Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Kinh tế

Đồng bằng sông Cửu Long: “Gồng mình” giữ đàn lợn sạch

PV - 10:33, 31/05/2019

Tính đến nay, Sóc Trăng là tỉnh thứ 7/13 tỉnh, thành trong khu vực Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSLC) có lợn bị nhiễm dịch tả lợn, sau các tỉnh Hậu Giang, An Giang, Kiên Giang, Đồng Tháp, Vĩnh Long, TP. Cần Thơ. Số lợn bị phát hiện và tiêu huỷ lên đến trên 2.000 con. Phần lớn, các ổ dịch tả lợn châu Phi được phát hiện tại các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ, chưa tiêm phòng đầy đủ, chưa áp dụng biên pháp chăn nuôi an toàn sinh học. Các chủ hộ có sử dụng thức ăn viên và có sử dụng thức ăn thừa lấy từ các quán ăn, chưa qua xử lý nhiệt để cho heo ăn. 

Các địa phương tăng cường phun xịt hoá chất khử trùng phòng dịch tả lợn tại các trại nuôi lợn tập trung. Các địa phương ở Đồng bằng sông Cửu Long tăng cường phun xịt hoá chất khử trùng phòng dịch tả lợn tại các trại nuôi lợn tập trung.

Trước diễn biến và tình trạng báo động về dịch lây lan, các tỉnh, thành trong khu vực đều đã lập chốt kiểm dịch trên các tuyến giao thông, tiêu độc khử trùng và ngăn chặn việc vận chuyển heo nhằm giảm lây lan, hướng dẫn hộ chăn nuôi thực hiện vệ sinh, tiêu độc khử trùng chuồng trại và xung quanh khu vực chăn nuôi.

Theo ông Nguyễn Tiến Hải, Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau, tính đến chiều ngày 28/5, các đàn lợn trên địa bàn tỉnh vẫn được kiểm soát an toàn với dịch tả lợn châu Phi. Hơn một tuần qua, Cà Mau đã lập trạm, chốt kín hết các tuyến đường bộ, đường thuỷ lớn nhỏ, ngăn chặn, tất cả xe ô tô vào cửa ngõ Cà Mau để kiểm soát phun xịt khử trùng; kiểm tra tất cả điểm giết mổ, tuyệt đối không cho giết mổ nhỏ lẻ, không cho vận chuyển mua bán lợn thịt không có giấy chứng nhận kiểm dịch. Nếu phát hiện sẽ tịch thu, tiêu huỷ.

Đồng thời, Cà Mau cũng đẩy mạnh công tác tuyên truyền đến người dân và phòng chống dịch tả lợn châu Phi, trong đó, các nhà mạng thực hiện tin nhắn đến tất cả số thuê bao di động trên địa bàn tỉnh Cà Mau về phòng chống dịch tả lợn châu Phi với 3 nội dung trong một tin nhắn gồm: “Bốn không, hai phải và một chỉ”. “Bốn không” là: không dấu dịch; không mua bán, vận chuyển, giết mổ, tiêu thụ thịt heo bệnh, chết hoặc không có dấu kiểm soát của cơ quan thú y; không vứt heo chết ra môi trường và không sử dụng thức ăn thừa chưa nấu chín để nuôi heo. “Hai phải” là: phải báo ngay cho cơ quan thú y và trưởng ấp, khóm khi phát hiện heo bệnh chết; phải thực hiện chăn nuôi an toàn sinh học. “Một chỉ” là: chỉ sử dụng thịt heo và các phẩm từ heo có nguồn gốc rõ ràng, có dấu kiểm soát của thú y và qua nấu chín.

Ông Bạch Đức Lữu, Chi Cục trưởng Chi cục Thú y vùng 6 nhận định, các địa phương khu vực phía Nam có hệ thống kênh rạch dày đặc, giao thông đường thủy và đường bộ đan xen, khó kiểm soát, nguy cơ bệnh dịch tả lợn châu Phi sẽ tiếp tục phát sinh và lây lan rộng là khó tránh khỏi. Tính đến sáng ngày 28/5, khu vực phía Nam đã có 9 tỉnh xảy ra dịch tả lợn châu Phi, tiêu hủy hơn 4.800 con lợn.

Chi cục Thú y vùng 6 khuyến cáo, các địa phương phải theo dõi chặt chẽ diễn biến tình hình dịch bệnh, tăng cường tần suất tiêu độc, sát trùng khu vực chăn nuôi, đường giao thông, làm sạch môi trường nhằm hạn chế lây lan mầm bệnh.

N.TÂM