Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Công tác Dân tộc

Đổi mới giáo dục và đào tạo vùng DTTS và miền núi: Những chuyển biến tích cực (Bài 1)

Thúy Hồng - 19:52, 08/12/2020

Trong những năm qua, thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW ngày 4/11/2013 của Ban Chấp hành Trung ương (khóa XI) về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo (GD& ÐT), chất lượng giáo dục trong toàn quốc đã có bước chuyển biến tích cực, đặc biệt là ở vùng DTTS và miền núi.

Chất lượng giáo dục vùng DTTS và miền núi đã đạt được những thành quả vượt bậc.
Chất lượng giáo dục vùng DTTS và miền núi đã đạt được những thành quả vượt bậc.

Sau khi Nghị quyết số 29-NQ/TW ra đời, nhờ sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, các cấp, các ngành và sự nỗ lực của đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục, sự nghiệp GD&ĐT nước ta đã có bước chuyển biến căn bản. Cơ sở vật chất trường học được quan tâm đầu tư theo hướng hiệu quả và hiện đại; công tác giáo dục dân tộc, miền núi có nhiều chuyển biến tích cực, từng bước rút ngắn khoảng cách về mọi mặt giữa giáo dục vùng DTTS, miền núi với các vùng khác.

Trường lớp được đầu tư khang trang

Yên Bái là tỉnh miền núi có đông đồng bào DTTS, đời sống bà con còn nhiều khó khăn nên có một thời gian, việc học tập của con em đồng bào ở không ít địa phương, đặc biệt là cơ sở vùng sâu, vùng xa chưa được quan tâm chú trọng. Để nâng cao chất lượng giáo dục một cách đồng đều, Yên Bái xác định phải có chính sách đặc thù với khu vực này.

Giai đoạn 2016 - 2020, Yên Bái đã xây dựng Đề án sắp xếp quy mô mạng lưới trường lớp đối với giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông trên địa bàn tỉnh. Sau 5 năm, Đề án đã tạo nên một diện mạo mới cho ngành Giáo dục tỉnh Yên Bái, tạo nền móng vững chắc để ngành giáo dục Yên Bái thực hiện thành công Nghị quyết số 29 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục và đào tạo.

Cô giáo Vũ Thị Kim Loan, Hiệu trưởng Trường Mầm non Tân Thịnh, huyện Văn Chấn chia sẻ:  "Những năm gần đây, cơ sở vật chất được đầu tư, trường lớp xây dựng khang trang có sân chơi, đồ chơi;  trẻ em DTTS được quan tâm đầu tư hỗ trợ nhằm phát triển toàn diện, phụ huynh rất phấn khởi. 35 năm gắn bó với giáo dục mầm non và gần 30 năm gắn bó với giáo dục ở vùng cao, đến giờ tôi mới thực sự an tâm và  phấn khởi công tác”.

 . Theo số liệu thống kê của Bộ GD&ĐT cho thấy, thực hiện đổi mới căn bản, toàn diện GD&ĐT, những năm qua, Nhà nước đã quan tâm đầu tư nhiều chương trình, dự án, đề án cho giáo dục, đào tạo ở vùng DTTS và miền núi. Chỉ tính trong giai đoạn 2011 - 2019,  tổng nguồn lực đầu tư của ngân sách nhà nước đầu tư khoảng 462.791 tỷ đồng, nhờ đó mà hệ thống trường Phổ thông Dân tộc nội trú, Phổ thông Dân tộc bán trú, dự bị đại học được củng cố, phát triển, đáp ứng nhu cầu tạo nguồn nhân lực có chất lượng cho các vùng này.

Thay đổi phương pháp tiếp cận

Chiến lược phát triển giáo dục Việt Nam giai đoạn 2011 - 2020 đã xác định, các mục tiêu phù hợp cho vùng DTTS và miền núi, như: “Ưu tiên ngân sách nhà nước dành cho phát triển giáo dục phổ cập và các đối tượng đặc thù”; “Tập trung vào nâng cao chất lượng, đặc biệt chất lượng giáo dục đạo đức, lối sống, năng lực sáng tạo, kỹ năng thực hành; đồng thời, chú trọng thỏa mãn nhu cầu phát triển của mỗi người học”;...

Để nâng cao chất lượng giáo dục, nhằm đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục, mỗi địa phương vùng DTTS và miền núi đều có những sáng tạo trong công tác dạy và học. Điển hình như tại huyện Tủa Chùa, tỉnh Điện Biên, học sinh là con em đồng bào DTTS chiếm gần 96% tổng số học sinh toàn huyện, song nhiều năm liền, chất lượng dạy và học của huyện luôn đứng tốp đầu các huyện vùng cao.

“Cùng với việc đầu từ cơ sở vật chất trường lớp học; đổi mới phương pháp dạy và học để học sinh dễ cảm thụ, tiếp nhận kiến thức, thì một nguyên nhân thành công nhằm nâng cao chất lượng giáo dục vùng cao Tủa Chùa, chính là tăng cường dạy tiếng Việt cho học sinh DTTS ngay từ những ngày đầu các em đến trường", thầy Nguyễn Hồng Sơn, Trưởng phòng GD&ĐT huyện Tủa Chùa cho biết.

Hay, đối với chương trình, nội dung giáo dục mầm non,  đã  được đổi mới theo hướng kết hợp chăm sóc, nuôi dưỡng với giáo dục. Trẻ em mẫu giáo ở các vùng kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, vùng DTTS và miền núi được Nhà nước hỗ trợ tiền ăn trưa. Trẻ em có hoàn cảnh khó khăn, trẻ khuyết tật được quan tâm phát hiện sớm, can thiệp sớm, học hòa nhập... từ đó từng bước nâng cao tỷ lệ trẻ em đến trường, góp phần vào thành công việc phổ cập giáo dục. Nếu như năm học 2013 - 2014, cả nước mới có 18 tỉnh được công nhận đạt chuẩn phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 5 tuổi, thì đến năm 2017, tất cả 63 tỉnh, thành phố đã hoàn thành phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 5 tuổi. Đã có 63/63 tỉnh, thành đã đạt chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học đúng độ tuổi Mức độ 1.

Có thể thấy, hiệu quả của việc nâng cao chất lượng giáo dục vùng miền núi bắt nguồn từ việc thay đổi phương pháp tiếp cận từ “theo nội dung” sang theo hướng “phát triển năng lực và phẩm chất”, dạy học “tích hợp” ở cấp dưới, dạy “phân hóa” ở cấp trên, tăng cường các môn tự chọn. Chương trình mới được xây dựng theo hướng tiếp cận phát triển phẩm chất, năng lực học sinh, khắc phục được những hạn chế của chương trình tiếp cận nội dung truyền thống.

Đánh giá việc thực hiện các mục tiêu đổi mới toàn diện GD&ĐT giai đoạn 2011 - 2020, PGS.TS Lê Anh Vinh, Viện Phó Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam cho biết, nhiều mục tiêu đã đạt kết quả vượt chỉ tiêu đề ra. Điển hình là tỷ lệ trẻ trong độ tuổi mẫu giáo được chăm sóc, giáo dục tại cơ sở giáo dục mầm non vượt 12% so với chỉ tiêu; tỷ lệ người biết chữ trong độ tuổi từ 15 trở lên đạt 98,92% (năm 2020), tỷ lệ người biết chữ trong độ tuổi từ 15 đến 36 đạt 99,2% (năm 2020).

Tuy nhiên, bên cạnh những thành tựu, quá trình đổi mới GD& ÐT vẫn còn một số bất cập, khó khăn như: Quy mô và mạng lưới giáo dục chưa phát triển đồng đều. Chất lượng giáo dục phổ thông giữa các vùng miền, các đối tượng còn chênh lệch. Năng lực nghề nghiệp của một bộ phận giáo viên, năng lực quản lý và quản trị nhà trường của một bộ phận cán bộ chưa đáp ứng được yêu cầu đổi mới. 

Báo Dân tộc và Phát triển sẽ phản ánh trong những bài viết tiếp theo.

Ông Lê Như Xuyên, Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Dân tộc (Bộ GD&ĐT):

Công tác giáo dục dân tộc ngày càng khởi sắc

Trong thời gian qua, giáo dục dân tộc luôn nhận được sự quan tâm sâu sắc và toàn diện của Đảng, Nhà nước và toàn xã hội. Các điểm trường lẻ, lớp ghép được mở ở hầu hết các thôn bản vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn, tạo cơ hội cho trẻ em các DTTS trong độ tuổi được đi học; mạng lưới trường trung học đã phát triển đến khắp các xã, huyện. Cơ sở vật chất của hệ thống giáo dục vùng DTTS, miền núi cũng được đầu tư ngày một khang trang. Đến nay, chúng ta đã cơ bản xóa bỏ được các phòng học 3 ca, phòng học tạm; tạo điều kiện cho hàng triệu học sinh được ngồi học trong các phòng học kiên cố và giải quyết điều kiện chỗ ở cho hàng vạn giáo viên.

Hiện nay, 49 tỉnh, thành đã thành lập được 316 trường THPT nội trú, với quy mô trên 102.000 HS; 28 tỉnh có trường phổ thông dân tộc bán trú với số lượng 1.097 trường và 185.671 học sinh. Trong số này có tới 45% số trường được công nhận đạt chuẩn quốc gia.