Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Giáo dục

Hỗ trợ giáo dục vùng DTTS và miền núi: Cần sát với thực tiễn

PV - 14:34, 30/07/2018

Nhằm tiếp tục hỗ trợ giáo dục vùng dân tộc thiểu số (DTTS) và miền núi, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Chương trình mục tiêu giáo dục vùng núi, vùng DTTS, vùng khó khăn giai đoạn 2016-2020. Đây là chính sách nhân văn, thể hiện sự quan tâm rất lớn của Đảng, Nhà nước đối với giáo dục vùng DTTS và miền núi. Tuy nhiên, nhìn vào hệ thống chính sách giáo dục thời gian qua, vẫn còn tồn tại rất nhiều hạn chế, bất cập cần sự đổi mới để phát huy hiệu quả hơn nữa trong thực tiễn.

Những bữa cơm trưa của các em học sinh DTTS đã có rau, có thịt. Những bữa cơm trưa của các em học sinh DTTS đã có rau, có thịt.

Có thể thấy, giáo dục vùng DTTS và miền núi luôn được quan tâm tại các kỳ họp Quốc hội trong thời gian gần đây. Tại kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XIV vừa qua, nhiều đại biểu Quốc hội đã chất vấn, kiến nghị cần tiếp tục quan tâm, có chính sách ưu tiên đối với giáo dục và đào tạo vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào DTTS và miền núi. Đặc biệt, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đã đề nghị Chính phủ, Bộ Giáo dục và Đào tạo, các bộ, ngành liên quan tiếp thu ý kiến của đại biểu Quốc hội chỉ đạo quyết liệt, tiếp tục rà soát, hoàn thiện chính sách pháp luật về giáo dục đào tạo. Trong đó, quan tâm đến chính sách đối với các đối tượng ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào DTTS.

Nhằm tiếp tục hỗ trợ giáo dục vùng DTTS và miền núi phát triển, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Chương trình mục tiêu giáo dục vùng núi, vùng DTTS, vùng khó khăn giai đoạn 2016-2020. Nhiệm vụ chính của Chương trình là hỗ trợ đầu tư cơ sở vật chất cho các trường PTDTNT từ nguồn vốn đầu tư phát triển của ngân sách Trung ương, với tổng mức vốn là hơn 400 tỷ đồng.

Hỗ trợ trang thiết bị, sửa chữa, cải tạo, nâng cấp, mở rộng các hạng mục thiết yếu của các trường phổ thông dân tộc bán trú và các trường, điểm trường tiểu học, trung học cơ sở công lập có học sinh bán trú tại các vùng có điều kiện kinh tế-xã hội ĐBKK từ nguồn vốn sự nghiệp của ngân sách Trung ương và địa phương; hỗ trợ hoạt động giám sát, đánh giá, triển khai Chương trình. Tổng mức vốn thực hiện là 4.000 tỷ đồng.

Có thể thấy, đây là chính sách nhân văn, thể hiện sự quan tâm rất lớn Đảng, Nhà nước đối với giáo dục vùng DTTS và miền núi. Tuy nhiên, nhìn vào hệ thống chính sách giáo dục thời gian qua, bên cạnh mặt tích cực, vẫn còn tồn tại rất nhiều hạn chế, bất cập. Báo cáo giám sát của Hội đồng Dân tộc của Quốc hội thời gian gần đây đã chỉ ra, một số chính sách ban hành có hiệu lực trong thời gian ngắn, chưa có tính dự báo dài hạn và liên tục. Có chính sách ban hành chậm, thiếu đồng bộ, một số nội dung còn bất cập. Một số chính sách còn chưa sát thực tiễn, chồng chéo về đối tượng thụ hưởng. Một số văn bản quy định không rõ ràng, khó thực hiện. Công tác kiểm tra, giám sát còn bất cập, hạn chế…

Tại cuộc họp của Hội đồng Dân tộc của Quốc hội tổ chức với một số bộ, ngành liên quan cho ý kiến về dự thảo báo cáo chuyên đề “Tình hình triển khai kết quả thực hiện chính sách pháp luật về hỗ trợ phát triển giáo dục vùng DTTS và miền núi giai đoạn 2010-2017” cuối tháng 4 vừa qua, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Hữu Độ thừa nhận, còn những tồn tại trong việc thi hành Luật Giáo dục và các điều khoản của Luật liên quan đến chính sách giáo dục vùng DTTS và miền núi. Một số chính sách ban hành chưa đồng bộ. Một số chính sách chưa đi vào cuộc sống. Công tác quản lý, chỉ đạo giáo dục vùng DTTS và miền núi còn nhiều khó khăn…

Tại cuộc họp này, Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Lê Sơn Hải cũng cho rằng, cần thay đổi cách tiếp cận về chính sách hỗ trợ, phát triển giáo dục vùng DTTS, miền núi. Nên tích hợp, lồng ghép để bố trí nguồn lực đảm bảo yêu cầu đặt ra.

Trong giai đoạn hiện nay, tiếp tục phát triển giáo dục và đào tạo vùng DTTS và miền núi nhằm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực thúc đẩy vùng DTTS và miền núi phát triển công bằng và hòa nhập cần thiết hơn bao giờ hết. Vì vậy, chính sách giáo dục cần có phương pháp tiếp cận mới, khoa học hơn, sát thực tiễn để khắc phục những bất cập, phát huy hiệu quả thiết thực.

THANH HUYỀN

Tin cùng chuyên mục