Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Xã hội

Đổi thay của người Mã Liềng nơi thượng nguồn sông Gianh

Đức Cương - 13:38, 06/11/2019

Người Mã Liềng ở tỉnh Quảng Bình thuộc dân tộc Chứt, hiện nay có gần 200 hộ với hơn 700 nhân khẩu sinh sống tại 4 bản: Kè, Cáo, Chuối, Ca Xen, thuộc 2 xã vùng cao Thanh Hóa và Lâm Hóa, huyện Tuyên Hóa. Từ cuộc sống lang thang, phiêu bạt giữa rừng sâu, núi thẳm, được sự quan tâm của các cấp chính quyền, các chương trình, dự án, đến nay cuộc sống của người Mã Liềng nơi thượng nguồn sông Gianh đã đổi thay.

Cán bộ bản Kè, xã Lâm Hóa, huyện Tuyên Hóa hướng dẫn bà con người Mã Liềng sử dụng chảo thu sóng ti vi.
Cán bộ bản Kè, xã Lâm Hóa, huyện Tuyên Hóa hướng dẫn bà con người Mã Liềng sử dụng chảo thu sóng ti vi.

Đổi thay ở bản Kè

Nhiều đời nay, người Mã Liềng trong bản, hằng ngày vẫn phải đi trên những chuyến đò mảng để giao thương với bên ngoài. Vào mùa mưa lũ, con em đồng bào buộc phải nghỉ học dài ngày. Bản bị chia cắt bởi không thể qua sông. Nếu có ai chẳng may ốm đau nặng đúng vào lúc nước sông chảy xiết thì tính mạng coi như... “nhờ trời”.

Cuối năm 2015, công trình cầu treo bản Kè đã chính thức đưa vào sử dụng sau gần 1 năm thi công. “Có cầu mới, dân bản bây giờ mua sắm xe máy nhiều, con em người Mã Liềng đến trường học đều đặn hơn trước. Người dân ra vào giao thương với bản ngày một đông…”, ông Trương Quang Tấn, Phó Chủ tịch UBND xã Lâm Hóa, kiêm Bí thư Chi bộ bản Kè, cho biết.

Vào tới bản Kè, chúng tôi khá bất ngờ bởi gần 4km đường quanh bản được bê tông hóa; nhà sàn của bà con xây dựng kiên cố, gần nhau, điện lưới kéo về tận từng hộ gia đình, có trường học, công trình nước sạch, sân bóng chuyền, nhà văn hóa cộng đồng, ti vi, xe máy hầu như nhà nào cũng có… Gặp ai chúng tôi cũng cảm nhận được niềm vui, phấn khởi ánh lên trên từng khuôn mặt, ánh mắt của người dân nơi đây. 

Ít ai biết rằng, chỉ chục năm trước, bản Kè nổi tiếng là lắm “không”: Không điện, đường, trường, trạm, nhà kiên cố, nước sinh hoạt… cuộc sống nay đây mai đó nơi rừng sâu, nước độc. Nhưng diện mạo bản Kè giờ đã khác, 100% người Mã Liềng đã định canh định cư; không còn hiện tượng đốt rừng làm rẫy mà mỗi nhà có 1 - 2 sào ruộng trồng lúa nước 2 vụ trong năm. Nhiều hộ còn nhận khoán bảo vệ rừng tự nhiên lên tới hơn chục ha. 

Tiếng kẻng giữa đại ngàn Trường Sơn

Đồng bào Mã Liềng ở bản Kè, xã Lâm Hóa, huyện Tuyên Hóa chăm sóc vườn ươm giống cây huê đỏ để trồng rừng
Đồng bào Mã Liềng ở bản Kè, xã Lâm Hóa, huyện Tuyên Hóa chăm sóc vườn ươm giống cây huê đỏ để trồng rừng

Gần trưa, rời bản Kè, chúng tôi đến bản Chuối, bản Cáo. Tới đầu bản Chuối, chúng tôi đột nhiên nghe một hồi kẻng dài ở phía thượng nguồn sông Gianh vang vọng vào các vách núi dựng đứng. Sau tiếng kẻng là tiếng loa phát thanh nhắc nhở người dân trong bản buổi chiều đi lấy nước, bón phân cho ruộng lúa… 

Thấy tôi “mắt tròn mắt dẹt” tò mò, Bí thư Tấn nhanh miệng giải thích: “Tiếng kẻng của người Mã Liềng nơi đại ngàn Trường Sơn đó”.

Lời Bí thư Tấn càng làm tôi thêm tò mò, háo hức muốn vào bản nhanh để tìm hiểu về tiếng kẻng của người Mã Liềng. Gặp gỡ Ban cán sự và những người dân ở bản Chuối, họ cho biết, đây là mô hình tiếng kẻng được xã thực hiện từ năm 2012, áp dụng ở 3 bản Kè, Cáo, Chuối. 

Mục đích của những tiếng kẻng này là thông báo tình hình, các nội dung mới, thời gian các hoạt động, nhắc nhở các cháu học sinh ngồi vào bàn học; quy định không uống rượu bia khuya; gây gổ, mất đoàn kết; bà con trong bản đi ngủ đúng giờ để ngày mai có sức khỏe để lao động… 

Sau khi có tiếng kẻng và đặc biệt là loa phát thanh được lắp đặt, việc nhắc nhở công việc, duy trì các nền nếp sinh hoạt, lao động khoa học, tình hình an ninh trật tự, nếp sống văn hóa ở mỗi bản tốt hẳn lên. Tiếng kẻng, tiếng loa phát thanh là minh chứng cho sự thay đổi lớn về nếp sống, sinh hoạt, văn hóa của bà con người Mã Liềng nơi đây. 

Vẫn còn khá nhiều câu chuyện về sự khởi sắc của người Mã Liềng nơi thượng nguồn sông Gianh này mà chúng tôi không kể ra hết được trong phạm vi bài viết. Xin được trích vài lời tâm sự của ông Phạm Hành, Trưởng bản Chuối, xã Lâm Hóa: “Nếu không nhận được sự quan tâm tích cực của cấp ủy đảng, chính quyền các cấp, chắc người Mã Liềng còn lâu mới có được cuộc sống đổi thay, khởi sắc như ngày hôm nay...”.

Tin cùng chuyên mục
Quảng Trị: Một người đàn ông tử vong, nghi do đầu đạn tồn đọng sau chiến tranh phát nổ

Quảng Trị: Một người đàn ông tử vong, nghi do đầu đạn tồn đọng sau chiến tranh phát nổ

Chiều 13/5, đại diện UBND xã Hiền Thành, huyện Vĩnh Linh (Quảng Trị) cho biết, hiện cơ quan chức năng đang tiến hành xác minh nguyên nhân tử vong của 1 người đàn ông trên địa bàn, nghi do vật liệu nổ tồn đọng sau chiến tranh phát nổ.