Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Thể thao - Giải trí

Đội tuyển nữ Việt Nam từ "cường quốc" ASEAN đến đấu trường World Cup

PV - 10:58, 08/02/2022

Kỳ tích lịch sử World Cup 2023 của đội tuyển nữ Việt Nam vừa giành được không phải là điều ngẫu nhiên mà với giới chuyên môn đó là kết quả của một quá trình nỗ lực vượt bậc. CĐV Việt Nam đã phải chờ đợi chiến công này ít nhất gần 1 thập kỷ qua.


Từ kỳ tích hôm nay phải đặt ra lộ trình phát triển dài hơi cho bóng đá nữ Việt Nam. Ảnh: VFF
Từ kỳ tích hôm nay phải đặt ra lộ trình phát triển dài hơi cho bóng đá nữ Việt Nam. Ảnh: VFF

"Cường quốc" bóng đá nữ Đông Nam Á

Lịch sử bóng đá nữ Việt Nam ghi nhận đội tuyển được thành lập từ năm 1990 nhưng phải đến năm 1997, các cô gái đá bóng mới được thi đấu chính thức trận đầu tiên ở Jakarta, Indonesia. Đây là nỗ lực đáng ghi nhận của người làm thể thao Việt Nam trong quá trình hội nhập với quốc tế. Trước đó, bóng đá nữ gặp không ít rào cản khi người đứng đầu ngành thể thao nhiều địa phương không hào hứng lắm với một đội tuyển nữ. Điển hình là tại TP.HCM, cái nôi bóng đá nữ số 1 Việt Nam hiện tại cũng khốn đốn tìm cách hoạt động trong những ngày đầu và chỉ thực sự tạm đi vào nề nếp vài năm qua.

Ở một quốc gia đông dân thứ 3 Đông Nam Á (sau Indonesia và Philippines), lại có tình yêu bóng đá mãnh liệt, những con cháu Bà Trưng, Bà Triệu mau chóng chứng tỏ tài năng của mình đối với môn thể thao vua. Bắt nguồn từ thất bại 2-3 trước Thái Lan ở Đại hội thể thao Đông Nam Á (SEA Games) 1997, các cô gái đá bóng chỉ mất 4 năm khởi động trước khi trở thành thế lực lớn bậc nhất ASEAN.

Đội tuyển nữ Việt Nam đi vào lịch sử SEA Games với tư cách vô địch nhiều lần nhất khi lên đỉnh các năm 2001, 2003, 2005, 2009, 2017 và 2019. 6 HCV SEA Games của họ nhiều hơn Thái Lan 1 lần và ở giải vô địch Đông Nam Á, đội tuyển nữ Việt Nam đã lên ngôi 3 lần vào các năm 2006, 2012 và 2019, chỉ kém 1 lần so với Thái Lan. Việc quật ngã cả Myanmar và Thái Lan ở vòng chung kết Asian Cup 2022 trên đất Ấn Độ vừa qua cũng là điều rất bình thường đối với đội tuyển nữ Việt Nam. Bởi lẽ khi chạm trán “Những chiến binh sao Vàng”, những đối thủ lớn nhất Đông Nam Á của Việt Nam như Myanmar lẫn Thái Lan đều xem họ là "khắc tinh".

Mốc son chói lọi của đội tuyển nữ Việt Nam ở đấu trường châu lục là vị trí thứ 4 tại Đại hội thể thao châu Á (Asiad) 2014. Đội tuyển nữ Việt Nam cũng là khách quen của giải bóng đá nữ châu Á (Asian Cup) các năm 1999, 2001, 2003, 2006, 2008, 2010, 2014, 2018, 2022. Ở giải đấu năm 2014, thầy trò HLV Trần Vân Phát đã chạm sát cột mốc lịch sử bằng trận play-off trước Thái Lan trên sân nhà Thống Nhất. Tuy nhiên, áp lực nặng nề đã khiến đội chủ nhà thất bại bất ngờ 1-2 và lỗi hẹn với kỳ tích dự World Cup.

Những con số thống kê đó cho thấy bước tiến bền vững của nền bóng đá và việc thầy trò HLV Mai Đức Chung hoàn thành giấc mơ lịch sử World Cup 2023 cho bóng đá Việt Nam hôm 6/2/2022 là điều phải đến đã đến. Tuy nhiên, cột mốc vừa đạt được đáng ngợi khen hơn vì nó chứa đựng quá nhiều gian nan và không ngoa khi cho rằng, thầy trò HLV Mai Đức Chung đã có hành trình vô cùng kỳ diệu.

Vươn ra biển lớn

Bắt đầu từ kết quả bốc thăm Asian Cup 2022, ngay cả đội trưởng Huỳnh Như cũng ngán ngẩm khi đội tuyển Việt Nam rơi vào bảng C cùng Nhật Bản, Hàn Quốc, Myanmar. Mường tượng về kỳ Asian Cup 2018 não nề lại đến với các cô gái khi có vẻ đấu trường châu Á không mấy có duyên với bóng đá Việt Nam.

Chuyến tập huấn tại Tây Ban Nha của đội tuyển trước khi đến Ấn Độ dự giải cũng là ác mộng cho thầy trò HLV Mai Đức Chung khi Covid-19 càn quét tập thể này. 4 ngày trước giải chính thức, đội tuyển Việt Nam chỉ có 6 thành viên đến Ấn Độ và rất may, họ đã có đủ quân số ở trận ra quân gặp Hàn Quốc. Đội chủ nhà đã không may mắn như Việt Nam khi họ bị Liên đoàn bóng đá châu Á (AFC) loại thẳng tay vì nhiều cầu thủ mắc Covid-19 và không đủ người đá trận ra quân.

Dù vẫn chịu di chứng Covid-19, nhưng đội tuyển Việt Nam vẫn nỗ lực tột cùng để thi đấu, thành công trong việc hạn chế bàn thua trước cả Hàn Quốc và Nhật Bản, để rồi sau đó thầy trò HLV Mai Đức Chung đã trải qua 90 phút nhọc nhằn trước Myanmar, đủ điều kiện lách qua khe cửa hẹp có mặt trong 2 đội hạng 3 có thành tích tốt nhất vào tứ kết của giải. Đặt giả thiết nếu các học trò ông Chung “xe ca” không may gặp vấn đề Covid-19 ngay trong giải đấu như Thái Lan hay Đài Bắc Trung Hoa, nguy cơ đội tuyển Việt Nam bị AFC loại khỏi giải như chủ nhà Ấn Độ là rất lớn.

Trong cái rủi có cái may, đội tuyển Việt Nam đã chắt chiu từng cơ hội nhỏ nhất và mỗi thành viên có lẽ phải tự dặn mình ý thức được bài học lịch sử đã bỏ lỡ năm 2014. Sự nghiệp đỉnh cao của Huỳnh Như, Chương Thị Kiều, Tuyết Dung không còn nhiều thời gian và bản thân họ cũng như hàng triệu CĐV nhà không thể thêm một lần lỗi hẹn với giấc mơ lịch sử của nền bóng đá.


Tin cùng chuyên mục
Hơn 13 nghìn vận động viên tham gia Giải Marathon Quốc tế Di sản Hạ Long năm 2024

Hơn 13 nghìn vận động viên tham gia Giải Marathon Quốc tế Di sản Hạ Long năm 2024

Chiều ngày 16/11, tại TP. Hạ Long (Quảng Ninh) đã diễn ra Lễ khai mạc Giải Marathon Quốc tế Di Sản Hạ Long 2024. Hơn 13 nghìn vận động viên (VĐV), trong đó có hơn 1 nghìn 3 trăm VĐV quốc tế đến từ 55 quốc gia đã sẵn sàng tham gia giải chạy vào ngày 03/11/2024. Đây là mùa giải thứ 10 kể từ khi Giải Marathon Quốc tế Di Sản Hạ Long được tổ chức tại Việt Nam.