Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Tin tức

Đổi mới đào tạo nhân lực báo chí, truyền thông trong kỷ nguyên số

Ngọc Vân - 16:00, 16/12/2021

Sáng 16/12, tại Hà Nội, Cục Báo chí (Bộ Thông tin và Truyền thông) tổ chức diễn đàn “Đổi mới công tác đào tạo nhân lực báo chí, truyền thông trong kỷ nguyên số” theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến.

Diễn đàn Đổi mới đào tạo nhân lực báo chí, truyền thông trong kỷ nguyên số tại điểm cầu Hà Nội
Diễn đàn Đổi mới đào tạo nhân lực báo chí, truyền thông trong kỷ nguyên số tại điểm cầu Hà Nội

Diễn đàn tổ chức nhằm giúp các nhà quản lý, các cơ quan báo chí, các tổ chức đào tạo và các doanh nghiệp khai thác nguồn nhân lực trong lĩnh vực báo chí, truyền thông cùng trao đổi, thảo luận và đánh giá lại thực trạng về công tác đào tạo nguồn nhân lực báo chí, truyền thông hiện nay; từ đó đề xuất được những giải pháp đổi mới đào tạo, nâng cao nguồn nhân lực báo chí, truyền thông phục vụ chuyển đổi số báo chí.

Phát biểu tại diễn đàn, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Phạm Anh Tuấn nhận định, hiện nay, sự phát triển của công nghệ trong kỷ nguyên số đã mang lại những cơ hội cũng như những thách thức và đang làm thay đổi về cách thức, mô hình việc làm của nhiều lực lượng lao động trong đó có lĩnh vực báo chí, truyền thông. Nhân lực làm việc trong lĩnh vực này không chỉ cần về năng lực chuyên môn cao mà còn cần phải đáp ứng tốt các tiêu chuẩn đạo đức.

“Trên thực tế, các cơ sở đào tạo báo chí truyền thông đã có nhiều nỗ lực và tích cực đổi mới, tuy nhiên công tác đào tạo vẫn tiến hành theo phương thức truyền thống, đến nay phải “gồng mình” để làm báo chí, truyền thông trong môi trường của thời đại công nghệ số.. Do đó, công tác đào tạo nguồn nhân lực báo chí, truyền thông cần đổi mới để phù hợp với xu thế phát triển của kỷ nguyên số”, Thứ trưởng Phạm Anh Tuấn nhấn mạnh.

Tại diễn đàn, các đại biểu đã đề xuất nhiều giải pháp đổi mới công tác đào tạo báo chí, truyền thông nhằm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực báo chí, phục vụ chuyển đối số báo chí. Theo đó các cơ sở đào tạo cần đổi mới phương pháp đào tạo nguồn nhân lực báo chí, truyền thông trong bối cảnh hiện nay. Các nhà báo cần nâng cao bản lĩnh chính trị, chuyên môn, nghiệp vụ, đặc biệt ứng dụng công nghệ số trong tác nghiệp, sáng tạo tác phẩm.

Chia sẻ tại Diễn đàn về bản lĩnh chính trị của nhà báo trong bối cảnh bùng nổ truyền thông và toàn cầu hóa, TS. Nguyễn Minh Phong, nguyên Phó Ban tuyên truyền lý luận, Thư ký Hội đồng khoa học nghiệp vụ, Báo Nhân dân cho hay, thực tế cho thấy, trước xu hướng thương mại hóa báo chí, xuất hiện một bộ phận nhà báo thiếu bản lĩnh chính trị, trách nhiệm xã hội và bán rẻ lương tâm, đạo đức nghề nghiệp, chạy theo kiểu làm báo “lá cải”, câu khách.

Theo TS. Nguyễn Minh Phong, nhà báo trong kỷ nguyên số và bùng nổ thông tin phải là những người đa năng và đa nhiệm, chuyên nghiệp ở tất cả các khâu trong quá trình thực hiện một tác phẩm báo chí, vừa là nhà báo viết, vừa là nhà báo ảnh, biết dựng video, làm Infographic, biết sử dụng các thiết bị kỹ thuật đa phương tiện; có kiến thức nền về văn hóa – xã hội vững chắc; đồng thời, cần phải biết sử dụng và khai thác triệt để truyền thông xã hội phục vụ cho hoạt động của mình; biết thu hút sự hợp tác và cùng tham gia của công chúng.

ThS Vũ Hải Quang, Phó Tổng Giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam cho rằng đổi mới đào tạo báo chí truyền thông trong kỷ nguyên số cần gắn với 3 chữ “K”, bao gồm:  Kiến thức, kỹ năng, kỹ thuật - công nghệ. Không chỉ được học và tự học kiến thức chuyên sâu lẫn nền tảng, các nhà báo trẻ phải chịu khó học tập, rèn luyện kỹ năng nghề nghiệp báo chí ngay từ khi còn ở trên ghế nhà trường.

“Hiện nay, kỹ thuật công nghệ đã hỗ trợ nhà báo từ thu thập thông tin, phân tích dữ liệu đến sản xuất nội dung và phân phối nội dung trên đa nền tảng. Do vậy các cơ quan báo chí hiện nay phải đào tạo và đào tạo lại nguồn nhân lực làm báo không chỉ có tư duy tốt về nội dung mà còn phải giỏi cả về kỹ thuật công nghệ”, ông Quang nhấn mạnh.

Ông Phạm Anh Tuấn, Tổng Biên tập Báo Vietnamnet chia sẻ, nếu như báo chí truyền thống trước đây theo kiểu “hữu xạ tự nhiên hương” thì nay dù làm tốt cũng cần phải biết marketing. Có như vậy mới có thể tồn tại và đối kháng được với các nền tảng mạng xã hội xuyên biên giới.

“Luôn có 2 nhu cầu về thông tin, bên cạnh nhu cầu thông tin nóng, theo trend thì cũng có nhu cầu thông tin sâu, có tính nhân văn, kết nối. Các công cụ công nghệ có sẵn rồi, quan trọng là kỹ năng xử lý dữ liệu để tạo ra những tin bài có tính kết nối, nhân văn và trung thực. Đây là mảng báo chí cần khai thác để phát triển và tạo sự khác biệt với mạng xã hội.”, ông Tuấn nêu ý kiến.

Về xu hướng đổi mới phương pháp đào tạo báo chí, truyền thông hiện nay, PGS.TS Nguyễn Thị Trường Giang, Phó Giám đốc Học viện Báo chí và Tuyên truyền cho rằng: Đổi mới phương pháp đào tạo báo chí truyền thông gắn với sự thay đổi thói quen, ý thức của đội ngũ giảng viên và sinh viên trong việc truyền, tiếp nhận thông tin. Việc đổi mới phương pháp đào tạo báo chí, truyền thông cần tiến hành một cách đồng bộ; đề cao vai trò người thầy; lấy người học là trung tâm. Tăng cường thực hành gắn với thực tế để người học phát huy khả năng sáng tạo.

Phát biểu chỉ đạo tại diễn đàn sau khi lắng nghe các tham luận của các đại biểu, ông Lê Quốc Minh, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó trưởng Ban Tuyên giáo TW, Tổng biên tập báo Nhân Dân, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam Lê cho biết, việc chuyển đổi số không chỉ là đầu tư công nghệ mà trước hết là chuyển đổi tư duy, vận hành của đội ngũ từ lãnh đạo báo chí,  đến đội ngũ phóng viên, biên tập viên. Vì thế, việc đổi mới đào tạo báo chí, truyền thông trong kỷ nguyên số không chỉ hạn chế trong môi trường nhà trường mà còn cần thực hiện đào tạo thường xuyên ngay trong các cơ quan báo chí, liên tục cập nhật xu hướng báo chí của thế giới, đưa báo chí Việt Nam hội nhập và phát triển của đất nước trong kỷ nguyên số.