Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Sự kiện - Bình luận

̣Đối ngoại Việt Nam: Giương cao ngọn cờ độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội

Thanh Hải - 16:09, 17/12/2021

Lần đầu tiên trong lịch sử dựng nước, giữ nước và phát triển của dân tộc, Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã trực tiếp chỉ đạo Hội nghị đối ngoại toàn quốc triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng để bàn về công tác đối ngoại. Điều đó không chỉ cho thấy tầm quan trọng của công tác đối ngoại của Đảng trong tình hình mới, mà hơn hết còn là cơ sở, điều kiện để dư luận thế giới hiểu rằng, đối ngoại của Việt Nam mãi mãi sẽ là kiên định theo con đường độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội (CNXH); như sinh thời Bác hằng mong muốn.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chủ trì Hội nghị đối ngoại toàn quốc
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chủ trì Hội nghị đối ngoại toàn quốc

Bao đời nay, con đường độc lập dân tộc, Nhân dân tự chủ, lợi ích quốc gia được bảo đảm ở mức cao nhất, đã là sợi chỉ đỏ xuyên suốt hành trang dựng nước và giữ nước. Sợi chỉ ấy, chính là “kim chỉ nam” soi đường, dẫn lối cho dân tộc Việt Nam vượt qua bao thủ đoạn âm mưu của thù trong giặc ngoài, của diễn biến hòa bình, bạo loạn lật đổ… của các thế lực thù địch, để vững vàng bước tiếp trong thời đại mới, sánh ngang bè bạn năm châu.

Dưới thời đại Hồ Chí Minh, tư tưởng độc lập dân tộc, Nhân dân tự chủ càng trở nên sục sôi hơn, quyết liệt hơn. Chẳng thế mà không chịu nổi cảnh đất nước lầm than, Người đã xuất dương tìm đường cứu nước. Tại Đảng Xã hội Pháp, năm 1919, Người đã gửi tới Hội nghị Véc-xây bản Yêu sách của nhân dân Việt Nam đòi Chính phủ Pháp phải thừa nhận các quyền tự do, dân chủ và bình đẳng. Nhưng sự kiện đánh dấu con đường đối ngoại Đảng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, chính là việc bỏ phiếu tán thành tham gia Quốc tế thứ III - là Quốc tế cộng sản do Lênin thành lập tháng 3/1919.

Trong suốt những năm tháng tìm đường cứu nước và sau này lãnh đạo cách mạng Việt Nam, Người đã lấy tư tưởng nhân nghĩa, bác ái, hữu nghị, độc lập dân tộc, Nhân dân tự do lên hàng đầu. Chính Người, không chỉ dẫn dắt cách mạng Việt Nam đi đến thắng lợi bằng tư tưởng dùng ngoại giao để đẩy lùi xung đột; mà còn là người đầu tiên khai mở 3 trụ cột của đối ngoại của nước ta là đối ngoại Đảng, ngoại giao Nhà nước và đối ngoại nhân dân. 

Nhìn rộng ra, có thể thấy, nét nổi bật trong nghệ thuật ngoại giao Hồ Chí Minh là sự vận dụng nhuần nhuyễn: “Biết mình, biết người, biết thời thế, biết dừng và biết biến”, là khả năng tạo dựng thời cơ và chớp thời cơ; là ngoại giao tâm công giúp thu phục lòng người bằng chính nghĩa, tình người, lẽ phải và đạo lý.

Kế thừa tinh hoa nghệ thuật ngoại giao của Hồ Chủ tịch, tại Đại hội VI năm 1986, chính sách đối ngoại của Việt Nam là hòa bình, hợp tác quốc tế để xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trên cơ sở đề cao lợi ích dân tộc lên hàng đầu. Có thể thấy rõ nhất, chính sách mở cửa hài hòa, cân bằng giữa kinh tế và chính trị, giữa độc lập dân tộc và quan hệ quốc tế đã được Đảng ta đặc biệt coi trọng.

Trong thời kỳ đổi mới, dù đã có nhiều thay đổi linh hoạt, khôn khéo, “dĩ bất biến, ứng vạn biến”, nhưng chưa bao giờ chúng ta rời xa tư tưởng kiên định với đường lối độc lập dân tộc và CNXH. Chủ trương hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển; là bạn bè tốt, là đối tác tin cậy, là đồng minh chiến lược… chúng ta vừa hợp tác, vừa đấu tranh, kiên định theo một nguyên tắc đối ngoại nhất quán.

 Nhìn lại các kỳ đại hội, chúng ta càng thấy rõ đường lối đối ngoại luôn được Đảng ta kế thừa, phát triển và hoàn thiện để từng bước đạt được mục tiêu cơ bản, xuyên suốt và bao trùm là bảo đảm cao nhất lợi ích quốc gia - dân tộc.

Thực tế cho thấy, chính việc thực hiện đường lối đối ngoại đúng đắn của Đảng, đã góp phần rất quan trọng để giữ vững môi trường hòa bình, ổn định. Đó là cơ sở, là điều kiện thuận lợi để nước ta thực hiện công cuộc đổi mới, bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ, nâng cao vị thế trên trường quốc tế.

Sau 35 năm đổi mới, 3 trụ cột của đối ngoại của nước ta là đối ngoại Đảng, ngoại giao Nhà nước và đối ngoại Nhân dân theo tư tưởng Hồ Chí Minh vẫn được giữ vững. Nhìn vào bảng danh sách mà Việt Nam kết giao với bè bạn quốc tế, với các đối tác… càng khẳng định con đường đối ngoại mà Đảng và Nhà nước đã chọn là hoàn toàn đúng đắn.

Đến nay, nước ta có quan hệ ngoại giao với 189/193 quốc gia thành viên Liên hợp quốc; trong đó có 30 đối tác chiến lược, đối tác toàn diện gồm tất cả 5 nước Ủy viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, 7 nước công nghiệp phát triển hàng đầu (G7) và 17/20 nền kinh tế lớn nhất thế giới (G20)… Nước ta cũng đã thiết lập quan hệ với 247 chính đảng ở 111 quốc gia, có quan hệ với quốc hội, nghị viện của hơn 140 nước trên thế giới…

Thật đáng mừng, từ một nền kinh tế chậm phát triển và khép kín, đến nay Việt Nam là nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa có liên kết kinh tế sâu rộng. Chúng ta đã ký và tham gia 17 hiệp định thương mại tự do (FTA), trong đó có các FTA thế hệ mới; kim ngạch xuất nhập khẩu tương đương khoảng 200% GDP, thu hút khoảng 400 tỷ USD vốn FDI đăng ký; có hơn 220 đối tác thương mại…

Việt Nam hiện đã là thành viên và có quan hệ tốt đẹp với hầu hết tổ chức quốc tế và diễn đàn đa phương quan trọng như WTO, IMF, WB, APEC… Tính đến nay, nước ra đã tổ chức thành công nhiều hội nghị quốc tế lớn, cũng như hoàn thành nhiều trọng trách quốc tế, như Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp quốc, Hội nghị cấp cao ASEAN, Hội nghị cấp cao ASEM, Hội nghị Thượng đỉnh APEC, Diễn đàn Kinh tế giới về ASEAN, Hội nghị Thượng đỉnh Hoa Kỳ - Triều Tiên… Trong nỗ lực gìn giữ hòa bình, Việt Nam đã cử hàng trăm lượt cán bộ, chiến sỹ tham gia Lực lượng Gìn giữ hòa bình Liên Hợp quốc… và hiện tại đang có nhiều cán bộ, chiến sĩ làm nhiệm vụ tại Sudy.

Còn ở lĩnh vực đối ngoại Nhân dân, Việt Nam đã kế thừa vững chắc tư tưởng mà Hồ Chủ Tịch khai sáng, để đạt mục tiêu cao nhất là vun đắp hòa bình và hữu nghị. Nhìn từ các cuộc chiến vệ quốc đã khẳng định thêm hiệu quả của tư tưởng đối ngoại nhân dân ấy. Theo bà Nguyễn Phương Nga, Chủ tịch Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam, đối ngoại nhân dân có lợi thế rất lớn, đó là sự linh hoạt, mềm dẻo, có thể tiếp cận được nhiều đối tượng. 

Bề dày truyền thống đối ngoại Nhân dân được hun đúc qua những năm tháng dựng nước, và giữ nước đã là kinh nghiệm và tài sản quý giá để nước ta duy trì được môi trường hòa bình, ổn định, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho xây dựng và phát triển đất nước trong thời đại mới.

Các đồng chí lãnh đạo Đảng và Nhà nước tham dự Hội nghị đối ngoại toàn quốc
Các đồng chí lãnh đạo Đảng và Nhà nước tham dự Hội nghị đối ngoại toàn quốc

Ngày 14/12/2021, Bộ Chính trị, Ban Bí thư tổ chức Hội nghị đối ngoại toàn quốc để bàn về công tác đối ngoại của Đảng, ngoại giao Nhà nước, đối ngoại nhân dân và của cả hệ thống chính trị. Điều đó không chỉ cho thấy, tầm quan trọng của công tác đối ngoại của Đảng trong tình hình mới, mà hơn hết còn là cơ sở, điều kiện để dư luận thế giới hiểu rằng, đối ngoại của Việt Nam mãi mãi sẽ là kiên định theo con đường độc lập dân tộc và CNXH; như sinh thời Bác hằng mong muốn.

Trong bối cảnh hiện nay, hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển là xu thế lớn, nhưng không tránh khỏi những thách thức đan xen làm lung lay tư tưởng đối ngoại mà Đảng đã chọn. Phát biểu tại Hội nghị đối ngoại toàn quốc (14/12/2021), Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh như một lời nhắc nhở: Trong thời kỳ hội nhập toàn diện, xu hướng toàn cầu hóa và liên kết, hợp tác là tất yếu thì sự phối hợp chặt chẽ giữa đối ngoại Đảng, ngoại giao Nhà nước, đối ngoại Nhân dân và giữa các ban, bộ, ngành, các cơ quan, đơn vị, các tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động đối ngoại ở Trung ương cũng như ở địa phương, nhất là các địa phương biên giới có ý nghĩa rất quan trọng để thực hiện thành công nhiệm vụ chung cũng như nhiệm vụ của mỗi ngành, địa phương, cơ quan, đơn vị.

Tổng Bí thư cũng không quên đặt ra vấn đề: “Cán bộ là cái gốc của mọi công việc”. Thế nên, “chúng ta cần tiếp tục coi trọng hơn nữa công tác đào tạo cán bộ ngoại giao, cán bộ đối ngoại cả về trình độ, năng lực lẫn bản lĩnh chính trị, đặc biệt là bản lĩnh chính trị. Các đồng chí phải không ngừng rèn luyện vững vàng về chính trị, luôn tuyệt đối trung thành với lý tưởng của Đảng, với lợi ích của dân tộc, tỉnh táo trước sự tác động, lôi kéo của các thế lực thù địch, chủ động tích cực phòng ngừa không để “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, vướng vào tham nhũng, tiêu cực”, Tổng Bí thư đề nghị.

Xin được mượn lời Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng để thay cho lời kết của bài viết này như một niềm tha thiết: Đất nước ta dù còn khó khăn, nhưng triển vọng tương lai rất sáng lạng. Toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta đang đồng lòng, quyết tâm cao nhất thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng. Là người Việt Nam, dù ở trong nước hay nước ngoài, ai cũng mong muốn nước ta hùng cường, thịnh vượng, sánh vai với các cường quốc năm châu, như ước nguyện của Chủ tịch Hồ Chí Minh.