chuẩn bị cho Ngày Hội Đại đoàn kết toàn dân. Trong lúc chuyện trò cùng trưởng thôn Vàng Chứ Lềnh về sự đổi thay của thôn bản, ông ngỏ lời mời tôi lên thăm nhà của Lù Mí Thánh – Một trong 3 hộ dân của thôn được Nhà nước hỗ trợ xây dựng nhà ở kiên cố trong năm 2023.