Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Sự kiện - Bình luận

“Đòn bẩy” từ cơ chế và chính sách đặc thù

Thanh Hải - 12:20, 26/10/2021

Tại Kỳ hợp thứ 2, Quốc hội khóa XV đã bàn đến việc thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù đối với thành phố Hải Phòng, Nghệ An, Thanh Hóa và Thừa Thiên Huế trước khi xem xét, nhân rộng ra cả nước. Đó là “đòn bẩy”, là điều kiện tốt nhất giúp những địa phương này trong phát triển kinh tế xã hội. Vấn đề còn lại là các địa phương sẽ nắm bắt cơ hội, triển khai thực hiện như thế nào để đạt hiệu quả cao nhất.

Phiên thảo luận tổ về cơ chế, chính sách đặc thù cho TP.Hải Phòng và các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, Thừa Thiên Huế
Phiên thảo luận tổ về cơ chế, chính sách đặc thù cho TP.Hải Phòng và các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, Thừa Thiên Huế

Trong khuôn khổ Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV, thảo luận tại tổ 3 ngày 22/10, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh: Thể chế nước ta là khuôn khổ thống nhất trong toàn quốc nhưng có thí điểm một số cơ chế, chính sách mới. Thí điểm là cơ sở để xem xét nâng chuẩn quy định của pháp luật lên mức cao hơn và sau đó lại tiếp tục thí điểm để lên chuẩn mới cao hơn nữa. Trên cơ sở kết quả thí điểm, qua tổng kết, đánh giá có thể nhân rộng trong toàn quốc.

Theo Chủ tịch Quốc hội, thí điểm ở một số địa phương cũng vì mục tiêu chung cho quản trị của quốc gia. Với những địa phương có điều kiện, tiềm năng, phát triển trở thành đầu tàu, động lực thì có cơ chế, chính sách đột phá, mạnh mẽ hơn để tạo điều kiện cho địa phương phát triển, tạo tác động lan tỏa cho các địa phương khác, cho vùng, cho cả nước. Đối với những địa phương còn khó khăn hơn thì sẽ có cơ chế chính sách đặc thù để hỗ trợ các địa phương vươn lên, rút ngắn khoảng cách phát triển với các địa phương khác.

Trên tinh thần này, 4 địa phương gồm Thành phố Hải Phòng, Nghệ An, Thanh Hóa, Thừa Thiên Huế đã được Quốc hội xem xét, quyết định thí điểm một số cơ chế chính sách đặc thù. Quyết sách của Quốc hội là nhằm thể chế hóa chủ trương lớn trong các Nghị quyết của Trung ương và Văn kiện Đại hội Đảng các khóa trên cơ sở cân nhắc rất kỹ lưỡng các điều kiện, tiềm năng, thế mạnh, đặc thù, yêu cầu phát triển. Với 3 địa phương Nghệ An, Thừa Thiên Huế, thành phố Hải Phòng sẽ được Chính phủ trình Quốc hội dự thảo Nghị quyết thí điểm 6 cơ chế, chính sách; riêng tỉnh Thanh Hóa là 8 cơ chế chính sách đặc thù phát triển.

Thực tế thì, do đặc thù nên các tỉnh trên đã từng được hưởng những ưu ái của Chính phủ. Cụ thể, Bộ Chính trị đã có Nghị quyết số 26, Thông báo số 55 về phương hướng, nhiệm vụ phát triển tỉnh Nghệ An đến năm 2020; Nghị quyết số 45 về xây dựng và phát triển thành phố Hải Phòng đến năm 2030, tầm nhìn năm 2045; Nghị quyết số 54 về xây dựng và phát triển tỉnh Thừa Thiên Huế đến 2030 và Nghị quyết số 58 về xây dựng và phát triển tỉnh Thanh Hoá đến năm 2030, tầm nhìn năm 2045. Theo Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, việc xây dựng các cơ chế, chính sách đặc thù phát triển các tỉnh, thành phố nhằm đảm bảo sự đồng bộ, thống nhất trong việc thể chế hóa chủ trương mà Bộ chính trị đã ban hành cho các địa phương.

Việc Quốc hội xem xét, quyết định thí điểm một số cơ chế chính sách đặc thù đối với Thành phố Hải Phòng, tỉnh Thanh Hóa, tỉnh Nghệ An, tỉnh Thừa Thiên Huế đã là cơ hội, là “đòn bẩy” để bốn tỉnh, thành bứt phá với hành lang pháp lý rộng rãi, đầy đủ. Nhưng để đạt được kết quả như kỳ vọng của Chính phủ, thì mỗi đơn vị nên chăng cần phải dựa vào tình hình thực tế của mình để nên làm những gì và làm như thế nào, ưu tiên lĩnh vực nào trước, chọn khâu nào làm đột phá, phân kì các giai đoạn thực hiện ra sao…? Đấy là câu hỏi mà lãnh đạo các địa phương trước khi thực hiện phải trăn trở, suy nghĩ trên tinh thần  trách nhiệm cao nhất. Lẽ tất nhiên, khi được Quốc hội thông qua, Chính phủ sẽ có Quyết định về cơ chế, chính sách đặc thù cụ thể như thế nào. Tuy nhiên, để chuyển tải từ ý tưởng, từ văn bản đến thực tiễn thực hiện là cả một quá trình không dễ dàng.

Ở góc độ cá nhân, mỗi tỉnh, thành được Chính phủ ưu ái trình Quốc hội xem xét một số cơ chế, chính sách đặc thù phải nắm bắt tốt cơ hội, tận dụng tốt thời cơ. Trên cơ sở đó, phải phát huy nội lực, tranh thủ ngoại lực tối đa để biến khát vọng như Chính phủ mong muốn, sớm thành hiện thực.

Toàn cảnh phiên làm việc tại Hội trướng trong khuôn khổ kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV
Toàn cảnh phiên làm việc tại Hội trướng trong khuôn khổ kỳ họp thứ 2 Quốc hội khóa XV

Ở góc độ Chính phủ, những gì là ưu tiên, ưu đãi dành cho 4 đơn vị nêu trên cần thực hiện rõ ràng, minh bạch, kịp thời, khẩn trương; có trọng tâm, trọng điểm. Chẳng hạn ở khâu ngân sách, khi đã có quyết định bố trí nguồn thì cần thực hiện đúng lộ trình, đúng thời gian để địa phương có nguồn lực thực hiện và thực hiện theo kế hoạch, theo phân kỳ đầu tư. Hoặc, đã có ưu đãi về giá đất, miễn giảm các loại thuế, cơ chế về chính sách cán bộ, dư nợ cho vay… thì cũng nên đôn đốc, chỉ đạo các địa phương thực hiện nhanh, gọn… để tranh thủ tối đa thời gian, cơ hội thực hiện. Và, phải đặt ra mục tiêu, lộ trình cho từng địa phương, trong 5 năm hay 10 năm tới phải đạt được những gì, làm được những gì; có thể tự cân đối được ngân sách không, đóng góp được bao nhiêu cho ngân sách… Đặc biệt, phải yêu cầu các địa phương có trách nhiệm với ngân sách Nhà nước đã đầu tư đồng thời cần có chế tài trách nhiệm để sau này tổng kết, đánh giá trách nhiệm thuộc về ai phải rõ ràng, cụ thể.

Thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù đối với thành phố Hải Phòng, Nghệ An, Thanh Hóa và Thừa Thiên Huế đã là thông tin rất được người dân, cộng đồng doanh nghiệp và các tỉnh mong đợi; kì vọng như một “luồng gió mới” để thúc đẩy các địa phương phát triển đi lên. 

Tin cùng chuyên mục
Du lịch nội địa - Bao giờ mới chuyên nghiệp?

Du lịch nội địa - Bao giờ mới chuyên nghiệp?

Lạm thu phí tham quan di tích, danh lam thắng cảnh; khâu tổ chức phân luồng kém dẫn đến tình trạng nhốn nháo, lộn xộn, tắc nghẽn trên đường lên tham quan di tích; cáp treo quá tải nhưng nhà ga vẫn tiếp tục bán vé để mặc du khách xếp hàng đợi cả vài tiếng đồng hồ… Đây là thực trạng đã và đang diễn ra nhiều năm nay tại không ít điểm tham quan di tích, danh lam thắng cảnh ở Việt Nam khiến du khách không khỏi bức xúc, thất vọng.