Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Sự kiện - Bình luận

Cần mạnh dạn có quyết sách mới, tạo động lực cho sự phát triển

Minh Thu - 16:47, 23/10/2021

Đó là chia sẻ của Đại biểu Quốc hội Hoàng Văn Cường, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế Quốc dân, Ủy viên Ủy ban Tài chính – Ngân sách của Quốc hội tại phiên họp Tổ ngày 21/10/202.

Ông Hoàng Văn Cường
Ông Hoàng Văn Cường

Ông đánh giá như thế nào về vai trò, sự chỉ đạo của Chính phủ trong công tác phòng chống dịch thời gian qua?

Ông Hoàng Văn Cường: Hiện nay, chúng ta đang trở lại trạng thái “bình thường mới” đã cho thấy thành công trong công tác chỉ đạo phòng chống dịch hết sức quyết liệt của Chính phủ với những hướng xử lý kịp thời. Đặc biệt, sự chỉ đạo của Chính phủ có sự đồng hành của cả hệ thống chính trị. Quốc hội, cũng đã có quyết định kịp thời để giúp Chính phủ hành động tốt. Năm 2020, khi dịch bệnh xảy ra, Chính phủ trình Nghị quyết trợ cấp cho hoạt động chống dịch, cho nhân viên y tế, cho những người bị cách ly là chưa có tiền lệ, chưa có quy định trong luật pháp, nhưng Thường vụ Quốc hội đã họp và thông qua ngay lập tức. Chúng ta cũng thấy tại Kỳ họp thứ Nhất Quốc hội đã có Nghị quyết 30 cho phép Chính phủ gần như toàn quyền hành động để kịp thời xử lý, ứng phó với dịch bệnh. Với những vấn đề có trong luật pháp, Quốc hội cũng đã có nghị quyết để cho phép Chính phủ hành động. Nhờ đó, công tác chống dịch của Chính phủ được đồng bộ, kịp thời, nhận được sự vào cuộc, ủng hộ, chung tay của người dân để có được kết quả như ngày hôm nay.

Sau khi kiểm soát được dịch Covid-19, đất nước hiện đang bước vào giai đoạn bình thường mới với nỗ lực thực hiện mục tiêu kép, ông có nhận xét như thế nào về khả năng tăng trưởng kinh tế những tháng cuối năm và cả năm 2021?

Ông Hoàng Văn Cường: Chúng ta thực hiện chiến lược sống chung an toàn với dịch Covid-19, mở cửa trở lại nhưng không mở của 100% mà mở cửa có lộ trình. Khi mở cửa, chưa thể khôi phục sản xuất kinh doanh được ngay, nên kinh tế khó có thể phục hồi như năm 2020. Bởi lẽ gần 100 nghìn doanh nghiệp hiện đóng cửa do dịch Covid-19, hàng chục ngàn lao động rời khởi các khu kinh tế, các trung tâm trọng điểm kinh tế để về quê. Hơn nữa, ngay khi mở cửa trở lại, các doanh nghiệp cũng không thể có đủ nguồn lực, không đủ nhân công, các điều kiện đầu vào sản xuất, thiếu khả năng tạo lập các nguồn lực cho tiêu dùng cuối năm. Vì vậy, không kỳ vọng trong quý IV, tăng trưởng kinh tế có thể tạo ra sự đột phá. Và mức tăng trưởng kinh tế năm 2021 cũng chỉ đạt được mức dự báo là 2,5 -3%. Bên cạnh đó, chỉ tiêu GDP, thu nhập bình quan đầu người, chỉ tiêu liên quan đến giảm nghèo, tăng năng suất lao động có thể không đạt.

Vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã có chỉ đạo về tăng cường thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, ông đánh giá như thế nào về vấn đề này?

Ông Hoàng Văn Cường: Tôi cho rằng, chúng ta sẽ phải đẩy mạnh thế mạnh về nông nghiệp, là ngành tạo ra các sản phẩm xuất khẩu, ổn định thị trường trong nước, tạo động lực cho tăng trưởng cuối năm, phục hồi thị trường trong nước. Phải tạo điều kiện để tiêu dùng nội địa giữ chân các khách hàng nội địa; chú trọng dân sinh như trợ cấp cho người lao động, trợ cấp cho doanh nghiệp để có thêm nguồn kích cầu tiêu dùng, phục hồi gia công, vận chuyển hàng hóa, vận chuyển hành khách, phục hồi du lịch. Bên cạnh đó, kích cầu về đầu tư công luôn là động lực, tiềm lực quan trọng. Tốc độ tăng đầu tư công năm 2021 quá chậm, không thể đạt 100% vào cuối năm nay. Trong những tháng cuối năm, phải tăng tốc độ cao nhất để giải ngân vốn đầu tư công, thúc đẩy tiêu dùng trực tiếp, lan tỏa đến các doanh nghiệp, các nguồn đầu tư tư nhân, tạo nguồn đầu tư mới.

Tốc độ tăng đầu tư công năm 2021 quá chậm, không thể đạt 100% vào cuối năm nay
Tốc độ tăng đầu tư công năm 2021 quá chậm, khó có thể đạt 100% vào cuối năm nay

Việc chi ngân sách nhiều trong khi thu ngân sách không bù đắp được đã gây sức ép với an ninh tài chính quốc gia năm 2021 và những năm tới như thế nào, thưa ông?

Ông Hoàng Văn Cường: Năm 2021, chúng ta đang thực hiện các chính sách hoãn, giãn, miễn thuế, các khoản thu và đó là yếu tố làm cho thu ngân sách khó khăn. Báo cáo của Chính phủ trong 9 tháng đầu năm cho biết ta đã đạt 80% của kế hoạch thu ngân sách và dự kiến vượt 22 ngàn tỉ hết năm. Đây là thành công, là điểm sáng đáng ghi nhận trong bối cảnh kinh tế khó khăn. Tuy nhiên, nhu cầu chi tiêu cho công tác phòng chống dịch, hỗ trợ doanh nghiệp, người dân sẽ cần rất nhiều, phải lấy từ ngân sách trong khi vẫn thực hiện hoãn, giãn, miễn giảm thuế nên nguồn thu ngân sách đương nhiên hạn hẹp. Tôi cho rằng, phải sử dụng các công cụ về mặt tài khóa để tạo thêm các nguồn lực. Cần tăng tiếp cận nguồn vốn của doanh nghiệp, có chính sách về dùng ngân sách hỗ trợ cấp bù lãi suất cho doanh nghiệp. Khi đó, các doanh nghiệp có thể tiếp cận nguồn vốn tín dụng giá rẻ, để phục hồi sản xuất, kinh doanh, tăng trưởng, phát triển. Cần có các nguồn lực tăng đầu tư công, tiết giảm chi thường xuyên; có cơ chế đặt hàng các tập đoàn, doanh nghiệp để tạo ra các trụ phát triển mới. Ta có lợi thế rất lớn là tỉ lệ nợ công rất thấp (43,7%) trong khi trần nợ công là 60%, nghĩa là dư địa còn 16% để huy động nguồn lực. Do vậy, cần mạnh dạn có quyết sách mới, tạo động lực cho sự phát triển.

Xin cảm ơn ông!